Bao giờ giảm áp lực thi lớp 10?

05/07/2024 04:13 GMT+7

Câu hỏi đặt ra là "giảm" chứ không "chấm dứt", bởi có thi tuyển là phải có áp lực. Vấn đề là áp lực thế nào để không gây ra sự căng thẳng cùng cực tiếp diễn từ năm này sang năm khác.

Phụ huynh nào có con trải qua tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mới thấm thía và hiểu hết những áp lực, căng thẳng đeo bám suốt cả năm trời, thậm chí từ năm trước đó.

Nguyên nhân gây ra áp lực là gì? Đã có nhiều bài phân tích, chia sẻ ý kiến trên Báo Thanh Niên về vấn đề này. Ngoài việc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu trường lớp, chính sách phân luồng sau THCS chưa hiệu quả, thì còn một yếu tố khá quan trọng, quyết định đến tâm lý chọn trường của học sinh, phụ huynh là chất lượng giáo dục của các trường THPT còn quá chênh lệch. Trong khi ai cũng muốn có môi trường giáo dục tốt nhất.

Chính vì thế mà năm nào cũng vậy, "cuộc đua" lớp 10 căng thẳng là vì ai cũng muốn con mình được vào những trường tốt trong khi chỉ tiêu lại có hạn. Điều này dẫn đến một hiện tượng rất vô lý trong kỳ tuyển sinh năm học 2023 - 2024. Đó là dù trải qua kỳ thi hết sức căng thẳng nhưng gần 4.000 học sinh trúng tuyển không nhập học, buộc TP.HCM lần đầu tiên phải tuyển bổ sung. Thế nhưng sau đó vẫn còn trống hơn 2.800 chỉ tiêu. Những trường thiếu chỉ tiêu phần lớn ở khu vực ngoại thành, sức hút kém.

Thi đã căng thẳng, chờ điểm chuẩn lại càng căng thẳng hơn. Cuối tuần vừa rồi và đầu tuần này, phụ huynh Hà Nội và TP.HCM lại tiếp tục trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi chứng kiến điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay biến động với những bất ngờ lớn.

Điểm chuẩn trường tốp đầu và nhiều trường tốp giữa ở Hà Nội giảm mạnh, có trường giảm đến trên 16 điểm. Trong khi đó nhiều trường tốp dưới điểm tăng đáng kể. Tình hình tương tự ở TP.HCM. 15 trường THPT có điểm chuẩn cao nhất đều giảm điểm chuẩn so với năm trước. Ngược lại, 30 trường tăng điểm chuẩn hầu hết nằm ở vị trí cuối tốp 2 và tốp 3 hoặc khu vực ít học sinh quan tâm.

Điểm chuẩn năm nay ở TP.HCM còn cho thấy xu hướng các trường nằm trong tốp điểm cao không còn là "độc quyền" của các quận trung tâm nữa mà rải đều khắp các khu vực. Một giáo viên lý giải cho hiện tượng tuy trường mình không ở trung tâm nhưng lại là một trong số ít trường có điểm chuẩn tăng, rằng do trường đã thay đổi mạnh mẽ từ đầu tư cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy khiến học sinh ở khu vực tin tưởng chọn vào học thay vì tìm đến các trường ở trung tâm. Điều này cũng diễn ra tương tự với một số trường ở TP.Thủ Đức, Q.Tân Phú, Q.6, Q.12, H.Hóc Môn…

Đây rõ ràng là một dấu hiệu tích cực. Một khi có sự đầu tư cho các trường ở xa trung tâm, đẩy mạnh chất lượng giáo dục, xóa dần sự chênh lệch giữa các khu vực thì áp lực sẽ không còn dồn nén. Ngoài ra, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng cần được đầu tư mạnh mẽ, chính sách liên thông vào ĐH từ cao đẳng, trung cấp thuận lợi hơn thì mới thực hiện được mục tiêu phân luồng sau THCS.

Khi học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp với năng lực, nhu cầu của mình; chất lượng của các loại hình giáo dục ngang bằng nhau; cơ hội để vào đời như nhau thì chắc hẳn phụ huynh không còn tâm lý chỉ có trường công tốp đầu mới là "chân ái". Từ đó sẽ giảm dần áp lực cho kỳ thi lớp 10 công lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.