Báo động tình trạng người trẻ thức khuya: Đối mặt với những hậu quả nặng nề

Vũ Thơ
Vũ Thơ
10/05/2023 06:00 GMT+7

Theo các bác sĩ chuyên khoa nội và thần kinh, việc thức khuya sẽ gây ra những hệ lụy rất nguy hiểm cho sức khỏe và tương lai của người trẻ.

Nguy cơ đột quỵ tăng lên 800%

Trao đổi về những kết quả khảo sát của Thanh Niên về tình trạng học sinh, sinh viên thức khuya, thạc sĩ - bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa, Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, cho biết đó là thực trạng rất nguy hiểm, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe của người trẻ.

Báo động tình trạng người trẻ thức khuya: Đối mặt với những hậu quả nặng nề - Ảnh 1.

Người trẻ bị chứng bệnh trầm cảm do thiếu ngủ phải đến các cơ sở điều trị

Ngọc Thắng

"Sau một ngày làm việc mệt mỏi, ban đêm là thời gian mà cơ thể nghỉ ngơi phục hồi lại sức khỏe và cân bằng các yếu tố trong cơ thể, nhưng vì một nguyên nhân hoặc thói quen nào đó mà chúng ta thường xuyên thức đêm, ngủ không đủ giấc. Việc thức khuya thường xuyên có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe", bác sĩ Hòa nói.

Bác sĩ Hòa cho biết tỷ lệ người có thói quen thức khuya sẽ bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Bởi vì thời gian buổi tối là lúc để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động đã diễn ra trong ngày. Nhưng khi chúng ta thức khuya, đã làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ, trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não. Nếu thường xuyên thức khuya sẽ gây ra những dấu hiệu về rối loạn tâm thần như mất ngủ, hay quên, lo âu, dễ cáu gắt, căng thẳng, đau đầu...

Báo động tình trạng người trẻ thức khuya: Đối mặt với những hậu quả nặng nề - Ảnh 2.

Việc thức khuya còn ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, mệt mỏi và làm cho sức đề kháng giảm sút. Vì vậy, những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... cao hơn so với người ngủ đủ giấc.

"Bên cạnh đó, các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều, dẫn đến viêm loét dạ dày, hoặc làm nặng hơn tình trạng bệnh nếu đã mắc bệnh trước đó", bác sĩ Hòa nói.

Đặc biệt, bác sĩ Hòa cho biết nếu người trẻ ngủ dưới 5 giờ/ngày thì nguy cơ teo não tăng 25%; nguy cơ đột quỵ tăng lên 800%; nguy cơ tử vong do bệnh tim và các bệnh mạch vành tăng 48 lần so với người ngủ đủ giấc; chưa nói liên quan đến các bệnh ung thư như: ung thư đại tràng, ung thư vú tăng lên…

Báo động tình trạng người trẻ thức khuya: Đối mặt với những hậu quả nặng nề - Ảnh 2.

Rối loạn sức khỏe tâm thần

Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết người trẻ từ độ tuổi 11 - 17 tuổi cần ngủ từ 9 - 11 giờ mỗi ngày. Nếu điều này không được diễn ra đều đặn, đúng giờ sẽ gây nên không ít nguy hại cho sức khỏe.

"Nếu chỉ ngủ từ 5 - 7 giờ, thậm chí 2 - 4 giờ, có thể gây ra rất nhiều tác hại. Thiếu ngủ gây ra căng thẳng và các rối loạn sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, rối loạn lo âu, đặc biệt là bị rối loạn giấc ngủ như: mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Thiếu ngủ cũng làm giảm khả năng tương tác xã hội và giảm sự nhạy bén với cảm xúc của người khác. Thiếu ngủ còn làm suy giảm trí nhớ…", bác sĩ Thắng cảnh báo.

Bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, làm việc ở một trung tâm tâm lý lâm sàng tại Hà Nội, cho biết trong 1 tháng qua, ông gặp ít nhất 8 trường hợp bệnh nhân là học sinh rối loạn hành vi, rối loạn nhận thức và tất cả đều có chung một nguyên nhân là thiếu ngủ. "Các bạn này đa phần đều mắc vào tình trạng rơi khoảng nhớ, hay nói một cách khác là suy giảm trí nhớ. Trong đó có học sinh làm đâu quên đó và tự bạn ấy nhận thức được việc suy giảm trí nhớ trầm trọng, chưa kể tâm tính thay đổi đến rối loạn hành vi và nhận thức; 7 bạn còn lại cũng có nguy cơ mất trí nhớ nếu tiếp tục thức khuya", bác sĩ Bách chia sẻ.

Theo bác sĩ Bách, việc thiếu ngủ nếu kéo dài liên tục sẽ dẫn đến trầm cảm, thay đổi chức năng hormone, thay đổi tính cách, nhân cách, suy giảm trí nhớ và mắc các bệnh lý về thần kinh.

Theo bác sĩ Thắng, mất ngủ, khó ngủ là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chứng mất ngủ ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi, khiến công việc, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc, học tập ngày một lớn khiến người trẻ thường xuyên đối mặt với stress… điều này làm hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích, từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ", bác sĩ Thắng lý giải.

Đặc biệt là nguyên nhân "nghiện" thiết bị công nghệ. "Người trẻ có thói quen sử dụng thường xuyên các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính để giải trí vào ban đêm. Tuy nhiên, sóng điện từ, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử là nguyên nhân gây hại cho hệ thần kinh, mắt và gây mất ngủ ở người trẻ", bác sĩ Thắng chia sẻ và cho biết lối sống thiếu khoa học làm cho hormone melatonin (hormone quyết định giấc ngủ) bị rối loạn, từ đó gây ra bệnh mất ngủ ở người trẻ.

Lý giải con số 67,6% giới trẻ cảm thấy bình thường sau khi thức khuya, bác sĩ Thắng cho rằng: "Đồng hồ sinh học của cơ thể phải thay đổi theo lối sống của các bạn trẻ. Khi đồng hồ sinh học của cơ thể bị ảnh hưởng, sẽ dẫn đến ảnh hưởng các chức năng hoạt động, mà đôi khi họ không nhìn thấy được. Theo thời gian dài, dần dần cơ thể sẽ bị suy giảm các chức năng đó và bắt đầu ảnh hưởng đến cơ thể. Nên việc thức khuya ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến giới trẻ hiện nay", bác sĩ Thắng khẳng định. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.