Thuê… bạn trò chuyện
Trong khi bạn bè đi du lịch, hẹn hò và tham gia các cộng đồng theo sở thích, Trương Hữu Linh (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cảm thấy không có bất kỳ nơi nào để mình thuộc về. Hơn 2 năm nay khi người bạn thân chuyển đến nơi khác sống, Linh cũng không có nhu cầu kết giao với bạn bè mới. Buồn chán vì không có ai vui chơi, Linh chi 1 triệu đồng để thuê người "cày" game cùng.
Giống như Linh, Lê Đình Hiếu (26 tuổi), ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, sẵn sàng trả tiền để trò chuyện với các idol (thần tượng) trên các nền tảng livestream. Hiếu chỉ muốn có một người lắng nghe mình. Hiếu cũng khao khát được nghe những idol này kể các câu chuyện về họ, hay đôi khi là nói những điều vẩn vơ trong cuộc sống. Vì suốt cả một ngày dài không có ai kể lể hay tâm sự gì với Hiếu.
"Mình thực sự cần một người lắng nghe mà không phán xét. Vì khi chia sẻ với bất kỳ ai trước đây, mình cũng nhận lại những câu đại loại như "mày yếu đuối quá, phải mạnh mẽ lên", "mày đừng có buồn", "phải biết ơn, trân trọng cuộc sống", "mày coi lại bản thân đi"... Những lời này chưa bao giờ làm mình ổn hơn. Vì vậy, mình không thể nào kết nối được với ai", Hiếu chia sẻ.
Không chỉ có các dịch vụ cho thuê người đi chơi, nói chuyện cùng… mà hiện nay, quán ăn, bar, karaoke dành cho 1 người; khẩu phần lẩu 1 người; nhà trọ khoảng 4 - 5 m2 để đáp ứng nhu cầu ở một mình… ngày càng phổ biến. Nhiều hình thức kinh doanh đang vô tình "tiếp tay" cho những bạn trẻ chọn lối sống đơn độc. Tại TP.HCM, không khó để tìm được một góc hoàn toàn riêng tư ở các quán cà phê cho những ai thích một mình…
Huỳnh Phúc Thịnh (28 tuổi), chủ quán cà phê Trốn tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết quán đã hoạt động được 6 năm và là điểm đến ưa thích của những bạn trẻ đi một mình. Theo quan sát của Thịnh, càng ngày người trẻ đi một mình càng nhiều, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19. Không chỉ quán cà phê mà những cơ sở kinh doanh khác của Thịnh như bar, quán ăn cũng phải dành sự quan tâm cho những người đi một mình.
Đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Không riêng các quán của Thịnh, dịch vụ dành cho một người xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh Duyên, quản lý quán cà phê truyện tranh Toptoon (Q.7, TP.HCM), cho biết quán hoạt động đã được 4 năm, có những ngày phục vụ đến 70% khách hàng với sở thích đi một mình. Thông thường, khách đến quán một mình để làm việc, vì thế họ luôn cần một không gian thật yên tĩnh.
"Ở góc độ của người làm kinh doanh, mình thấy nhóm người độc thân là khách hàng tiềm năng rất lớn. Nhóm khách này đang có xu hướng tăng lên. Đây cũng là tệp khách có nhu cầu muốn chi trả khá cao vì họ thích tận hưởng cuộc sống của mình, muốn ra ngoài để làm việc, nghỉ ngơi thay vì ở nhà", chị Duyên nhận định và cho biết sẽ thiết kế thêm nhiều bàn đơn phục vụ những khách hàng đi một mình đến quán.
"Đi chơi một mình còn sợ bị bạn bè thấy rồi tới bắt chuyện, hỏi han, phiền lắm. Bản thân đơn giản chỉ muốn đi một mình, không hề có bất ổn gì về tâm lý hay chống đối xã hội. Đến những nơi này, khi sử dụng dịch vụ mình cũng không muốn nói hay bị tư vấn quá nhiều", N.L.N, vị khách tìm đến không gian yên tĩnh dành cho một người tại quán Toptoon, chia sẻ.
Chủ quán cà phê Trốn cũng là người thích đi cà phê một mình nên đã nỗ lực tạo ra trải nghiệm dịch vụ thật tốt dành cho người đơn độc khi đến quán. Tại quán cà phê của mình, Thịnh không muốn có quá nhiều người đến check-in vì sẽ ảnh hưởng đến những người đơn độc. Không gian của quán được chia làm 3, trong đó 2 gian dành cho người thích đi một mình. Đó là không gian tách biệt hoàn toàn với âm thanh đường phố.
Tại quán, Thịnh làm ổ điện riêng cho từng người. Thịnh đào tạo cho nhân viên hiểu nhu cầu của khách mà không cần phải giao tiếp quá nhiều.
"Kinh doanh các quán bia rượu cũng cần phải để ý hơn. Vì khi uống bia rượu, đi một mình sẽ rất bi quan, tiêu cực. Thậm chí ánh sáng, âm nhạc của quán cũng phải phù hợp, dịu nhẹ và không làm cho người đi một mình cảm thấy quá căng thẳng. Quán phải tạo ra giá trị mới có thể giữ chân khách. Nhưng sau một thời gian dài kinh doanh, mình thấy đơn độc là điều không tốt. Đơn độc trong im lặng lại càng nguy hiểm. Cần chia sẻ nhiều hơn, để được hỗ trợ nhiều hơn", Thịnh nói.
Mỗi ngày, nhà hàng Nhật Bản Aguo Izakaya (Q.1, TP.HCM) đón tiếp rất nhiều lượt khách đến một mình. Theo quản lý Nguyễn Tống Ân Ân, quán luôn cố gắng để khách đi một mình nhưng không có cảm giác tách biệt mà vẫn thấy thoải mái, vui vẻ. Thấy được xu hướng phát triển của đối tượng khách hàng lựa chọn đi một mình, nhà hàng đã chú trọng thiết kế những khu vực bàn ghế và thực đơn phù hợp.
"Mỗi khách hàng đều mang những câu chuyện riêng. Dù nhiều người đơn độc nhưng mình luôn hy vọng họ vui vẻ với sự lựa chọn đó, cũng như cảm thấy được tự do, yêu thương và trân trọng khi đến quán", chị Ân bày tỏ.
Cũng từ xu hướng này mà hiện nay nhiều người sáng tạo nội dung mạng xã hội cũng tận dụng kể các câu chuyện truyền cảm hứng, lồng ghép cuộc sống một mình. Những clip về lối sống một mình tận hưởng cuộc sống ngày càng nhiều, vô tình khiến không ít người trẻ bị cuốn theo xu hướng.
"Sống một mình năng lực cao" là câu nói của TikToker L.P.T (30 tuổi), người có hơn 200.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội. TikToker này chia sẻ: "Làm nội dung sống đơn độc nhưng thực tế mình có ê kíp 5 người hỗ trợ. Vì nhận thấy có nhiều người thích xem những nội dung có nhân vật đơn độc nên mình cũng muốn làm thử, không ngờ chỉ sau một tháng đã có hàng chục ngàn người theo dõi. Cho đến nay, sau 6 tháng, kênh của mình đã tăng lên hàng trăm ngàn người yêu thích. Điều này mang lại cho mình cuộc sống tốt hơn, có thêm nguồn thu nhập ổn từ quảng cáo". (còn tiếp)
Bình luận (0)