Ngày 1.5, hình ảnh viên cảnh sát chống bạo động Pháp (CSR) cả người phừng phực lửa vì trúng bom xăng tràn ngập trên mặt báo. Theo AFP, anh này và ít nhất một đồng nghiệp bị phỏng nặng ở mặt và tay. Cuộc biểu tình truyền thống ngày Quốc tế Lao động của các nghiệp đoàn Pháp tại thủ đô Paris đã kết thúc trong bạo động khi bị các thanh niên quá khích lợi dụng để đụng độ với cảnh sát. Những người này ném gạch đá, bom xăng về phía lực lượng công lực và đập phá cửa kính của nhiều hàng quán gần khu vực biểu tình. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán các nhóm quá khích.
Kể từ sau khi có kết quả vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, với 2 ứng viên được vào vòng trong là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron (phong trào Tiến lên, EM) và thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen, nhiều đợt biểu tình đã diễn ra. Đa phần là do học sinh, sinh viên rủ nhau xuống đường để “nói không với cả bà Le Pen lẫn ông Macron”. Các đợt biểu tình này quy mô nhỏ, không xin phép chính quyền và thường bị các thanh niên quá khích trà trộn để gây bạo loạn nên nhanh chóng bị lực lượng công lực giải tán. Riêng cuộc biểu tình ngày 1.5, do là đợt xuống đường truyền thống nên quy mô rất lớn, chỉ riêng Paris đã có từ 30.000 - 80.000 người tham gia nên mức độ bạo động cũng nghiêm trọng hơn. Sở Cảnh sát Paris cho biết đã cô lập được một nhóm 150 thanh niên bịt mặt cố ý đụng độ với lực lượng công lực. Trên mạng xã hội Twitter và tại buổi mít tinh ngày 1.5, bà Le Pen và ông Macron đều bày tỏ sự cảm thông với các cảnh sát bị thương.
Thời thế thay đổi
Có thể nhận thấy các cuộc biểu tình trong những ngày qua tại Pháp không hoàn toàn chỉ để chống ứng viên cực hữu, điều rất khác so với cách đây 15 năm. Ngày 21.4.2002, vào lúc 20 giờ, khi hình Tổng thống Jacques Chirac và Chủ tịch FN khi ấy Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen, hiện song song trên màn ảnh truyền hình, cả nước Pháp choáng váng. Lãnh đạo cực hữu đã bất ngờ vượt qua ứng viên đảng Xã hội Lionel Jospin để vào được vòng 2 bầu cử tổng thống. Cú sốc như “trời giáng” này đã làm hàng triệu người xuống đường phản đối liên tục trong suốt 2 tuần giữa 2 vòng của bầu cử. Hầu hết các đảng phái tại Pháp, bất kể tả, hữu đều lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu cho ông Chirac, cử tri Pháp thì rủ nhau đi bầu nhiều hơn để tránh “thảm họa”. Kết quả là ông Chirac đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với số phiếu cao kỷ lục: 87%.
15 năm sau, ngày 23.4.2017, bà Marine Le Pen lặp lại điều tương tự. Từ Tổng thống François Hollande đến nhiều vị bộ trưởng và ít nhất 3 cựu thủ tướng đã lên tiếng kêu gọi cử tri “đánh bại FN một cách mạnh mẽ nhất có thể” để chứng tỏ “đất nước không chấp nhận tư tưởng cực hữu”. Tuy nhiên, người Pháp có vẻ đã không xem việc ứng viên của FN vào được vòng 2 là “trời giáng” nữa. Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra, nhưng vắng hơn hẳn so với năm 2002, lại không được tổ chức bài bản và thường kết thúc trong bạo động.
PV Thanh Niên đã phỏng vấn Giáo sư Gilles Richard (Đại học Rennes 2) về những khác biệt đáng ghi nhận nói trên. Ông là chuyên gia hàng đầu về lịch sử cánh hữu của Pháp. Giáo sư Richard nhận định: “Sự hiện diện của bà Marine Le Pen ở vòng 2 đã không còn khiến người Pháp rúng động nữa vì điều này đã được dự báo qua các cuộc thăm dò từ hơn 1 năm nay. Đây cũng là sự nối tiếp trong chuỗi thành công kể từ khi bà Le Pen tiếp quản FN vào năm 2011, tỷ lệ ủng hộ cứ tăng dần từ bầu cử tổng thống Pháp năm 2012, bầu cử địa phương và bầu cử Nghị viện Châu Âu năm 2014, bầu cử hội đồng tỉnh và vùng năm 2015”.
|
Theo Giáo sư Richard, bà Le Pen và FN có nhiều mục tiêu trong kỳ bầu cử tổng thống lần này. Mục tiêu đầu tiên là chinh phục Điện Élysée tuy khó thành hiện thực nhưng vẫn là một khả năng mà giới quan sát không thể loại trừ. Mục tiêu thứ hai, ngược lại, hoàn toàn nằm trong tầm tay của bà Le Pen: “Đạt số phiếu cao hơn 40% ở vòng 2 - điều hoàn toàn có thể xảy ra - và tạo đà để giành nhiều ghế trong kỳ bầu cử Hạ viện vào tháng 6 tới”. Đạt được điều này, đảng cực hữu không chỉ khẳng định được vị thế ở nghị trường mà sẽ làm đảng cánh hữu truyền thống Những người Cộng hòa (LR) thêm phần chia rẽ, thậm chí có nguy cơ tan vỡ khi nhiều nghị sĩ sẽ tách ra để gia nhập FN hoặc phong trào EM của ông Macron.
Bình luận (0)