Việc phân lô tách thửa ở TP.Bảo Lộc xảy ra nhiều nhất trong 2 năm 2019, 2020 |
GIA BÌNH |
Thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 4 năm qua (2018 - 2021) có 3.873 trường hợp (hồ sơ) tách thửa thành 12.736 thửa mới với tổng diện tích hơn 1.214 ha; trong đó có 115 trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất (nông nghiệp) làm đường giao thông mới với diện tích 211.844,5 m² (liên quan số này có 2.454 thửa đất mới). Diện tích thửa đất nhỏ nhất sau khi tách thửa là 96,5 m² và diện tích tối đa đã tách là 18.704 m².
Không khó để thấy, việc phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường này phía sau phần lớn đều có bóng dáng của “dự án” bất động sản phân lô bán nền. Việc này có chỗ đúng, có chỗ sai, nhưng rõ ràng công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn lúng túng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến việc nhiều trường hợp vi phạm kéo dài nhưng chưa được xử lý.
“Thủ phủ” chè Bảo Lộc còn được mệnh danh là “miền xứ đẹp” ở vùng đất nam Tây nguyên Lâm Đồng, nên khi nhìn thấy vùng đất này có nhiều “vết thương” từ chuyện phân lô, tách thửa, ai cũng thấy nhói lòng. Sau khi dư luận lên tiếng, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vào cuộc đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường ở đây.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2021 diễn ra mới đây, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã nói thẳng tình trạng phân lô tách thửa trái pháp luật, mượn danh dự án đã nói rất nhiều nhưng vẫn còn xảy ra tại một số huyện, thành phố, đặc biệt là tại TP.Bảo Lộc, H.Bảo Lâm và đã có dấu hiệu lan sang H.Di Linh, H.Lâm Hà. Ông còn nói rằng, việc phân lô, tách thửa diễn biến phức tạp, gây dư luận xấu và bức xúc trong nhân dân, có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, có lợi ích cục bộ. Nhận định này được dư luận đồng tình, đồng thời mong muốn chính quyền nhanh chóng lôi những nhóm lợi ích này ra ánh sáng, xử lý nghiêm, đúng pháp luật.
Bình luận (0)