Báo động ô nhiễm không khí từ phương tiện cá nhân

Lê Quân
Lê Quân
31/01/2021 08:00 GMT+7

Chưa có kết quả kiểm kê những nguồn thải làm giảm chất không khí ở đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM nhưng nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra phương tiện cá nhân là một trong các nguồn chính gây ô nhiễm không khí.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí

Từ năm 2019, sau nhiều lần được “vinh danh” là thành phố ô nhiễm top đầu thế giới, TP.Hà Nội đã chỉ ra hơn 10 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn. Ngoài nguyên nhân do thời tiết, TP.Hà Nội đã điểm danh các nguồn như đốt than tổ ong, rơm rạ sau thu hoạch ở vùng ngoại thành, hoạt động xây dựng, hoạt động giao thông vận tải, trong đó chỉ ra phương tiện giao thông cá nhân là chủ yếu.
Để khắc phục, từ cuối năm 2019, TP.Hà Nội đã yêu cầu tưới nước rửa đường thường xuyên, nhưng chỉ thực hiện được thời gian ngắn, đến nay đã dừng lại.
Theo thống kê của TP.Hà Nội, hiện có khoảng 10 triệu người ở thủ đô với gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Đồng thời, số lượng phương tiện cá nhân vẫn liên tục gia tăng, gây sức ép lên hạ tầng xã hội, phát thải vào bầu không khí. Thực trạng này rất khó để hạn chế được ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí.
Trong nhiều cuộc họp bàn giải pháp đối phó với ô nhiễm không khí, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM là từ phương tiện giao thông, chủ yếu là phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà cho rằng, xử lý môi trường là khâu cuối mà trước đó không giải quyết được từ khâu quy hoạch phát triển, đầu tư. Mức độ tập trung dân số ở Hà Nội và TP.HCM quá đông, gây áp lực không chỉ lên hạ tầng mà cả môi trường.
“Chúng ta phải giữ được những mảng xanh, giữ được các hồ, ao, trồng cây xanh để hấp thụ khí thải. Một thành phố mà không có hệ sinh thái để điều hòa, cân bằng, không có mảng xanh, chỉ có nhà ở và công xưởng hoạt động thì không ai làm môi trường được. Vấn đề môi trường cần được nhìn trong lộ trình lâu dài, tính hợp lý cân bằng giữa phát triển nhà, công trình phúc lợi, chỉ có như vậy thì mới giải quyết được ô nhiễm môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT nhận định, hoạt động giao thông là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị ở nước ta, trong đó, rõ ràng nhất là ở Hà Nội và TP.HCM.
Trong hoạt động giao thông, điểm cần nhắc đến trước hết là phương tiện cá nhân, trong đó chủ yếu xe máy là nguồn phát thải rất lớn do chưa kiểm định được phương tiện giống như ô tô. Xe máy cũ hầu như vẫn lưu thông, chưa bị siết. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho xe máy mới ở nước ta cũng mới là Euro 3, không phải là tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, tiêu chuẩn khí thải cũng cao hơn, và phương tiện được kiểm định thường xuyên, có niên hạn sử dụng.
Theo TS Tùng, để có nhìn nhận khách quan, rõ ràng và các nguồn thải gây ô nhiễm không khí đô thị, cần phải kiểm kê khí thải để đánh giá được nguồn thải từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp… mỗi nguồn đóng vai trò bao nhiêu % trong việc gây ô nhiễm không khí. Từ đó, sẽ có giải pháp tổng thể bảo vệ chất lượng không khí.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có quy định kiểm kê nguồn thải là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trong đó, có kiểm kê nguồn gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, sau khi luật được thông qua, có hiệu lực thì quy định này vẫn treo do không có nghị định, thông tư hướng dẫn. Vừa qua, luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua, cũng vẫn có quy định này, nhưng hy vọng sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để các địa phương có hành lang pháp lý, cơ sở thực hiện theo khung tiêu chuẩn rõ ràng, đồng bộ.

Sớm đẩy mạnh phương tiện xanh

TS Tùng cũng cho rằng, không nhất thiết đợi kiểm kê nguồn thải ảnh hưởng đến chất lượng không khí mới triển khai biện pháp giảm thiểu, bảo vệ. Tuy chưa có kết quả kiểm kê nguồn thải vào không khí ở các đô thị. Nhưng đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo đánh giá nguyên nhân gây ô nhiêm không khí ở Hà Nội và TP.HCM và nhiều đô thị khác chỉ ra, hoạt động giao thông, trong đó có phương tiện cá nhân là một trong các nguồn chính.

Theo các chuyên gia, cần kiểm soát tốt khí thải phương tiện cá nhân, nhất là xe máy

Ảnh Ngọc Thắng

Để bảo vệ chất lượng không khí tại các đô thị, trước hết cần vai trò của ngành TN-MT tiên phong, giữ vai trò nghiên cứu, cảnh báo, tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức bảo vệ bầu không khí. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành lĩnh vực liên quan như xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp… Để hạn chế nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ phương tiện cá nhân, vai trò chính phải là ngành giao thông vận tải.
Theo TS Tùng, một số giải pháp cơ bản cần triển khai sớm, đưa ra lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, cụ thể là như ở Hà Nội, TP.HCM… cần hạn chế xe máy, đặc biệt phải cương quyết bỏ xe máy cũ nát, có niên hạn rõ ràng. Có thể xã hội hóa kiểm định xe máy, có cơ chế khuyến khích chính những đại lý sửa chữa xe máy tham gia vào kiểm định, sửa chữa phương tiện giúp giảm thiểu khí thải.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phương tiện xanh như xe đạp, xe điện, tổ chức các tuyến phố đi bộ kết hợp làm mái che mưa nắng nếu có thể… Đối với ô tô cũng dần khuyến khích dùng xe chạy điện, nhiên liệu sạch, thậm chí hạn chế phương tiện dùng dầu diesel để giảm phát thải. Đồng thời, có chiến lược tổng thể về phát triển phương tiện vận tải công cộng… Đến thời điểm nào đó, người dân sẽ thấy phương tiện cá nhân không còn thuận tiện, hữu ích như phương tiện công cộng, khi đó sẽ góp phần làm giảm nguồn thải vào bầu không khí đô thị.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quy hoạch đô thị cần tính toán để thuận tiện phát triển giao thông công cộng đô thị. Điều này cần rút kinh nghiệm thực tế ở Hà Nội và TP.HCM… có những tuyến phố ngõ, ngách sâu, đường chật hẹp không thể triển khai phương tiện công cộng, mà đi bộ thì điểm dừng đỗ lại quá xá, người dân sẽ thấy phương tiện cá nhân tiện dụng hơn.
Quy hoạch đô thị khu mới cần tính toán đến yếu tố này để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là theo xu hướng giao thông xanh, giảm phát thải. Bên cạnh đó, các ngành Xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp… cũng cần sớm có nghiên cứu chi tiết về các nguồn phát thải nội tại để có kế hoạch cắt giảm, áp dụng quy trình tuần hoàn, tái chế… Mỗi ngành, lĩnh vực đều có ý thức chung tay sẽ góp phần bảo vệ bầu không khí nói chung.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.