Nhiều thanh niên nông thôn chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bỗng nghe công ty tư vấn du học quảng cáo: “Du học có thể kiếm tiền tỉ…”, nên đã cầm cố đất đai; bán lợn, gà để hiện thực hóa giấc mơ làm giàu. Nhưng họ đâu ngờ, đó chỉ là “chiếc bánh vẽ” mà các công ty du học đưa ra.
Văn phòng tư vấn du học không phép ngang nhiên hoạt động ở TP.Hải Dương
|
Du học 4 năm kiếm được 7 tỉ đồng !?
Theo địa chỉ trên băng rôn quảng cáo tại Trường THPT Vĩnh Yên, chúng tôi đến Trung tâm tư vấn du học VHC có trụ sở hoành tráng tại khu đô thị Chùa Hà Tiên (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Tiếp chúng tôi là 2 cán bộ tổ tư vấn trạc tuổi ngũ tuần. Sau khi nghe trình bày ý định đi du học, người phụ nữ tên là Toan giới thiệu là cán bộ Sở GĐ-ĐT về hưu, vồn vã: “Các em đến đây là đúng cửa rồi đấy. Đây là cơ sở uy tín duy nhất được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép đi Nhật và được Sở GĐ-ĐT cho phép đào tạo tuyển sinh. Bên Nhật người ta không làm với cơ quan nhà nước mà chỉ làm việc với công ty. Nếu đi theo Bộ LĐ-TB-XH mất khoảng 330 triệu đồng, còn đi qua công ty rẻ hơn 100 triệu đồng”.
Nói đoạn, chỉ tay vào đồng nghiệp đi cùng, bà Toan khích lệ: “To khỏe như cậu này, sang Nhật mỗi ngày vừa làm vừa chơi cũng đút túi 4 - 5 triệu đồng chứ chả ít. Hai năm thôi, cậu có thể bảo lãnh vợ sang cùng. Bên đấy có người đã làm được 200, 300 đến 500 triệu/tháng, thế mới đổi đời được chứ. Cậu thật là người biết đi trước thời đại”. Bà Toan thao thao bất tuyệt kể về một người thân học hành không biết gì, nhưng sang Nhật du học 4 năm đã kiếm được 7 tỉ đồng khiến cho chúng tôi mắt chữ O, mồm chữ A vì kinh ngạc.
Còn ông Hà, giới thiệu nguyên là giáo viên Trường trung cấp Kỹ thuật Vĩnh Phúc, chỉ dẫn cho chúng tôi đường đi nước bước làm thủ tục hồ sơ. Sau khi nghe chúng tôi kể gia cảnh, ông Hà khuyên nên kê khai nhà làm nông nghiệp vườn ao chuồng, kê số lợn khoảng 300 - 400 con, có thêm ruộng vườn…
“Đây chỉ là chứng minh tượng trưng, vô thưởng vô phạt ai kiểm tra gì đâu. Còn nếu không chúng tôi sẽ nhờ công ty nào đó xác minh, bố mẹ cậu là trưởng phòng hay đốc công gì đấy. Chỉ cần mất một chút phí cảm ơn người ta là OK”, ông Hà giải thích.
Hai tư vấn viên kẻ tung, người hứng “nổ” vang trời. Khi chúng tôi thắc mắc về khoản chứng minh thu nhập, bà Toan tiếp tục trấn an, chỉ cần đóng trước 5 triệu đồng làm hồ sơ, còn lại mọi việc quá nhẹ nhàng kể cả khoản 500 triệu đồng chứng minh tài chính, công ty lo hết. “Chị là người bảo lãnh ở đây, chị sẽ cho em chứng chỉ đi được, không ai trượt đâu”. Ông Hà tiếp tục thuyết phục: “Riêng chỗ này không có gì phải nghĩ ngợi. Mình đóng 5 triệu đồng tiền hỗ trợ thi năng lực tiếng Nhật (chi phí chống trượt) lãnh đạo công ty giảng dạy ở Trường ĐH Ngoại ngữ, chỉ cần mình bỏ phí, yên tâm đỗ 100%”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các công ty, văn phòng, trung tâm tư vấn du học ở Vĩnh Phúc và Hải Dương đều hứa hẹn sẽ tìm việc làm thêm với mức thu nhập từ 1.500 - 2.500 USD (tương đương từ 30 - 50 triệu đồng).
Bà Toan say sưa “vẽ” ra tương lai đi du học vừa làm có thể kiếm được cả trăm triệu đồng tại văn phòng VHC, Vĩnh Phúc
|
Tuyển sinh “du học chui”
Mặc dù theo quy định các đơn vị hoạt động tư vấn du học phải đăng ký với Sở GD-ĐT, nhưng tại các địa phương vẫn có không ít đơn vị không phép ngang nhiên hoạt động. Từ địa chỉ trên danh thiếp mà nhân viên tư vấn văn phòng VTC1 ở H.Tứ Kỳ (Hải Dương) cung cấp, chúng tôi tìm đến địa chỉ 304 Điện Biên Phủ, TP.Hải Dương. Tuy nhiên, trên biển hiệu lại đề Công ty CP du lịch và thương mại Hoàng Long tuyển du học Nhật Bản. Bên trong cửa sắt khóa trái, chúng tôi đã gọi điện theo số trên biển hiệu nhưng không ai bắt máy. Hỏi người dân xung quanh thì được biết, công ty này thuê địa điểm để tổ chức tư vấn du học. Trong khi đến văn phòng Công ty VTC1 (trụ sở tại 342 Nguyễn Lương Bằng, TP.Hải Dương), nhân viên công ty một khẳng định, công ty chỉ có địa chỉ ở Hà Nội và TP.Hải Dương.
Tương tự, Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Việt Trí 9 tại tầng 2, số 326 Nguyễn Lương Bằng, nhân viên tư vấn cho hay không liên quan đến văn phòng Việt Trí MD tại Tứ Kỳ (Hải Dương) còn đăng ký đi du học sẽ làm thủ tục tại Công ty TNHH tư vấn giáo dục Hoàng Trí trên tầng 3. Chúng tôi ngỏ ý muốn tham quan Công ty Hoàng Trí, ngay lập tức bị nhân viên ngăn cản. Đáng chú ý, trong danh sách 17 đơn vị được Sở GD-ĐT Hải Dương cấp phép hoạt động tư vấn du học không có tên Hoàng Trí, Hoàng Long và Việt Trí MD, song các công ty này vẫn ngang nhiên tuyển sinh đưa người đi du học.
Ông Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT Hải Dương), cho hay: “Các tổ chức hoạt động tư vấn du học trên không có sự liên kết với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, thường thông tin sai sự thật, nhân viên làm tư vấn không có nghiệp vụ, không có quỹ phòng chống rủi ro để đảm bảo quyền lợi cho du học sinh nếu bị xâm hại… Tình trạng trên gây mất trật tự kỷ cương trên lĩnh vực hoạt động tư vấn du học”.
Theo ông Thụy, Sở đã có công văn gửi phòng giáo dục các huyện, thị xã, thành phố không tiếp tay cho các công ty tuyển sinh du học “chui”.
Còn theo bà Vũ Thị Huyền Anh, chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc), sở không liên kết với bất cứ trung tâm nào để tuyển sinh du học.
Cảnh giác đối với những quảng cáo không rõ ràng
Trao đổi với Thanh Niên ngày 4.6, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết thời gian gần đây cơ quan này cũng nhận được phản ánh từ các địa phương về việc các tổ chức cá nhân thông báo tuyển chọn du học sinh sang du học vừa học vừa làm tại Nhật nhưng thông báo không rõ ràng khiến người lao động hiểu nhầm là Bộ LĐ-TB-XH cấp phép. Theo ông Quỳnh, người lao động cần nắm rõ nội dung của 2 chương trình, cảnh giác đối với những quảng cáo không rõ ràng hoặc đưa ra mức tiền lương làm thêm quá cao dẫn đến hiểu chưa đúng, ảnh hưởng tới chương trình hợp tác nguồn nhân lực giữa VN và Nhật Bản.
|
Bình luận (0)