Bão giật cấp 14 hướng vào Bắc bộ và bắc Trung bộ

18/08/2016 05:57 GMT+7

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 16 giờ ngày 17.8, tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc và 112,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

* Cảnh báo mưa lớn, lũ quét ở nhiều tỉnh
 Vùng gần tâm bão sức gió mạnh nhất ở cấp 8, giật cấp 10 - 11. Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ 5 - 10 km/giờ và tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 18.8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc và 110,1 độ kinh đông, trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất tăng lên cấp 8 - 9, giật cấp 11 - 12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 18.8, khu vực bắc Biển Đông, vùng biển vịnh Bắc bộ, bao gồm các đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn và vùng ven biển Bắc bộ gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 14 với sóng biển cao từ 3 - 5 m khiến biển động rất mạnh.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, các phân tích dự báo cho thấy bão số 3 còn tiếp tục mạnh hơn khi đi vào vịnh Bắc bộ, tốc độ di chuyển nhanh hơn. Bão có hoàn lưu rất rộng, khoảng 200 km, và diễn biến rất phức tạp.
Chưa thể xác định cụ thể vị trí tâm bão đổ bộ nhưng vùng gió mạnh của cơn bão kéo dài từ Quảng Ninh đến Nghệ An, với gió cấp 6 trở lên. Vùng tâm bão dự kiến gió mạnh cấp 9 - 11, giật cấp 12 - 14. Riêng khu vực Hà Nội có gió cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Quan ngại nhất hiện nay là hoàn lưu bão gây ra đợt mưa lớn ở Bắc bộ và bắc Trung bộ.
Vùng trọng tâm mưa dự báo từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, bắt đầu có mưa lớn từ chiều 18 - 20.8, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 400 mm, có nơi trên 500 mm. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài khiến các tỉnh miền núi phía bắc, bắc Trung bộ đối diện nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Tại cuộc họp chiều tối qua bàn biện pháp ứng phó bão số 3, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, yêu cầu các tỉnh ven biển từ vĩ tuyến 17 trở ra phải công bố lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi từ ngày 18.8. Đặc biệt, các địa phương ngoài chuẩn bị ứng phó bão số 3 phải có thêm kịch bản để ứng phó với mưa sau bão, thường rất nguy hiểm, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
4 tàu cá gặp nạn trên biển
Chiều 17.8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) tỉnh Bình Định cho biết vẫn chưa có phương tiện nào tiếp cận, hỗ trợ các tàu cá BĐ 96552 TS, BĐ 95251 TS. Sáng 15.8, tàu cá BĐ 96552 TS (do ông Trương Văn Nam, xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn, Bình Định, làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng), trên tàu có 13 ngư dân, đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Đá Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa) khoảng 27 hải lý theo hướng tây nam thì bị hỏng máy, thả trôi tự do. Tàu cá BĐ 95251 TS (chủ tàu là ông Trần Đực, thuyền trưởng là ông Lê Thuyền, đều ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn), trên tàu có 6 thuyền viên, bị hỏng máy, thả trôi vào chiều 16.8 tại vùng biển cách TP.Đà Nẵng khoảng 270 hải lý về phía đông nam. Ban chỉ huy đang kêu gọi các đơn vị tìm kiếm cứu nạn, các tàu cá tham gia hỗ trợ, ứng cứu 2 tàu cá nói trên.
Khoảng 13 giờ ngày 17.8, tàu cá BĐ 97172 TS (chủ tàu là ông Phan Thanh Tấn ở xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn), trên tàu có 3 ngư dân, cũng bị hỏng máy, đang thả trôi tại vùng biển cách TP.Nha Trang khoảng 11 hải lý về phía đông bắc. Thời tiết tại khu vực này có gió cấp 5 - 6. Tuy nhiên, đến 16 giờ cùng ngày, tàu cá này được tàu PY 94574 TS kéo về đảo Hòn Khô (Nha Trang).
Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết chiều 17.8, tàu cá PY 93033 TS do ông Nguyễn Văn Giáp (ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, H.Tuy An, Phú Yên) làm thuyền trưởng đã cứu an toàn 4 ngư dân ôm can nhựa trôi dạt trên biển suốt 4 giờ liền. Sáng cùng ngày, tàu cá PY 97759 TS do ông Nguyễn Xẹo làm thuyền trưởng cùng 3 ngư dân (ở cùng thôn Tiên Châu) hành nghề lưới rê tại vùng biển Phú Yên, cách bờ H.Tuy An 90 hải lý thì bất ngờ bị chìm.
Hoàng Trọng - Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.