Thức khuya để... lướt mạng
Bảng khảo sát có sự tham gia của 80 trường học trên toàn quốc với 2.182 học sinh, sinh viên (HS - SV), trong đó có 11 trường THCS, 29 trường THPT và 40 trường ĐH, CĐ; tỷ lệ HS (từ 11 - 17 tuổi) chiếm 60%, còn lại 40% là SV (từ 18 - 23 tuổi). Thực trạng khảo sát cho thấy số lượng HS - SV thức khuya đang ở mức báo động.
Với câu hỏi "Bạn thường đi ngủ lúc mấy giờ?", có 66,2% trả lời thường ngủ sau 23 giờ đêm, trong đó tới 20% ngủ sau 0 giờ và 16,4% ngủ sau 1 giờ sáng. Theo khuyến nghị của các nhà khoa học, thời gian ngủ tốt nhất là từ trước 22 giờ đến trước 23 giờ, nhưng kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 8,7% ngủ trước 22 giờ, 25,1% ngủ trước 23 giờ.
Bảng khảo sát nêu câu hỏi: "Một ngày bạn thường ngủ bao nhiêu giờ?", trong đó đặt ra các khung thời gian và kết quả cho thấy có 66,5% bạn trẻ ngủ từ 5 - 7 giờ/ngày; 6,9% chỉ ngủ từ 2 - 4 giờ/ngày; chỉ có 26,6% ngủ từ 8 - 10 giờ/ngày. Đáng lưu ý là việc thức khuya còn diễn ra khá phổ biến với 89,6% số người cho biết có thức khuya, trong đó 48% thường xuyên thức khuya, 41,6% thỉnh thoảng thức khuya, còn lại chỉ có 10,4% cho biết là hiếm khi thức khuya.
Một con số giật mình là qua việc khảo sát này cho thấy người trẻ thức khuya với nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do "xem mạng xã hội" chiếm tỷ lệ cao nhất. Với câu hỏi "Bạn thường làm gì khi thức khuya?", có 61,5% lựa chọn câu trả lời xem mạng xã hội, 59% học bài, 34,9% xem phim, 26,1% chơi game và 40,5% làm việc khác.
Đặc biệt với câu hỏi "Bạn có ngủ bù không?", có 45% trả lời không. Tuy nhiên khi được hỏi "Năng suất học tập, làm việc của bạn sau một đêm thức khuya sẽ như thế nào?", thì câu trả lời rất bất ngờ. Có 69,6% cho biết là bình thường, 8,8% cho rằng hiệu quả, năng suất; và 21,6% cho biết không hiệu quả, uể oải.
Những điều bất thường
Điều đáng nói, qua khảo sát cho thấy đa số HS - SV đều cho biết đã nghe và biết đến tác hại của việc thức khuya thông qua nhiều hình thức, phương tiện: gia đình (60,3%), bạn bè (31,7%), nhà trường (37%), các phương tiện truyền thông (80,2%).
Với câu hỏi "Thức khuya là thói quen tốt hay xấu, tại sao?", đa số HS - SV cho biết là xấu, do ảnh hưởng sức khỏe, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, đi học muộn, ngủ không ngon giấc... Tại bảng khảo sát, chúng tôi cũng đưa ra những tác hại của việc thức khuya. Hầu hết các bạn lựa chọn 6 tác hại, như: làm giảm trí nhớ, ảnh hưởng kết quả học tập; da bị lão hóa sớm; suy giảm sức khỏe, tinh thần; giảm thị lực, mắt kém; suy giảm hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, điều bất thường là dù biết rất rõ các tác hại của việc thức khuya, nhưng đa số HS - SV vẫn có ý định tiếp tục tình trạng này do đã thành thói quen. Khi được hỏi "Bạn có cải thiện thói quen thức khuya của bản thân không?", nhiều HS cho biết còn phải học, thi và nhiều công việc phải làm nên sẽ vẫn duy trì thói quen. Các HS - SV đã đưa ra rất nhiều lý do như: "Không, một phần là do đồng hồ sinh học từ lâu và môi trường xung quanh ồn ào, khó tập trung, chỉ khi ban đêm mới yên tĩnh"; "Không, vì thức khuya đối với HS lớp 9 cũng như một phần trong cuộc sống, không thể bỏ vì áp lực trên lớp và áp lực thi vào lớp 10"; "Không, bận lắm"; "Do công việc và thói quen đã lâu nên khó để cải thiện"; "Không, vì em thích thức khuya"…
Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có một số lượng rất nhỏ HS - SV cho biết sẽ khắc phục và cải thiện tình trạng thức khuya dần dần, nhưng lại cho rằng rất khó. Có HS cho biết đã cố gắng cải thiện nhưng cơ thể quen với giấc ngủ nông nên khó thay đổi.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa, Khoa Khám bệnh và nội khoa (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng), các tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ uy tín đã đưa ra các khuyến cáo thời gian ngủ hợp lý theo lứa tuổi như sau: Trẻ mới sinh cần 20 giờ/ngày, càng lớn thời gian ngủ của trẻ càng giảm, đến 6 tuổi trẻ cần ngủ 10 - 12 giờ/ngày. Từ 6 - 13 tuổi cần ngủ 9 - 11 giờ/ngày; thiếu niên (14 - 17 tuổi) cần ngủ 8 - 10 giờ/ngày; thanh niên và người trưởng thành (18 - 64 tuổi) cần ngủ 7 - 9 giờ/ngày; người già (trên 65 tuổi) cần ngủ 7 - 8 giờ/ngày.
"Em đã đặt đồng hồ báo thức để thông báo đến giờ đi ngủ nhưng cũng chỉ cải thiện được một xíu thói quen xấu đấy thôi", một HS chia sẻ. Một HS khác cho biết: "Đôi lúc có cải thiện, nhưng không hiệu quả, đêm là thời gian rảnh nhất của em để học tập và giải trí. Thức khuya mặc dù ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần nhưng đó là cách duy nhất để em theo kịp tiến độ học tập và làm những việc em muốn làm…". Một bạn lý giải: "Thức khuya, bạn trẻ nào cũng biết là xấu, nhưng tại sao các bạn vẫn thức khuya? Vì các bạn ấy xem điện thoại, lúc buồn ngủ thì cố xem, xem xong đầu óc hoạt động và khiến mình không buồn ngủ nữa"… (còn tiếp)
Bình luận (0)