Báo động tai nạn đuối nước: Cần sự vào cuộc của cộng đồng

07/05/2022 06:00 GMT+7

Để hạn chế tình trạng học sinh bị tai nạn đuối nước, rất cần sự phối hợp chung tay của cả cộng đồng với nhiều cách làm thiết thực.

Từ các hoạt động của Đoàn, Hội…

Theo anh Phan Anh Việt, Phó bí thư Thành đoàn, Giám đốc Nhà thiếu nhi TP.Thủ Đức (TP.HCM), hằng năm nhà thiếu nhi phối hợp cùng Phòng GD-ĐT tổ chức các lớp phổ cập bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh (HS) các trường tiểu học, THCS cũng như thanh thiếu nhi tự do. Hoạt động đã thu hút khoảng 4.500 em tham gia các lớp huấn luyện phòng chống đuối nước và phổ cập bơi với giá hỗ trợ.

Là địa bàn gắn với biển, đảo và có nhiều sông rạch, anh Hồ Hồng Thành Tính, Bí thư Huyện đoàn Cần Giờ (TP.HCM), cho hay: “Mỗi dịp hè các HS, thanh thiếu nhi được Đoàn thanh niên các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động trang bị các kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em thông qua các hội thi bơi lội thanh thiếu nhi, HS; phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước; hội thi kiến thức môn bơi lội...”.

Còn chị Lê Thị Hồng Phấn, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, cho hay đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước bằng nhiều hình thức thông qua các trang mạng xã hội, video, áp phích, loa phát thanh, tờ rơi… Song song đó, là tổ chức nhiều lớp bơi lội và kỹ năng phòng chống đuối nước miễn phí cho thiếu nhi nhằm tăng tỷ lệ trẻ em biết bơi.

Bể bơi di động và lớp dạy bơi miễn phí của thầy giáo Mai Văn Chuyền tại H.Cư M’gar

TỈNH ĐOÀN ĐẮK LẮK

Chia sẻ về giải pháp của tổ chức Đoàn, Đội trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ, chị Trần Thị Diễm Trinh, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, cho biết: “Với việc triển khai thí điểm mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi”, chúng tôi có kế hoạch hỗ trợ 85.000 trẻ em tiếp cận các kiến thức, kỹ năng an toàn, phòng chống đuối nước”.

Theo anh Đoàn Minh Tâm, Trưởng ban Thanh niên trường học (Tỉnh đoàn Bình Thuận), trong những năm qua Tỉnh đoàn Bình Thuận đã triển khai chương trình dạy bơi miễn phí cho HS trong toàn tỉnh. Để phát triển phong trào học bơi trong thanh thiếu nhi, Tỉnh đoàn đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức cuộc thi “Đường đua xanh” và thu hút rất đông các em tham gia phong trào luyện tập môn bơi lội.

Theo anh Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa dự kiến trong năm nay Tỉnh đoàn sẽ hỗ trợ lắp đặt 3 bể bơi, hệ thống phao cứu hộ, và tổ chức dạy bơi cho thiếu niên, nhi đồng tại các huyện Thường Xuân, Đông Sơn và TX.Nghi Sơn.

Bể bơi thông minh là giải pháp tốt cho các trường học, với kinh phí thấp và có thể dùng tới 10 năm nếu bảo quản cẩn thận.

Lê Thu Trà, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Đông Triều

Theo chị Huỳnh Thị Kiều Ly, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh đoàn Quảng Nam), để hạn chế tối đa các vụ tai nạn, cần đẩy mạnh phong trào học bơi và rà soát, lập bản đồ cảnh báo các địa điểm có nguy cơ gây đuối nước và triển khai các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng.

Chị Nguyễn Thụy Yến Phương, Phó bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long, cho biết năm 2021 Tỉnh đoàn đã tổ chức 16 lớp tập huấn và chỉ đạo đoàn cấp cơ sở phối hợp với các ban ngành đoàn thể tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ, nhất là trong dịp hè.

…Đến sự tham gia của các tổ chức thiện nguyện

Nhóm dạy bơi miễn phí có tên “Bơi và những người bạn” ở TP.HCM gồm các thành viên là cựu tuyển thủ bơi lội quyết định vận động để các trẻ được học bơi.

Trung bình mỗi khóa dạy bơi của nhóm thường kéo dài 3 tháng, với 100 em và dạy vào 2 ngày cuối tuần. Tính từ 2018 đến nay đã dạy gần 1.000 trẻ đang sống tại các mái ấm. Để dạy bơi có chất lượng tốt nhất, một buổi nhóm dạy ở 4 hồ trong nội đô TP, mỗi hồ 15 trẻ và có từ 3 - 4 huấn luyện viên tham gia. Sau 3 tháng sẽ cho “ra lò” một lứa trẻ biết bơi. Kinh phí từ kêu gọi tài trợ, xe đưa đón trẻ, dụng cụ, thời gian và công sức đều do các thành viên đóng góp.

Năm 2021, thầy giáo Mai Văn Chuyền (Trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mdroh, H.Cư M’gar, Đắk Lắk) đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để lắp ráp bể bơi di động và kêu gọi các đồng nghiệp cùng tham gia giảng dạy cho 90 em (độ tuổi từ 7 - 15) biết bơi.

Các buổi trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em ở tỉnh Bình Dương

NGUYỄN HẰNG

Còn tại Quảng Trị, thầy Nguyễn Viết Tước (Trường tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, H.Hải Lăng, Quảng Trị) “nắn dòng” con kênh thủy lợi ở địa phương thành nơi dạy bơi miễn phí cho trẻ làng. Hay có 1 số thầy cô ở huyện vùng cao H.Đakrông tự bỏ tiền ra làm bể bơi, dạy bơi cho HS… tuy nhiên, phải thu phí để trang trải chi phí đầu tư, vận hành.

Để xã hội hóa cho việc dạy bơi cho trẻ, năm 2022, Công ty xổ số kiến thiết Đồng Tháp hỗ trợ kinh phí 6 tỉ đồng xây 12 hồ dạy bơi kích thước 6 x12 m cho 12 huyện, TP của tỉnh.

Việc dạy bơi cho trẻ đã thu hút nhiều người tham gia. Tiêu biểu là bà Trần Thị Kim Thia (ngụ xã Hưng Thạnh, H.Tháp Mười, Đồng Tháp). Bán vé số kiếm sống, nhưng nhận thấy trẻ em địa phương hay bị đuối nước nên từ năm 1992 đến nay, hằng ngày, bà tự nguyện đóng cọc, quây lưới trên sông làm thành hồ bơi trên sông để dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở địa phương. Qua đó, đến nay đã có gần 4.000 trẻ em do bà dạy biết bơi. Bà Sáu Thia được Tạp chí Forbes VN chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.

Nhiều mô hình sáng tạo giúp trẻ biết bơi

Theo Sở VH-TT Quảng Ninh, thống kê cuối năm 2021, tổng số HS toàn tỉnh là 240.000, trong đó có gần 70.000 HS đã qua các lớp dạy bơi. Như vậy, số HS chưa qua các lớp bơi còn rất nhiều. Đại diện Sở VH-TT Quảng Ninh cho biết nguyên nhân dẫn đến việc các địa phương chưa triển khai được việc dạy bơi trong trường học vì nhà trường không kinh phí đầu tư bể bơi.

Tuy vậy, với mô hình bể bơi thông minh dạng lắp ghép, TX.Đông Triều (Quảng Ninh) đã thực hiện rất tốt mô hình này. Qua đó, địa phương xây dựng được hơn 21 bể bơi lắp ghép bắt đầu từ năm 2016 đến nay.

Qua 7 năm đi vào hoạt động, đến nay có trên 20.000 trẻ đã được học bơi. Mục tiêu năm nay của TX.Đông Triều là phấn đấu 100% trẻ em biết bơi.

“Bể bơi thông minh là giải pháp tốt cho các trường học, với kinh phí thấp và có thể dùng tới 10 năm nếu bảo quản cẩn thận”, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Đông Triều, bà Lê Thu Trà cho biết.

Theo Sở VH-TT TP.Hải Phòng, hiện đã có 36 bể bơi xây kiên cố, 4 bể vầy hỗn hợp, 21 bể mini tại các quận, huyện và 40 bể bơi phao lắp ghép theo chương trình phối hợp công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2018 - 2023. Hiện 40 bể bơi phao lắp ghép được Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng cấp phát về 40 trường học để phục vụ việc dạy bơi, dạy kỹ năng cứu đuối miễn phí cho HS.

Xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu không đảm bảo an toàn cho trẻ

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu từng ngành, đơn vị phải tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, trong đó, yêu cầu Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công an các cấp xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, kể cả cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em để dẫn tới tai nạn đuối nước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.