Báo động xu hướng người trẻ chọn sống đơn độc

05/10/2023 06:00 GMT+7

Hiện nay có một thực tế là nhiều bạn trẻ từ 25-35 tuổi vẫn không lập gia đình, sinh con, mà chọn tận hưởng cuộc sống với thú cưng, làm mọi việc một mình.

Sống tốt hơn khi một mình ?

Đã 6 năm sau khi kết thúc mối tình đầu, Nguyễn Hoàng Tiên (28 tuổi) không bước vào mối quan hệ yêu đương với ai nữa. Tiên hằng ngày vui vẻ với ca làm việc 8 tiếng tại một khách sạn lớn trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Sau giờ làm, Tiên đưa 2 thú cưng của mình đi dạo rồi chăm sóc vườn cây nhỏ tại nhà. Đôi khi nhớ người yêu cũ, đôi khi cũng muốn yêu, nhưng Tiên không còn tìm cách để bước vào một mối quan hệ tình cảm nào nữa, mà tận hưởng cuộc sống độc thân.

Báo động xu hướng người trẻ chọn sống đơn độc - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ chọn xu hướng sống đơn độc

TRÍ NGHĨA

"Mình không phải là người hướng nội. Mình chỉ thích cuộc sống đơn độc vì không biết cách làm người khác hài lòng. Mình không muốn thay đổi các thói quen chỉ để phù hợp với một người nào đó. Yêu đương cũng chỉ là một thứ gia vị. Không yêu, cuộc sống có thể mất đi một chút trải nghiệm, nhưng bản thân mình vẫn luôn phát triển được một cách độc lập, không cần ai bên cạnh. Cảm giác khi không phải lo lắng cho ai, không cần suy nghĩ nhiều thật tuyệt vời", Hoàng Tiên chia sẻ.

Anh Trần Hữu Tuấn (32 tuổi, ngụ tại đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đang làm kỹ sư IT tại một tập đoàn lớn. Cũng đã 9 năm trôi qua sau mối tình đầu, anh Tuấn vẫn không có ý định tìm hiểu thêm một ai nữa. Thậm chí anh cũng không quan tâm đến nơi ăn chốn ở, vì không có nhu cầu dẫn bạn về. Anh thuê ký túc xá mini để ở, nhiều khi lười về nhà thì ngủ luôn lại cơ quan. Chú tâm vào công việc, anh Tuấn cho biết không có thời gian để nghĩ đến chuyện yêu đương.

"9 năm trước, vì tài chính không vững nên tình yêu của mình tan vỡ. Vì vậy, từ đó đến nay mình luôn tập trung vào việc kiếm tiền. Yêu đương đối với mình bây giờ rất xa xỉ. Mình vẫn ám ảnh chuyện đổ vỡ nhiều năm qua", anh Tuấn tâm sự.

Gia đình sốt ruột vì con gái 28 tuổi không chịu yêu đương, kết hôn, bà N.T.T, ngụ P.Vị Hoàng, TP.Nam Định, đã phải nhiều lần tìm đến các chuyên gia tham vấn mong tìm được sự giúp đỡ. Bà kể: "Trước đây gia đình bảo bọc con quá, không cho con giao lưu kết bạn, cũng không muốn con đi học ở xa. Giờ cả nhà lo sốt vó vì con dửng dưng với chuyện lấy chồng, sinh con. Thậm chí lương đi làm con cũng không dùng để đi du lịch, vui chơi mà chỉ để mua truyện về đọc. Mọi thứ cứ diễn ra êm đềm nhưng thực chất khiến cha mẹ rất lo lắng".

Một mình để ít va chạm, mâu thuẫn…

Làm công việc sáng tác nhạc tại một công ty truyền thông, giải trí ở P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM, Lê Hồng Giang (25 tuổi) cần nhiều không gian một mình. Mỗi ngày Giang dậy sớm để viết truyện, lời nhạc phục vụ cho công việc. Sau đó Giang chăm sóc vườn cây rồi đọc tin tức, nấu ăn… Giang chỉ đến công ty khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày để trao đổi công việc. Thời gian còn lại Giang tìm đến những không gian yên tĩnh như quán cà phê, nhà sách, thư viện hoặc chỉ ở trong phòng một mình.

"Mình dành nhiều thời gian một mình nhưng vẫn luôn biết rằng cần chủ động giao tiếp và sẵn lòng trò chuyện với bất cứ ai. Đối với mình, khi chọn sống đơn độc cũng là lúc nuôi dưỡng tâm hồn. Không phải mọi giai đoạn trong đời đều có thể tận hưởng được sự yên bình như vậy", Giang chia sẻ.

Báo động xu hướng người trẻ chọn sống đơn độc - Ảnh 2.

Tận hưởng cuộc sống một mình với thú cưng

Thường ngày Đỗ Thanh Nhi (29 tuổi, ngụ đường Lâm Văn Bền, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM) hiếm khi trò chuyện với đồng nghiệp và bạn bè. Nhi thích đi ăn một mình, đi chơi cũng một mình; xem phim vào lúc khuya hoặc những khung giờ vắng khách. Quán quen của Nhi là quán ramen Nhật tại đường Thái Văn Lung (Q.1), nơi được chủ quán sắp xếp nhiều khu vực riêng cho người đi một mình ngồi ăn trong… im lặng.

"Không tiếp xúc nhiều với ai, không cần chú trọng vẻ bề ngoài, nên tủ đồ của mình chỉ 2 màu trắng và đen. Cuộc sống của mình cứ trôi đi êm ả, ít va chạm, mâu thuẫn. Mình không cần phải nắm tay ai đó đi chơi để cảm thấy vui, cũng không cần người chúc ngủ ngon mới có thể đi vào giấc ngủ. Như thế mới là một cuộc sống lý tưởng", Thanh Nhi bày tỏ.

Thấy con mãi độc thân, bố mẹ Nhi lo lắng nên tìm cách mai mối hết người này đến người khác. Nhi biết rằng bố mẹ thương mình, nhưng nghĩ đến cảnh gò bó khi yêu đương, lập gia đình, Nhi lại cảm thấy… sợ hãi.

Bị cuốn theo xu hướng

Chuyên gia tâm lý trị liệu La Hạ Giang Thanh, người sáng lập Soul Retreats, là một nhà đào tạo và chuyên gia trị liệu trong ngành tâm lý học. Trong suốt quá trình làm việc, chị Thanh đã gặp không ít trường hợp người trẻ chủ động và bị động cuốn theo xu hướng sống đơn độc. Theo nghiên cứu của chị Thanh, những năm gần đây xu hướng sống đơn độc đã ngày càng hiện rõ trong đời sống người trẻ.

"Người trẻ hiện nay có nhiều mục tiêu để theo đuổi, bớt quan tâm đến những mối quan hệ xung quanh. Theo xu hướng đơn độc, họ dần tách khỏi các tập thể hay các cộng đồng. Ăn uống, làm việc hay vui chơi một mình là những biểu hiện rõ rệt của xu hướng này", chị Thanh chia sẻ.

Hiện nay người dân ở TP.HCM có độ tuổi kết hôn rất muộn so với các tỉnh thành trong cả nước. Theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của TP.HCM là 29,8 (sắp chạm mốc 30 tuổi). Đây là lần đầu TP.HCM có độ tuổi kết hôn cao nhất so với các tỉnh thành trong cả nước, cao hơn số liệu chung của cả nước là 26,9 tuổi.

Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, việc kết hôn muộn chứng tỏ các bạn trẻ đã có sự chuẩn bị về tài chính và kiến thức hôn nhân gia đình. Người trẻ đã có những cân nhắc về trách nhiệm, nghĩa vụ khi kết hôn. Đây là tiền đề cho một thế hệ trẻ em được đầu tư cả về y tế, giáo dục và dinh dưỡng. Tuy nhiên, một trong những ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay chính là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của TP.HCM.(còn tiếp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.