Hàng loạt vụ tai nạn điện trong nuôi tôm dẫn đến chết người tại tỉnh Bạc Liêu thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông mạnh mẽ cảnh báo mọi người phải hết sức cẩn trọng khi tiếp xúc với các thiết bị liên quan đến điện.
Khu vực anh Ngô Thanh Trung bị điện giựt tử vong - Ảnh: Trần Thanh Phong |
Những cái chết đau lòng
Ngày 16.2.2014, tại xã Điền Hải (H.Đông Hải) tai nạn điện đã làm hai cha con chết thảm ở đầm tôm. Theo đó, nạn nhân Nguyễn Minh Hải (16 tuổi) ra vuông tôm ở trước cửa nhà để mở mô tơ điện, khởi động dàn quạt tạo oxy cho tôm. Khi kéo cầu dao mô tơ, Hải bị điện giật nằm bất động. Nhìn thấy con trai gặp nạn, ông Nguyễn Thế Hệ (49 tuổi) liền chạy đến cứu nhưng cũng bị điện giật ngã xuống đầm tôm thiệt mạng.
Tại xã Long Điền Đông (H.Đông Hải) chỉ trong 2 tháng 7, 8 (năm 2015) đã có nhiều người tử vong do bị điện giựt liên quan đến nuôi tôm. Bà Lê Thị Lầu (60 tuổi, mẹ ruột nạn nhân Ngô Thanh Trung) kể trong nước mắt, trưa 28.7, Trung ra vuông tôm, cách nhà chỉ hơn 100 m để bật mô tơ điện chạy dàn quạt tạo ô xy. Tuy nhiên, đến 3 giờ chiều gia đình không thấy Trung vô nhà nên đi tìm thì phát hiện Trung bị điện giựt tử vong khi tay vẫn còn dính chặt vào thanh sắt của dàn quạt tạo ô xy. Theo Công an xã Long Điền Đông, tối ngày 14.8 anh Phạm Văn Sang ra vuông cho tôm ăn, đã đụng vào dây điện kéo dọc theo bờ vuông thì bị điện giật té xuống vuông tử vong. Gia đình nạn nhân Nguyễn Thanh Toàn cho biết chiều ngày 22.8, anh Toàn ra vuông tôm ở sau nhà để sửa mô tơ điện. Tới bữa cơm chiều nhưng không thấy chồng về nhà, vợ anh Toàn đi ra vuông tôm kiếm thì chết lặng khi thấy anh Toàn bị điện giật chết nằm ngay tại mô tơ điện…
Ông Phan Minh Kha, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu), cho biết việc sử dụng điện trong nuôi tôm dẫn đến chết người cũng liên tục xảy ra trên địa bàn xã. Qua thống kê, tính từ năm 2013 đến nay, xã Vĩnh Trạch đã có 8 người dân nuôi tôm bị điện giật tử vong.
Do bất cẩn, chủ quan
Ông Huỳnh Lợi Nguyên, Trưởng công an xã Long Điền Đông, cho biết qua kiểm tra các vụ tai nạn điện dẫn đến chết người ở địa phương thì phát hiện nguyên nhân chính là do người nuôi tôm chủ quan, bất cẩn và thiếu hiểu biết trong sử dụng điện. Theo ông Nguyên, hầu hết người nuôi tôm đều sử dụng điện câu đuôi, giăng, móc tràn lan vào cây gỗ tạp, cây chuối… rất nguy hiểm. Dây kéo điện thì tiết diện nhỏ, lâu ngày bong tróc, rò rỉ điện, dễ dẫn đến chết người.
Ông Nguyên cho rằng việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn điện ở vùng nuôi tôm dẫn đến chết người cũng có phần trách nhiệm của ngành điện lực. Bởi bên cạnh việc tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, ngành điện cần phải khảo sát cụm tuyến dân cư, nhất là ở các vùng nuôi tôm nếu phát hiện người dân sử dụng địện không đảm bảo an toàn thì kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm. Song trên thực tế, nhiều năm qua ngành điện cứ phó mặc để người dân nuôi tôm sử dụng điện một cách vô tội vạ, từ đó điện giật chết người là điều tất yếu.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu, cho biết theo quy định mỗi tháng Công ty Điện lực Bạc Liêu và Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố phải báo cáo tình hình tai nạn điện lên Sở Công thương.
Tuy nhiên từ đầu năm 2015 đến nay, các báo cáo đều không nêu những trường hợp chết người do tai nạn điện. Theo ông Tuyên, do người dân tự ý câu móc, kéo điện ra vuông tôm không đảm bảo an toàn, khi xảy ra tai nạn người nhà không báo cáo chính quyền địa phương, không có công an khám nghiệm hiện trường, tử thi. Do đó, ở vùng nuôi tôm liên tục xảy ra tại nạn điện nhưng Sở Công thương vẫn không thể nắm đầy đủ hết được. Thời gian tới, Sở Công thương chỉ đạo Công ty Điện lực Bạc Liêu cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức để sử dụng điện an toàn, hạn chế và giảm đến mức thấp nhất tai nạn điện dẫn đến chết người. Sở cũng giao Phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố rà soát những nơi có hộ dân sử dụng điện không đúng kỹ thuật để kịp thời chấn chỉnh...
Bình luận (0)