Ngày 19.7, linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tòa Tổng giám mục giáo phận Sài Gòn - TP.HCM, Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà (số 1 Công xã Paris, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), cho biết do quá trình trùng tu công trình kiến trúc tôn giáo 138 năm tuổi này gặp một số khó khăn, và để đảm bảo kết quả trùng tu được tốt nhất, nên thời gian trùng tu có thể kéo dài gấp đôi so với dự kiến. Kế hoạch ban đầu dự kiến thi công các hạng mục trùng tu từ năm 2017 đến năm 2019, nhưng nay có thể kéo dài thêm một vài năm tiếp theo mới có thể hoàn thành toàn bộ công trình.
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, nhìn bên ngoài công trình nhà thờ trông kiên cố và bề thế với đường nét kiến trúc độc đáo, có sự phối kết hài hòa giữa 2 trường phái kiến trúc cổ điển châu Âu, là Roman - Gotich, tuy nhiên trải qua thời gian hàng trăm năm tồn tại, nhiều hạng mục của nhà thờ đã bị xuống cấp, đặc biệt là mái ngói nhiều vị trí bị thấm dột, chóp tháp chuông bị bong tróc, các ô kính màu trên cửa sổ tường nhà thờ không còn nguyên vẹn… Việc trùng tu sẽ tập trung vào những hạng mục này, với mục tiêu thay thế mới bằng chất liệu tốt nhất, đảm bảo nguyên trạng để công trình tiếp tục trường tồn qua thời gian.
|
Ngày 30.6.2018, nghi thức gỡ một số viên ngói trên mái nhà thờ Đức Bà đã được các chức sắc trong Tòa Tổng giám mục giáo phận Sài Gòn - TP.HCM thực hiện. Dự kiến ngay sau đó sẽ bước vào giai đoạn gỡ ngói cũ, thay rui mè và lợp ngói mới. Tuy nhiên, hiện công đoạn này vẫn đang được tính toán lại, sau khi đảm bảo đầy đủ các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ… tối ưu nhất, thì mới bắt đầu.
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, để tháo gỡ toàn bộ mái ngói để thay thế, sẽ phải trải qua hơn 10 công đoạn nữa liên quan đến kỹ thuật thi công, mới có thể thực hiện trên thực tế. Thời gian tháo dỡ toàn bộ mái ngói, vì thế đang được tính toán để xác định cụ thể.
Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng là công trình kiến trúc độc đáo theo kiểu Roman - Gotich, do kiến trúc sư người Pháp là Bourad thiết kế và thi công, nên hầu như tất cả vật tư - từ ngói, thép, gạch, bù loong, đinh vít… đều được nhập từ Pháp. Vì thế, khi công trình trùng tu bắt đầu, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã quyết định cho nhập vật tư từ Pháp, Bỉ, Đức; cùng với tư vấn kỹ thuật đến từ các công ty châu Âu như Vmzinc, Monier (Pháp); Meyer-Holsen, Giruhuber, Handle, Quick Mix (Đức) qua trung gian Công ty Eurohaus là đại diện của các công ty trên tại Việt Nam. Các công ty này đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trùng tu các công trình cổ ở châu Âu, từ nhà thờ cổ đến các lâu đài xưa…
“Quyết định trên của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô cũng đã được ngài trăn trối lại như một di chúc thiêng liêng, mong muốn các thế hệ mai sau còn có thể sử dụng nhà thờ Đức Bà hàng trăm năm nữa. Do đó, Ban trùng tu đã quyết tâm vượt mọi trở ngại để thực hiện di chúc này khi bắt tay vào việc: đó là làm những gì tốt nhất cho nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, từ việc chọn và mua vật liệu xây dựng cho đến việc thi công công trình”, linh mục Hồ Văn Xuân chia sẻ.
Những vật liệu phục vụ cho công tác trùng tu được nhập từ nước ngoài, như ngói mũi tên (ngói tây) của hãng Monier - Pháp (27.250 viên, bảo hành 30 năm) được sử dụng cho mái trên của nhà thờ.
Ngói âm dương (10.300 viên) và ngói vảy cá (86.000 viên) của hãng Meyer-Holsen - Đức (bảo hành 40 năm) được sử dụng cho mái dưới và các chóp (nằm phía giao lộ Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch, Q.1) của nhà thờ.
Kẽm Azengar của Công ty VMZINC thuộc Tập đoàn Umicore được sử dụng cho việc thay 2 tháp nhọn; máng xối (hứng nước từ mái ngói) cũng của hãng VMZINC sản xuất.
Phương án được đưa ra là sẽ thay thế toàn bộ mái ngói tây, ngói vảy cá, ngói âm dương theo nguyên trạng và xây lại bờ mái, bờ nóc, bờ gom nước… của nhà thờ.
Toàn bộ mái ngói nhà thờ Đức Bà với khoảng 100.000 viên ngói sẽ được tháo dỡ để thay mới. Nhưng lý do bên trong vẫn đảm bảo an toàn để cử hành thánh lễ mỗi ngày, là bởi ngay từ khi mới xây dựng, phần phía trên nhà thờ được thiết kế tách biệt giữa mái ngói và vòm bê tông kiên cố bao kín không gian bên dưới. Do đó, dù có tháo dỡ toàn bộ mái ngói cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu phần còn lại. Và cũng nhờ có vòm bê tông kiên cố bao kín không gian bên dưới nên ánh nắng, nước mưa không thể “lọt” vào bên trong nội thất nhà thờ. Các kết cấu chính của công trình như móng, tường, mái vòm, qua thẩm định, vẫn đảm bảo tường tồn theo thời gian.
Lịch sử 138 năm nhà thờ Đức Bà Tháng 8.1876, Thống đốc Nam Kỳ Guy Victor Auguste Duperré đã tổ chức thi tuyển thiết kế nhà thờ Sài Gòn (nay là nhà thờ Đức Bà). Ngày 7.10.1877, cử hành nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Sài Gòn (nay là nhà thờ Đức Bà) theo đồ án của kiến trúc sư J.Bourad (Pháp) hết sức độc đáo đã phối hợp hài hòa hai trường phái kiến trúc cổ điển lừng danh Roman và Gotich. Ngày 11.4.1880, thánh lễ làm phép và khánh thành nhà thờ Sài Gòn. Các vật tư chính để xây dựng nhà thờ như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều được mang từ Pháp sang. Kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp thời ấy cung cấp với số tiền 2,5 triệu francs Pháp theo thời giá lúc bấy giờ. Năm 1895, theo thiết kế bổ túc của kiến trúc sư Fernand Gardes, hai tháp thép dạng chóp nhọn được lắp dựng thêm bên trên tháp chuông, làm cho tháp chuông nhà thờ vươn cao trên bầu trời với chiều cao mỗi tháp khoảng 60m. Bên trên 2 tháp có bộ chuông nặng gần 30 tấn với 6 quả chuông cổ được phối âm độc đáo với các cung: sol - la - si - do - re - mi, do hãng đúc chuông Bollee chế tác vào năm 1879, tại Pháp, với những đường nét họa tiết rất tinh xảo. Bộ chuông nặng tổng cộng khoảng 30 tấn. Năm 1959, Đức Hồng y Agagianian đã làm phép tượng Đức Mẹ Hòa Bình tại quảng trước trước nhà thờ Sài Gòn. Từ đó, với sự kiện này, nhà thờ Sài Gòn có tên gọi là nhà thờ Đức Bà. Tháng 4.2015: Tòa Tổng giám mục Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM công bố quyết định trùng tu Tháng 4.2017: UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận Tháng 6.2017: Khởi công đại trùng tu |
Bình luận (0)