Áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão số 9 sẽ là cơn bão nguy hiểm với gió mạnh và hoàn lưu bão gây ra một đợt mưa lớn ở khắp các tỉnh Trung bộ.
Bão gây mưa lớn từ 300 - 500 mm
Sáng nay, 22.11, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão.
Cập nhật thông tin mới nhất tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định trong chiều tối nay, áp thấp nhiệt sẽ mạnh lên thành bão.
Đáng lưu ý, bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng vào bờ thì gió bão càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Vùng dự báo bão đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong khoảng đêm và sáng 24.11. Bão sẽ cập bờ với cường độ gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12.
Ông Hoàng Đức Cường lưu ý, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh bắc Tây Nguyên, nam Trung bộ, Nam bộ, phổ biến từ 100 - 200 mm. Trong đó, vùng trọng tâm mưa sẽ là từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rất to với lượng mưa 300 - 500 mm, có nơi mưa có thể lên 600 mm.
Trong ngày 25.11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200 - 300 mm/24 giờ. “Bão đổ bộ vào bờ vào thời điểm sáng sớm, triều cường và nước biển dâng do bão cao khoảng 1 m sẽ là tình huống nguy hiểm ở các vùng ven biển”, ông Cường cảnh báo.
|
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý, nếu mạnh lên thành bão số 9 thì cơn bão này có đường đi, quỹ đạo và mạnh tương đương cơn bão số 12 năm 2017, từng gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Khánh Hoà và các tỉnh Nam trung bộ.
Vì vậy, công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, để giảm thiểu thấp nhất nhiệt hại do cơn bão gây ra, đặc biệt là các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa bão.
Mưa lớn đe doạ nhiều hồ chứa xung yếu
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho rằng mưa lớn do bão sẽ uy hiếp trực tiếp đến các công trình hồ chứa xung yếu. Ở các công trình này, 100% là đập đất và đều giao cho các huyện, xã quản lý trình độ, năng lực quản lý còn hạn chế. Khi mưa lớn chỉ có cách để tự tràn chứ không chủ động xả được.
Điểm qua ở vùng nam Trung bộ hiện có gần 200 hồ chứa xung yếu và Tây Nguyên cũng có 204 hồ chứa xung yếu, ông Tỉnh đề nghị các địa phương phải tăng cường lực lượng canh gác, cảnh giới để sớm phát hiện và xử lý những hiện tượng bất thường ở các công trình này, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Thông tin về đợt kiểm tra hồ đập sau mưa bão số 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho hay, nhiều hồ chỉ tăng 5 - 10% dung tích tích nước nhưng có những hồ tăng lên đến 40%. Hiện tại, nhiều hồ ở khu vực Khánh Hoà đạt 70% dung tích thiết kế, nhưng cũng có hồ chưa đạt mức tích nước yêu cầu.
Cũng theo ông Thắng, điều hành quản lý hồ hiện nay ở khu vực nam Trung bộ phải đáp ứng 2 yêu cầu: vừa đảm bảo công trình an toàn và vùng hạ du, nhưng vừa phải đảm bảo nhiệm vụ tích nước chống hạn.
“Có dung tích chênh lệch rất khác nhau nên công trình hồ đập hiện nay không thể chung cách vận hành. Cách tốt nhất là đơn vị quản lý phải dàn lực lượng đến tận các công trình theo dõi thực tế để ra các quyết định điều tiết hợp lý”, ông Thắng đề nghị.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý từ bài học thiệt hại hậu quả của cơn bão số 12 năm ngoái, các bộ, ngành T.Ư theo nhiệm vụ được phân công phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó bão, đặc biệt là trong quản lý an toàn hồ đập, giao thông và các công trình hạ tầng trọng điểm.
Ở các địa phương, lực lượng vũ trang cần tích cực hỗ trợ phòng chống bão đảm bảo hiệu quả và sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Phó thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hàng đầu trong ứng phó mưa bão, thiên tai.
Cũng tại hội nghị, ông Trịnh Đình Dũng quán triệt các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo bão, rà soát các khu vực nguy hiểm và sẵn sàng sơ tán người dân để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
Bình luận (0)