Báo chí và người đọc hôm nay

21/06/2024 04:11 GMT+7

Từ rất nhiều năm nay, tôi là người viết báo chuyên nghiệp và có cơ may được cộng tác với nhiều tờ báo, đặc biệt là Báo Thanh Niên.

Ngày trước, khi chỉ có báo giấy, thì người viết báo cũng chỉ viết bài cho báo giấy, còn người đọc, gọi là "bạn đọc truyền thống" cũng chỉ đọc báo giấy hằng ngày. Từ ngày có internet, có báo điện tử, có mạng xã hội, thì khả năng truyền bá thông tin tăng quá nhanh, người đọc cũng không còn "bó" trong đọc báo giấy, mà còn đọc báo điện tử, còn đọc và viết trên mạng xã hội (MXH). Số lượng những nhà báo nghiệp dư, cũng như số lượng những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư, tăng lên quá nhanh. Về mặt hưởng thụ thông tin, từ nhiều năm nay và nhất là hiện nay, cộng đồng đã được hưởng thụ rất nhiều. Dù vẫn phải sàng lọc thông tin, thì nhiều thông tin vẫn tốt hơn là ít thông tin, hoặc không có thông tin. 

Tôi thấy chính MXH đã khiến những tờ báo chính thống phải thay đổi, chẳng hạn trong cách đưa, lan tỏa thông tin, biết những thông tin nào được người đọc hôm nay quan tâm hơn để hướng về phía đó. Cái này cũng có hai mặt, vừa tích cực vừa không tích cực. Nếu là những thông tin vừa nhanh vừa cần thiết với người đọc, thì đó là tích cực. Còn nếu thông tin chỉ nhằm gây tò mò, thậm chí tạo háo hức cho một bộ phận người đọc vì đi sâu vào đời tư hay tai tiếng, lùm xùm của một số người nổi tiếng (bây giờ người ta gọi là "câu view"), thì phải nói thẳng, chúng không mấy tích cực. 

Làm báo, không thể không quan tâm tới người đọc; nhưng cũng không thể nhìn vào số lượng "view" để đánh giá chất lượng bài báo, rồi "đu trend" theo đó mà viết, còn bao nhiêu thông tin cần thiết cho người dân, cho các cấp quản lý, lãnh đạo sẽ bị "lướt qua". 

"Bạn đọc truyền thống" bây giờ không chỉ đọc báo giấy mà còn đọc báo điện tử, đơn giản vì báo điện tử đưa thông tin nhanh hơn. Nếu báo điện tử là của những tờ báo lớn, có uy tín từ thời báo giấy, thì người đọc sẽ quan tâm tìm đọc nhiều hơn. Chính tôi hằng ngày, hằng đêm vẫn tìm đọc những báo điện tử mà mình đã quen, đã tin do với thông tin trong đó mình thấy yên tâm hơn khi đọc. 

Từ đó, có thể rút ra điều này: làm báo, không thể không chiều lòng người đọc, nhất là người đọc trẻ bây giờ; nhưng cũng không thể vì quá thiên về "thông tin giải trí" mà bỏ qua những thông tin rất cần thiết khác, dù chúng có thể không hấp dẫn theo kiểu "giải trí". 

Với người đọc trẻ, cũng vậy thôi. Tôi thấy nhiều bạn đọc trẻ bây giờ vẫn rất quan tâm tới những thông tin chính trị, xã hội, vẫn thích những bài báo viết hay về những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Báo chí quốc tế cũng vậy thôi. Họ phải có những cây bút giỏi, thậm chí những cây bút tài ba, thì tờ báo của họ mới thu hút được đông đảo bạn đọc. Và bạn đọc của họ cũng phải tự nâng mình lên để thích đọc những bài báo hay của các cây bút giỏi. 

Văn hóa đọc mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và lan tỏa là gồm cả văn hóa đọc báo, chứ không chỉ là đọc sách. 

Nhân ngày 21 tháng 6 tự nhìn lại, bản thân những nhà báo nước nhà phải tiếp tục phấn đấu để những bài báo của mình vừa có nội dung tích cực vừa có cách viết hay, thậm chí "viết có văn". Và người đọc cũng biết chọn lựa để đọc những bài báo hay, từ thông tin đến cách viết. 

Ngay ở đó, nhà báo và người đọc sẽ gặp nhau, cùng đồng hành với nhau, cùng giúp nhau để báo chí tiếp tục phát triển; còn người đọc trở thành những "người đọc báo tinh tường, thông minh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.