Bánh nếp mè đen độc đáo của người Vân Kiều dịp tết

Bá Cường
Bá Cường
23/01/2023 20:20 GMT+7

Dịp Tết Nguyên đán, món bánh A dưt (A yữh) truyền thống của người Vân Kiều lại được lên mâm. Nếp, mè đen cùng hòa quyện tạo nên một chiếc bánh mang đậm hương vị của núi rừng.

Chỉ xuất hiện trong dịp đặc biệt

Ở xã Hướng Việt (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) mỗi độ xuân về, các chị em người Vân Kiều cùng nhau nấu nếp, giã chày, rang mè... để làm món bánh A dưt truyền thống của người Vân Kiều cho ngày Tết Nguyên đán.

Bánh A dưt sau khi hoàn thành.

bá hoàng

Món bánh này chỉ được người Vân Kiều làm trong những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, đám cưới, lễ hội... Anh Hồ Văn Giỏi (27 tuổi, thôn Tà Puồng, xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa) cho biết, món bánh A dưt được người Vân Kiều làm ra trong các dịp đặc biệt để tặng cho anh chị em thân thích.

Bánh A dưt chỉ xuất hiện trong những dịp lễ đặc biệt của người Vân Kiều

bá cường

"Hôm nay tôi làm 2 chiếc bánh A dưt, một chiếc để mời khách những ngày tết, chiếc còn lại để tặng cho chị dâu. Bánh này được chúng tôi làm ra để tặng cho người thân trong nhà, chủ yếu là chị dâu, anh rể để thể hiện sự cám ơn đối với họ", anh Giỏi nói.

Trong dịp tết, món bánh A dưt cũng chỉ được dọn ra cùng với bánh kẹo khi người thân đến thăm nhà. "Những vị khách nếu biết đến món bánh và muốn thưởng thức vẫn được, nhưng chúng tôi chỉ chủ động dọn ra mỗi khi có người thân đến", anh Giỏi nói thêm.

Cách làm kỳ công

Bánh A dưt khi hoàn có hình tròn như bánh... pizza, được nhào nặn gọn gàng đặt trên một cái mẹt hoặc rổ, rá... Nhìn đơn giản nhưng để làm ra món bánh truyền thống này tốn rất nhiều công.

Phải có từ 3 người trở lên mới có thể làm được bánh A dưt

bá hoàng

Miệt mài giã nếp, chị Hồ Thị Thinh (32 tuổi, thôn Tà Puồng, xã Hướng Việt) chia sẻ rằng đây chỉ mới là công đoạn thứ 3, trước đó nếp phải rửa sạch rồi nấu lên như xôi, sau đó đem giã nhuyễn. Các công đoạn này cần từ 3 người trở lên mới làm được.

"Nếp được giã thật nhuyễn sau đó lại tiếp tục giã trộn với bột mè đen, khi cả hai đã hòa quyện vào nhau thì đổ bánh ra mẹt, rồi nhào nặn cho ra hình tròn là có thể dùng được", chị Thinh nói.

Bánh được nhào nặn thành hình tròn, đựng trên mẹt và sử dụng trong vòng 10 ngày.

bá cường

Toàn bộ nguyên liệu làm bánh, đều được bà con Vân Kiều sinh sống tại xã Hướng Việt trồng trên nương rẫy. Bánh A dưt đặc biệt ở chỗ, khi làm xong, bánh vẫn giữ được nhiệt độ nóng ấm trong vòng 4 - 5 ngày và có thể dùng được trong vòng 10 ngày.

Bà con Vân Kiều làm bánh để mời khách những ngày tết.

bá Hoàng

Theo chị Thinh, món bánh này được ông bà truyền lại và theo lời kể từ các cụ, bà con Vân Kiều đã làm bánh tặng các chiến sĩ bộ đội hành quân dọc dãy Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến.

Bánh A dưt sau khi làm xong được cắt thành miếng nhỏ mời khách, phần còn lại để trong bếp. Khi để lâu, bánh khô cứng, người Vân Kiều chiên hay nướng lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.