Bão dồn dập nhưng vì sao TP.HCM vẫn nóng bức?

Chí Nhân
Chí Nhân
16/11/2024 05:51 GMT+7

Gần như chắc chắn Biển Đông sắp đón thêm cơn bão Manyi trong vài ngày tới. Đây là cơn bão thứ 3 liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng nhưng thời tiết trên đất liền khắp cả nước phổ biến vẫn ít mưa, nóng bức.

Siêu bão sắp vào Biển Đông

Đến chiều ngày 15.11, gần Biển Đông đang có 2 cơn bão là Usagi và Manyi. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), lúc 13 giờ ngày 15.11, vị trí tâm bão Usagi trên vùng biển phía nam đảo Đài Loan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89 - 102 km/giờ). Đến trưa nay (16.11), bão sẽ ở trên đất liền phía đông nam Đài Loan và đến ngày 17.11, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ảnh hưởng của bão Usagi sẽ khiến vùng biển phía đông bắc của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 - 10, giật cấp 12 sóng biển cao từ 2 - 4 m, biển động rất mạnh.

Bão dồn dập nhưng vì sao TP.HCM vẫn nóng bức?- Ảnh 1.

Nam bộ bước vào cao điểm kỳ triều cường giữa tháng 10 âm lịch

Ảnh: Cao An Biên

Trong khi bão Usagi chỉ lướt nhẹ qua khu vực bắc Biển Đông thì bão Manyi sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Cục Quản lý thiên văn, khí quyển và địa vật lý Philippines (PAGASA) thông báo bão Manyi đang tiếp tục mạnh lên và có thể trở thành siêu bão vào chiều tối 16.11 trước khi đổ vào nước này với sức gió mạnh nhất liên tục từ 185 km/giờ trở lên.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Các mô hình dự báo của Nhật Bản cũng như Mỹ có chung nhận định Manyi là một cơn bão mạnh, đang tiếp tục phát triển và đạt mức độ siêu bão khi đổ bộ vào Philippines vào ngày 17.11. Đến ngày 18.11, bão Manyi sẽ vào Biển Đông và nhiều khả năng sẽ đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa của VN. Vào thời điểm này, bão Manyi gặp đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh từ phía bắc tăng cường xuống phía nam. Không khí lạnh khiến bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên các tỉnh miền Trung và Tây nguyên sẽ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to trong những ngày tới.

Đợt cao điểm không khí lạnh sẽ kéo dài khoảng từ ngày 18 - 22.11. Có xu hướng lệch đông nên trên đất liền các tỉnh phía bắc phổ biến chỉ lạnh chứ không rét. Tuy nhiên, do cường độ khá mạnh và kéo dài nên cũng góp phần kiềm hãm sự tăng nhiệt các tỉnh miền Trung và Nam bộ.

"Những cơn bão gần đây trên vùng biển tây Thái Bình Dương có đường đi liên tục thay đổi do ảnh hưởng của không khí lạnh. Đối với bão Manyi cũng vậy, do trùng hợp với đợt không khí lạnh cường độ mạnh nên đường đi và cường độ sẽ còn nhiều biến đổi trong những ngày tới. Các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển và ngư dân cũng như người dân các tỉnh miền Trung không nên chủ quan, cần đề phòng các tình huống bất ngờ. Người dân các tỉnh miền Trung và Nam bộ cần cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết. Lịch sử ở VN cho thấy nhiều cơn bão mạnh gây thiệt hại lớn thường xuất hiện vào cuối mùa", bà Lan khuyến cáo.

Biển Đông sắp đón liên tiếp 2 cơn bão trong 3 ngày

Vì sao bão nhiều nhưng vẫn nóng?

Tại TP.HCM, trưa ngày 15.11, mưa xuất hiện ở một số khu vực như Q.6, Q.5, Q.11, Q.10, Q.Tân Bình, H.Bình Chánh với lượng mưa tương đối khá nhưng thời gian chỉ từ 15 - 20 phút. Trong khi đó, ở khu vực trung tâm thành phố xuất hiện mưa rào nhẹ. Hai ngày trước đó, tại nhiều quận trung tâm cũng xuất hiện mưa to, có nơi kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ. Dù mưa nhưng không khí vẫn hết sức nóng bức, ngột ngạt. Bởi những trận mưa này do nhiễu động thời tiết trong đới gió đông đưa mây giông từ biển vào gây mưa. Mưa cuối mùa nên hoàn toàn khác so với đặc trưng mùa mưa ở Nam bộ là sáng nắng chiều mưa. Do mưa giảm, nắng tăng nên nhiều người dân TP.HCM cảm thấy nóng bức rất khó chịu như đang trong mùa nắng nóng.

Bão dồn dập nhưng vì sao TP.HCM vẫn nóng bức?- Ảnh 2.

TP.HCM và Nam bộ chuẩn bị vào mùa nắng nóng và ô nhiễm không khí

Ảnh: Chí Nhân

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan lý giải Nam bộ đang bước vào giai đoạn cuối mùa mưa nên lượng mưa giảm dần cả về diện và lượng, cùng với đó là nắng tăng dần. Theo quy luật thông thường, tại các khu vực ven biển từ Vũng Tàu đến Sóc Trăng mùa mưa có thể kết thúc sớm hơn. Tuy nhiên, năm nay do bão cuối mùa xuất hiện nhiều và đặc biệt là cơn bão Manyi sắp tới, hoàn lưu bão sẽ khiến những cơn mưa cuối mùa xuất hiện nhiều hơn và mùa mưa kết thúc khá đồng loạt giữa các địa phương. Trong nửa đầu tháng 12 có thể xuất hiện thêm một số trận mưa trái mùa ở một số địa phương.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ) cũng lưu ý trong những ngày cuối tháng 11, rãnh thấp hoạt động mạnh trở lại và có xu hướng nâng trục nhẹ lên phía bắc. Nó tương tác với các đợt không khí lạnh tăng cường có khả năng gây ra một đợt mưa diện rộng trên khu vực. Đây có thể là đợt mưa cuối cùng của mùa mưa năm 2024. Một vài nơi có khả năng mưa vừa, mưa to. Cần đề phòng lốc, sét, gió giật trong những cơn mưa giông. Sau đợt mưa diện rộng kéo dài vài ngày này, khả năng phần lớn khu vực Nam bộ sẽ kết thúc mùa mưa và bắt đầu bước vào thời tiết của mùa khô. Nhiệt độ cao nhất ở khu vực Nam bộ phổ biến từ 29 - 33 độ C, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định chỉ mới qua 9 tháng nhưng dữ liệu nhiệt độ toàn cầu cho thấy năm 2024 nhiều khả năng sẽ là năm nóng nhất lịch sử từ khi số liệu khí hậu được thu thập. Thực tế nhiều năm qua xu hướng chung là nhiệt độ trung bình năm sau luôn cao hơn năm trước. Trái đất ngày một nóng hơn cũng khiến cho hiện tượng ENSO kéo dài trạng thái trung tính thay vì chuyển sang pha lạnh La Nina từ giữa năm như các dự báo trước đó. Trạng thái khí hậu và nước trên mặt biển cao khiến cho tháng 11 năm nay xuất hiện "ổ bão" với 4 cơn bão cùng lúc trên vùng biển tây Thái Bình Dương. Tại các thành phố lớn như TP.HCM, do mức độ đô thị hóa cao nên sự cộng hưởng với thời tiết khiến không khí dễ dàng chuyển sang tình trạng nóng bức khó chịu.

Cảnh báo triều cường cao gây ngập nhiều nơi

Đài Nam bộ cho biết: Hiện nay, khu vực Nam bộ đang bước vào giai đoạn triều cường rằm tháng 10 âm lịch. Dự báo mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên trong 1 - 2 ngày tới, đỉnh triều cường cao nhất trong đợt này có thể xuất hiện vào ngày 16 - 17.11 (tức ngày 16 - 17.10 âm lịch). Tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể đạt mức từ 1,7 - 1,75 m, vượt báo động 3 từ 0,1 - 0,15 m. Thời gian xuất hiện từ 4 - 6 giờ và 16 - 18 giờ. Đây là kỳ triều cường cao, khả năng gây ngập úng ở những vùng trũng thấp và ven sông, ảnh hưởng tới giao thông và các hoạt động thường nhật của người dân TP.HCM. Mức độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 2.

Trong khi đó, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cũng phát bản tin cảnh báo: Mực nước trên các trạm vùng ven biển ĐBSCL hiện đang đạt mức cao và có xu thế tăng tiếp tục theo triều, mực nước phổ biến từ báo động 2 - 3 và có nơi vượt báo động 3. Dự báo trong 10 ngày tới, mực nước các trạm thuộc khu vực ven Biển Đông tiếp tục tăng và đạt đỉnh kỳ triều cường vào ngày 17 - 18.11; đối với biển Tây đạt đỉnh từ ngày 17 - 19.11. Do ảnh hưởng của triều cường cao khiến vùng giữa ĐBSCL mực nước trên một số trạm chính phổ biến trên mức báo động 3 từ 0,05 - 0,3 m. Nhiều khu vực ở các địa phương như TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau bị ngập sâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.