Báo chí và bộ, ngành, địa phương đều cần chủ động trong truyền thông chính sách

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
30/09/2023 06:31 GMT+7

Gợi mở trong việc tìm cơ chế, nguồn lực cho báo chí trong truyền thông chính sách, ông Lê Quốc Minh (Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt nam) cho rằng có những vấn đề nằm ở sự chủ động của các cơ quan báo chí, cần phải mạnh dạn, chủ động và năng nổ hơn.

Ngày 29.9, tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), diễn đàn Tổng Biên tập 2023: "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí" được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Hội Nhà báo VN; Bộ TT-TT và khoảng 100 tổng biên tập các cơ quan báo chí.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt nam, truyền thông chính sách không chỉ mong kiếm những nguồn lực trong hợp tác. Truyền thông chính sách ở đây không có nghĩa là hiểu một chiều mà phải đa chiều vừa biểu dương cái hay, vừa phản biện.

"Có những chính sách ban đầu đưa ra thì rất hay nhưng triển khai thực tế lại phát hiện nhiều bất cập để hoàn thiện. Bản thân các cơ quan báo chí phải chuyên nghiệp, khách quan trong truyền thông để có được sự tin cậy của các cơ quan chức năng", ông Lê Quốc Minh nói.

Gợi mở trong việc tìm cơ chế, nguồn lực cho báo chí trong truyền thông chính sách, ông Lê Quốc Minh cho rằng có những vấn đề nằm ở sự chủ động của các cơ quan báo chí, cần phải mạnh dạn, chủ động và năng nổ hơn thay vì chờ đợi nguồn kinh phí để có thể tham gia truyền thông chính sách của các bộ, ban ngành, địa phương với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí.

Để trở thành cánh tay nối dài trong truyền thông chính sách, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm nêu quan điểm các cơ quan báo chí cũng cần phải nhìn nhận đã làm tốt hay chưa; đã trúng, hiệu quả, đúng vai chưa, trước khi nói đến chuyện cần có nguồn lực về tài chính. "Nếu nặng về hợp tác truyền thông, nếu triển khai không khéo sẽ ảnh hưởng đến vai trò của báo chí là tính phản biện, giám sát. Ngược lại các cơ quan báo chí cũng phải thể hiện tính nhân văn khi đồng hành với các cơ quan xây dựng chính sách, chia sẻ với địa phương", ông Trần Thanh Lâm cho biết.

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng phải thừa nhận thực tế là tới nay công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác này; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Đồng quan điểm, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), cũng nhận định nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí; chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; báo chí khi tham gia quá trình truyền thông chính sách rất cần sự đầu tư về nguồn lực, nhất là các giải pháp về kinh tế và công nghệ, song cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành thấp đang tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.