Báo động tình trạng tự tử

25/10/2014 10:11 GMT+7

Trong 9 tháng qua, ở An Giang có hàng trăm vụ tự tử và 12 người tử vong. Việc nhiều người tự kết liễu cuộc đời cho thấy một hiện tượng xã hội tiêu cực cần được nghiên cứu, đánh giá để có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Báo động tình trạng tự tử
Một ca tự tử được cứu sống - Ảnh: Thanh Dũng

Mỗi ngày hơn một người tự tử

Trong cuộc họp giao ban báo chí mới đây do UBND tỉnh An Giang tổ chức, ông Võ Nguyên Nam, Chánh văn phòng UBND tỉnh, đã xác nhận 9 tháng qua toàn tỉnh có 350 trường hợp tự tử, đa số ở vùng sâu, trong đó có nhiều trường hợp đã tử vong. Như vậy, trung bình 1 ngày hơn 1 người tự tử.

Vụ tự tử gần đây nhất xảy ra ngày 2.10, do mâu thuẫn gia đình nên chị N. (ngụ H.Chợ Mới) đã tự thiêu và tử vong. Còn trước đó ngày 26.9, ông Trần K. (ngụ TP.Long Xuyên) do buồn vì bệnh tật đã dùng dây siết cổ; ngày 18.9, bà N. (ngụ TP.Long Xuyên) do nợ nần nên treo cổ tự tử. Giữa tháng 8, dư  luận ở H.Tịnh Biên xôn xao tin K. (ngụ xã An Hảo) dùng thuốc trừ sâu tự tử do nghiện game online dẫn đến nợ gần 5 chỉ vàng.

Trong tháng 3.2014, chúng tôi từng chứng kiến ca cấp cứu tự tử một cách kỳ lạ ở Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang. Một phụ nữ 38 tuổi tên H. (ngụ TP.Long Xuyên) vì mâu thuẫn gia đình đã dùng đinh đóng vào đầu tự sát. Bệnh viện đã cấp cứu kịp thời nhưng theo các bác sĩ, bệnh nhân sẽ bị di chứng yếu một nửa bên người. Một cán bộ ở bệnh viện này cho biết hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các ca tự tử, trong đó có trường hợp tự tử thật, có trường hợp hù dọa. Vị cán bộ này cũng cho rằng đây là con số đáng quan ngại về hiện tượng tiêu cực xã hội, các ban ngành cần phải nghiên cứu.

Quan tâm tìm hiểu và chia sẻ

Ông Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh sẽ yêu cầu Sở LĐ-TB-XH xem xét đánh giá lại nguyên nhân số vụ tự tử tổng thể rồi trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp.

ThS Lê Thanh Hùng, Trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH An Giang, cho biết trong đời ai cũng có lúc buồn chán, nếu cảm giác này diễn ra mạnh mẽ, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công việc và học tập thì đó là biểu hiện của trầm cảm. Rối loạn này là nguyên nhân của tự sát và nhiều ca tai nạn khác. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta lâm vào bế tắc, muốn tự giải thoát bằng tự tử, không dễ để đoán biết khi người có ý định tự tử. Tuy nhiên, có thể để ý đến những dấu hiệu cảnh báo sau đây như người đó có thể rút lui khỏi các giao tiếp với gia đình, bạn bè; dùng ma túy hoặc lạm dụng rượu; sức khỏe kém…

Theo ThS Tùng, để hạn chế tình trạng tự tử, xã hội cần quan tâm tìm hiểu, tạo điều kiện để người có hành vi tiêu cực vượt qua khó khăn. Mỗi người nên sắp xếp, bố trí lịch sinh hoạt, làm việc, học tập khoa học; tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Đặc biệt, không nên có bất kỳ quyết định gì vào những lúc bế tắc, mà hãy tìm đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè tin cậy, nhà tư vấn tâm lý. Mặt khác, khi thấy người thân, bạn bè, đồng nghiệp có những biểu hiện ủ rũ, trầm cảm, bất cần đời, bi quan, bất mãn, người mệt mỏi, tâm lý không bình thường, hay cáu gắt, mất ngủ thường xuyên… cần chủ động tiếp cận, chia sẻ, lắng nghe, đồng cảm, không nên phê phán mà khéo léo đưa ra những lời khuyên giúp họ có hướng giải quyết. Với một số người khăng khăng chỉ có cái chết mới giải quyết được vấn đề, chúng ta nên tìm những người có uy tín, ảnh hưởng lớn đối với họ (ba mẹ, người yêu, bạn thân, người họ yêu quý, kính trọng…) để khuyên bảo, chia sẻ với họ.

Thanh Dũng

>> Khởi tố vụ án cha giết con rồi tự tử
>> Con tử vong, cha tự tử
>> Mẹ ôm con nhảy cầu tự tử
>> Trạm phó trạm cân xe tự tử tại trụ sở công an nhận hối lộ 20 triệu đồng
>> Nghi án mẹ cùng con gái tự tử tại nhà riêng
>> Kẻ giết vợ rồi uống thuốc trừ sâu tự tử lãnh án chung thân
>> Phụ nữ nhảy cầu Rạch Miễu tự tử đã qua cơn nguy kịch
>> Huy động ghe cào tìm kiếm người đàn ông nhảy sông tự tử
>> Một thiếu nữ nhảy cầu Rạch Miễu tự tử
>> Một phụ nữ nhảy cầu tự tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.