Nhắc nhở nhiều nhưng không hiệu quả
Khi cho biết về tình trạng thức khuya của con cái mình, nhiều cha mẹ rất bức xúc. "Vợ chồng tôi đau đầu với việc con cái thức rất khuya. Con tôi đang là sinh viên (SV) năm nhất nhưng từ khi học phổ thông cháu đã thức khuya rồi. Cứ 1 - 2 giờ sáng mới đi ngủ là bình thường. Tôi đã nhắc nhở nhiều nhưng không hiệu quả vì cháu nói phải học và có nhiều việc phải làm. Thực sự tôi rất lo lắng về sức khỏe tương lai của con, khi cứ triền miên thức khuya như vậy", bà N.T.T ở Q.Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ.
Cũng là người đang phải đối phó với tình trạng thức khuya của con, bà N.T.M (ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi có con và cháu trong độ tuổi SV thì thấy rằng càng lên cấp học cao hơn thì các cháu càng có biểu hiện thức khuya hơn. Đặc biệt, lên đại học, giờ giấc học tập không như ở phổ thông. Vì các con học theo tín chỉ, bố mẹ cũng không nắm được lịch học cố định của con nên không biết thời gian học cụ thể để giám sát. Cháu thường thức có hôm đến 2 - 3 giờ sáng, nên có thể ngủ tới trưa ngày hôm sau. Giờ giấc sinh hoạt thiếu lành mạnh, khiến cuộc sống đảo lộn và trở thành vấn đề thực sự rất đáng lo ngại".
Lý giải vì sao bố mẹ không nhắc nhở con, bà N.T.M chia sẻ: "Việc bố mẹ nhắc nhở con ở độ tuổi càng lớn càng khó hơn. Các con ở phòng riêng, nên chúng tôi chỉ nhắc con tắt đèn đi ngủ, nhưng thực ra con có ngủ hay không bố mẹ không kiểm soát được. Nhiều đêm tôi đã ngủ giấc dài, tỉnh dậy vẫn thấy cháu đi ra đi vào".
Không chỉ SV, ở độ tuổi học sinh (HS), nhiều em cũng thức khuya không kém. Một bà mẹ ở Quảng Bình, có con đang học lớp 11, cho biết: "Con tôi thường thức đến 1 giờ sáng. Tôi có yêu cầu con tự lên thời gian biểu và nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, điều đó cũng không thực sự hiệu quả, vì con không thu xếp thời gian hợp lý để hoàn thành phần bài tập về nhà, hoặc lại dành thời gian chơi game, xem phim…".
Nhiều bậc phụ huynh cũng cho biết do tình trạng thức khuya nên con cái mình đã mắc các bệnh về da, hệ tiêu hóa và sức khỏe tâm thần. "Do thường xuyên thức khuya nên cháu hay quên, lo âu, dễ cáu gắt, căng thẳng, đau đầu…", một phụ huynh có con đang học lớp 9 cho biết.
Rất đáng quan ngại
Nhận định về thực trạng thức khuya của người trẻ, tiến sĩ Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng.
"Hệ quả là thay đổi thói quen sinh hoạt của HS, SV và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thể chất và chất lượng của việc học tập", ông Dương nhận định. Ông Dương cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc HS, SV thức khuya, trong đó có áp lực học tập của các nhà trường. Bên cạnh đó là thói quen sinh hoạt không khoa học và bị lôi cuốn bởi mạng xã hội.
"Lối sống rất tự do, khiến các em chưa biết điều tiết hợp lý quỹ thời gian để thực hiện các việc phải xử lý trong một ngày. Trong khi đó, rất nhiều em bị phân tâm bởi mạng xã hội, nên dẫn đến tình trạng không giải quyết hết công việc học tập vào ban ngày và phải kéo dài vào ban đêm", tiến sĩ Dương phân tích.
Đồng quan điểm này, một giáo viên giảng dạy THPT thuộc Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, cho biết do áp lực trong các kỳ thi, nên HS phải thức khuya để ôn tập, đặc biệt với HS lớp 12. Tuy nhiên, việc học tập chỉ là một lý do, còn ảnh hưởng lớn nhất và lâu dài là từ mạng xã hội.
Là giáo viên giảng dạy ở một trường THPT thuộc Q.Ba Đình, TP.Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Láng cho rằng việc thức khuya của HS, SV hiện nay rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, các trường học chưa có biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng này.
"Chúng tôi cũng nhận thấy điều đó và cũng nhắc nhở HS trong các giờ học, nhưng thực sự chưa mang lại hiệu quả, do không thể giám sát thời gian các em sinh hoạt ở gia đình", cô Láng nói.
Ông Nguyễn Bá Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Côi (H.Quỳnh Phụ, Thái Bình), cũng lo ngại việc thức khuya là một thực trạng chung của HS hiện nay. Theo ông Bắc, nếu thức khuya để ôn bài trong các kỳ thi thì chỉ là một giai đoạn, không đáng báo động, nhưng việc thường xuyên thức khuya, núp dưới hình thức học bài để sử dụng điện thoại, lướt mạng xã hội là thói quen xấu, dẫn đến lối sống không lành mạnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, kết quả học tập, cũng như chất lượng cuộc sống. (còn tiếp)
Bình luận (0)