Mỉa mai, vì chắc hẳn điều này không nằm trong mục đích ban đầu của những người tạo nên ứng dụng xe ôm công nghệ, bởi đây chỉ là một công việc kiếm sống của những người không được đào tạo nghề nghiệp chuyên môn, hoặc chỉ là việc làm thêm vào lúc nhàn rỗi của một ai đó.
Cần nhấn mạnh rằng chạy xe ôm không phải là một nghề thấp kém, nhưng khi ngày càng có nhiều cử nhân, kỹ sư sau 4 - 5 năm được đào tạo chính quy từ trường đại học (ĐH), chọn chạy xe ôm như công việc toàn thời gian và thu nhập nhiều hơn lương của một cử nhân thì lại trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.
Nó đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng đào tạo chuyên môn ở trường ĐH, định hướng chọn nghề của học sinh, quy luật cung - cầu của thị trường lao động. Nếu những vấn đề này không được giải quyết thì chất lượng nguồn nhân lực của VN so với các nước vốn đã không sáng sủa gì sẽ thêm méo mó, bế tắc.
Hiện tượng cử nhân chạy xe ôm sẽ để lại những “di chứng” nặng nề đối với tâm lý người dân, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của xã hội. Khi các trường ĐH phớt lờ những con số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng, không thèm quan tâm tới những đổi thay của cuộc sống để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, mà chỉ lo lấy cho đủ chỉ tiêu thì rồi sẽ đến lúc người dân từ chối học lên cao.
Bức tranh về ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh năm nay đã cho thấy điều đó khi có trường cao đẳng lấy đầu vào 9 điểm/3 môn bởi không có thí sinh giỏi dự thi. Những ngành nghề khác rồi sẽ đi vào “vết xe đổ” này nếu không điều chỉnh. Mùa tuyển sinh năm nay, cán bộ tuyển sinh nhiều trường ĐH than rằng khi về các tỉnh để chiêu sinh, nhiều phụ huynh nói thẳng học ĐH làm gì, tốn tiền để rồi cũng thất nghiệp!
Với từng cá nhân, để xảy ra hiện tượng cử nhân chọn chạy xe ôm làm nghề nghiệp ổn định không những lãng phí thời gian, tiền bạc của chính người trong cuộc mà còn bào mòn những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy; triệt tiêu những ước mơ, khát vọng vun đắp của một thời tuổi trẻ cần được nuôi dưỡng trong cả cuộc đời.
Với xã hội, đó là sự mất mát của nguồn nhân lực trình độ cao, là kéo lùi chất lượng nguồn lao động. Cần nhớ rằng trình độ tay nghề lao động thấp và cơ cấu không hợp lý là một trong những điểm yếu của nhân lực VN. Về chỉ số đào tạo và giáo dục bậc cao trong đánh giá chỉ số cạnh tranh toàn cầu ở vài năm trước cho thấy VN đứng thứ 7 trong các nước Đông Nam Á, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar.
Cử nhân chạy xe ôm rõ ràng không còn là câu chuyện của mỗi cá nhân mà chính là vấn đề nhức nhối khi tính đến chất lượng nguồn nhân lực của VN trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, cạnh tranh lao động càng khắc nghiệt.
Bình luận (0)