Thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy nước này ghi nhận 504.878 lượt đăng ký kết hôn vào năm 2022. Con số này là 706.000 vào năm 2010 và 798.000 vào năm 2000, tức số cuộc kết hôn đã giảm 37% trong vòng hơn hai thập niên qua, theo báo The Japan Times.
Ở một đất nước mà số trẻ em ra đời ngoài hôn nhân chỉ chiếm 2% tổng số ca sinh như Nhật Bản, số người kết hôn có mối liên hệ chặt chẽ với tỷ lệ sinh. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh và tổng dân số của Nhật Bản đều suy giảm, việc giải quyết cuộc khủng hoảng kết hôn hiện nay có thể tác động đến tương lai nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Vì sao không kết hôn?
Một cuộc khảo sát của Viện Dân số và An sinh xã hội Quốc gia Nhật Bản công bố năm 2022 cho thấy 17,3% nam giới và 14,6% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 - 34 cho biết họ không có ý định kết hôn - tỷ lệ cao nhất kể từ khi khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1982. Song cũng trong cuộc khảo sát năm ngoái, khoảng 80% số người được hỏi cho biết họ vẫn muốn lấy vợ, lấy chồng, tức nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay không phải do người trẻ ở Nhật Bản không có mong muốn kết hôn. Điều quan trọng là họ tin rằng có quá nhiều trở ngại không thể vượt qua trên hành trình đó, theo nhà xã hội học Shigeki Matsuda tại Đại học Chukyo (Aichi, Nhật Bản).
Vị chuyên gia chỉ ra rằng mức lương tại Nhật Bản gần như không tăng kể từ thập niên 1990 và triển vọng việc làm không sáng sủa là những thách thức mà người trẻ nước này đã và đang phải đối mặt. "Những chuyện này khiến họ không có đủ khả năng kinh tế để bắt đầu đời sống hôn nhân", ông Matsuda nói với CNN. Chi phí sinh hoạt cao và thời gian làm việc kéo dài ở Nhật khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đối với phụ nữ, kinh tế không phải là vấn đề duy nhất. Nhật Bản là một trong những nước mà phụ nữ đã kết hôn thường được kỳ vọng sẽ đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy người chồng tham gia nhiều hơn vào công việc này. Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ ở Nhật Bản muốn tận hưởng sự tự do khi họ độc thân và có sự nghiệp của riêng mình thay vì chỉ làm nội trợ.
Lo lắng về tác động
Theo dữ liệu của chính phủ, dân số Nhật Bản từ lâu đã có xu hướng đi xuống, và trong vòng một năm, tính đến tháng 1, dân số nước này đã chứng kiến mức giảm kỷ lục 800.523 người, xuống còn 125,4 triệu người. Tỷ lệ sinh năm ngoái cũng chạm mức thấp kỷ lục 1,26, so với mức 2,1 được cho là cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Hai học sinh cuối cùng tốt nghiệp, trường học Nhật Bản 76 năm tuổi phải đóng cửa
Đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố kế hoạch trị giá hàng ngàn tỉ yen nhằm tăng tỷ lệ sinh, đồng thời cảnh báo đây là câu chuyện "bây giờ hoặc không bao giờ". Song theo các chuyên gia, nỗ lực tăng tỷ lệ sinh khó có thể thành công nếu không thúc đẩy tỷ lệ kết hôn trước tiên. Nếu không giải được bài toán này, nền kinh tế và xã hội Nhật Bản có thể phải hứng chịu những hệ quả nghiêm trọng. "Những lo ngại chính bao gồm sự suy giảm sức mạnh kinh tế tổng thể và của cải quốc gia, khó khăn trong việc duy trì an sinh xã hội và sự tổn thất vốn xã hội trong cộng đồng địa phương", ông Matsuda cho biết.
Theo CNN, ngày càng nhiều cha mẹ ở Nhật Bản tham gia các sự kiện mai mối để tìm bạn đời cho con mình. Một đơn vị tổ chức sự kiện này ở Osaka ước tính rằng khoảng 10% số cặp đôi được mai mối cuối cùng đi đến hôn nhân, mặc dù họ cho biết con số thực tế có thể cao hơn.
Người trẻ Trung Quốc cũng "không chịu" kết hôn
Báo The Guardian hồi tháng 6 cho biết số lượt đăng ký kết hôn ở Trung Quốc trong năm ngoái đã giảm xuống còn 6,83 triệu, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có thống kê vào năm 1986. Dữ liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố cho thấy số lượng cặp đôi kết hôn năm 2022 đã giảm khoảng 800.000 so với năm 2021. Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã sụt giảm nhanh chóng trong 10 năm qua, kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2013 khi có gần 13,5 triệu cặp đôi kết hôn. Trong giai đoạn 2010-2020, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của phụ nữ Trung Quốc cũng đã tăng từ 24 lên gần 29. Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc ngày càng lo lắng về xu hướng giảm mạnh về tỷ lệ kết hôn và sinh sản. Năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 6 thập niên, dẫn đến cảnh báo rằng nước này sẽ già đi trước khi trở nên giàu có.
Bình luận (0)