Bao giờ robot dỗ được trẻ, giáo viên mầm non mới thất nghiệp?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
14/03/2023 18:45 GMT+7

Liệu robot có thể thay giáo viên mầm non dỗ được những đứa trẻ nín khóc và ChatGPT có thể giải quyết được một vấn đề đang xảy ra giữa con người với con người?

Vấn đề này được nêu ra trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 14.3.

Các chuyên gia khẳng định, người máy không thể thay thế được giáo viên mầm non cũng như nhiều nghề nghiệp khác.

Có một nhóm ngành không bao giờ bị "đe dọa" bởi máy móc

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Xã hội-Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, nhận định khi máy móc, công nghệ càng phát triển thì vấn đề nghiên cứu con người, các hoạt động xã hội nhân văn càng phát triển. Vì thế, những ngành học mới nghiên cứu chuyên sâu về con người và năng lực sáng tạo của con người sẽ càng quan trọng.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng đánh giá: "Các ngành xã hội nhân văn có nhiều thế mạnh vì dù công nghệ có phát triển thế nào thì xã hội vẫn cần sự tương tác giữa con người với con người, cần có trí tuệ cảm xúc".

Theo thạc sĩ Phương, ChatGPT hoặc các công cụ khác chỉ hỗ trợ chứ không thể thay thế trong giáo dục, vì người học vẫn cần sự thấu hiểu, tư vấn, hướng dẫn của thầy cô…

Bao giờ robot dỗ được trẻ, giáo viên mầm non mới thất nghiệp - Ảnh 1.

Máy móc không bao giờ thay thế được con người ở nhiều ngành nghề thuộc nhóm xã hội nhân văn, trong đó có giáo viên mầm non

B.T

Nói về ngành giáo dục mầm non, thạc sĩ Lê Thị Bích Thảo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, khẳng định: "Chúng ta không thể dùng máy móc chăm sóc, dỗ dành, định hướng nhân cách cho một đứa trẻ. Chỉ các cô giáo, bảo mẫu, nhân viên mới có thể chăm sóc, xử lý tình huống, nhu cầu của trẻ".

Bên cạnh đó, sự tương tác với lòng yêu thương và cảm xúc giữa giáo viên và học sinh thì máy móc càng không thể làm được. Vì thế, thạc sĩ Thảo cho rằng ngành xã hội nhân văn và sư phạm "không bao giờ mai một mà luôn tồn tại và phát triển, trong đó có giáo viên mầm non".

Bao giờ robot dỗ được trẻ, giáo viên mầm non mới thất nghiệp? - Ảnh 2.

Các chuyên gia tư vấn cho học sinh trong chương trình

LÊ THANH HẢI

Thay đổi đào tạo để trở nên "hot" hơn

Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó trưởng bộ môn xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng, trong những năm vừa qua, thí sinh đăng ký vào nhóm ngành xã hội nhân văn đã gia tăng và điểm chuẩn cũng thay đổi.

"Cơ hội việc làm của các ngành này cũng vô cùng rộng mở. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tuyển dụng cũng đòi hỏi ứng viên phải có kiến thức liên ngành. Điều đó cho thấy các trường ĐH cũng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn", thạc sĩ Quân nhìn nhận.

Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, thạc sĩ Quân cho hay năm 2023, nhà trường mở thêm ngành tâm lý học thuộc nhóm xã hội nhân văn nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực mà thị trường đang rất thiếu.

"Trường thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, đồng thời xây dựng tính liên ngành trong khối ngành khoa học xã hội rất mạnh mẽ như xã hội học, công tác xã hội, tâm lý học…", thạc sĩ Quân thông tin thêm.

Còn tại Trường ĐH Văn Hiến, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang cho biết trường cũng đã có chiến lược điều chỉnh chương trình đào tạo của các ngành khoa học xã hội nhân văn theo hướng xây dựng các môn học có tính liên ngành.

"Ngoài ra, trường đầu tư các học phần mang tính thực hành, thực tiễn hơn, đưa sinh viên về doanh nghiệp trải nghiệm thực tế. Ngay cả các học phần lý thuyết cũng sẽ gia tăng trao đổi, tìm hiểu, nghiên cứu chia sẻ giúp sinh viên tốt nghiệp có thể nhanh chóng nhập cuộc, vận dụng kiến thức để xử lý công việc hiệu quả", PGS-TS Trang chia sẻ.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng mở ra một số chuyên ngành mới có tính liên ngành, xuyên ngành và tích hợp như du lịch số (du lịch và kỹ thuật số), kinh tế số (quản trị kinh doanh, thương mại quốc tế với công nghệ thông tin), hoặc công nghệ tài chính (kết hợp giữa công nghệ với tài chính)…

Nhóm ngành xã hội nhân văn vốn là những ngành học có nhiều lý thuyết. Do đó, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn đã thay đổi bằng cách xây dựng học kỳ doanh nghiệp giúp sinh viên gia tăng thực hành, bớt sự nhàm chán của các học phần lý thuyết.

"Ngay từ học kỳ 2, sinh viên đã được đến doanh nghiệp quan sát thực tế, thực hành để xem mình có phù hợp với ngành học hay không. Nếu các em thấy mình còn băn khoăn, trường sẽ giúp định hướng lại và chọn lại ngành chứ không đợi đến năm cuối", thạc sĩ Lê Thị Bích Thảo cho hay.

Cần có trí tuệ cảm xúc, các kỹ năng mềm

Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, để học tập và làm việc tốt trong khối ngành khoa học xã hội nhân văn và sư phạm, người học cần rèn luyện chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) thường xuyên để có mối quan hệ xã hội tốt, làm việc hiệu quả hơn.

"Kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng. Phải có tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, nếu không sẽ không vượt qua được ChatGPT và các công cụ khác", thạc sĩ Phương nhận định.

Còn thạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng tố chất quan trọng là phải có sự thích thú trong tìm hiểu về con người, các mối quan hệ xã hội… Bên cạnh đó, người học phải có những kỹ năng như trình bày, phân tích vấn đề, có nhãn quan xã hội học.

"Biên độ nghề nghiệp khối ngành khoa học xã hội nhân văn trải rất rộng nên vừa là thuận lợi vừa là thách thức. Chúng ta bắt buộc phải thích ứng với các nhóm nghề nghiệp khác nhau như nhân sự, kinh doanh, tiếp thị… Trong quá trình đi học, các em phải tự rèn luyện và học thêm khối kiến thức, nghiệp vụ của các lĩnh vực khác để bổ trợ cho công việc sau này", thạc sĩ Quân lưu ý.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.