15 năm giậm chân tại chỗ
Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới là BV chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tuyến cuối chăm sóc sức khỏe cho người dân TP.HCM nói riêng và khu vực phía nam nói chung. Ngoài ra, BV Bệnh nhiệt đới còn làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế khoa học về bệnh truyền nhiễm.
Nhưng dự án xây mới khoa Khám bệnh của BV Bệnh nhiệt đới 15 năm nay vẫn chưa thể khởi công, vì vướng quy hoạch đường sá và công viên cây xanh. Hàng ngàn bệnh nhân vẫn phải chen chúc trong các khu khám bệnh cũ, xuống cấp trầm trọng.
Theo hồ sơ, ngày 15.8.2007, UBND Q.5 có Quyết định 12/2007, trong đó có nội dung quy hoạch khu đất BV Bệnh nhiệt đới (bao gồm cả BV Chấn thương chỉnh hình, BV Tâm thần). Theo đó, đất dành cho y tế của BV Bệnh nhiệt đới chỉ còn 11.867 m2; 4.896 m2 đất dự phóng đường Cao Đạt và 31.822 m2 đất dành cho cây xanh, thể dục - thể thao. Tuy nhiên, trong khuôn viên BV Bệnh nhiệt đới có di tích lịch sử quốc gia (khu trại giam BV Chợ Quán, nơi nhà cách mạng Trần Phú hy sinh vào ngày 6.9.1931) mà muốn xây, phải xin phép các cơ quan quản lý ngành văn hóa.
Khu khám bệnh, cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng là nơi khám chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi ngày |
DUY TÍNH |
Sau nhiều lần BV Bệnh nhiệt đới cầu cứu và được tháo gỡ từng bước, dưới sự chỉ đạo của Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hòa Bình (đã qua đời vì tai nạn giao thông trên đường đi công tác ngày 29.3) về điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường (P.1, 3, 4 của Q.5 có liên quan khu đất BV Bệnh nhiệt đới, BV Tâm thần, BV Chấn thương chỉnh hình, di tích lịch sử quốc gia khu trại giam BV Chợ Quán), ngày 19.7.2021 các sở ngành TP.HCM đã họp bàn.
Tại cuộc họp này, Sở GTVT vẫn giữ quan điểm như trước đó. Cụ thể, riêng đường Cao Đạt dự phóng (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Huỳnh Mẫn Đạt) đề nghị giữ theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt là cần thiết, nhằm đảm bảo việc tổ chức giao thông thuận lợi cho khu vực…
Do đó, để có thể điều chỉnh quy hoạch không mở tuyến đường dự phóng Cao Đạt, Sở GTVT đề nghị Q.5 lập đồ án điều chỉnh quy hoạch, nêu rõ nguyên nhân, cơ sở pháp lý nội dung điều chỉnh; bảng tổng hợp so sánh với các chỉ tiêu quy hoạch trước và sau khi điều chỉnh; đánh giá chỉ tiêu đạt và chưa đạt so với quy định. Trường hợp đồ án quy hoạch có thay đổi các chỉ tiêu về lĩnh vực giao thông, điều chỉnh giảm lộ giới, thay đổi hướng tuyến, tăng quy mô dân số thì phải có đánh giá tổng thể năng lực thông hành, mức độ đáp ứng của hạ tầng giao thông để làm cơ sở xem xét…
Trong khi đó, ý kiến UBND Q.5, Sở Y tế, BV Bệnh nhiệt đới là vẫn giữ và ưu tiên đất cho y tế, bỏ quy hoạch đất công viên cây xanh; bỏ quy hoạch đường Cao Đạt dự phóng ngang BV Bệnh nhiệt đới. Vì nếu quy hoạch đường Cao Đạt cắt ngang BV sẽ gây ô nhiễm, nguy cơ lây nhiễm, mất an toàn cho BV, người bệnh, khu di tích quốc gia trong đó. BV Tâm thần, BV Chấn thương chỉnh hình (cũng nằm trong khu quy hoạch này) cùng quan điểm là giữ đất cho y tế.
Đến ngày 18.4 vừa qua, từ ý kiến của Sở QH-KT thống nhất với Sở Y tế, 3 BV bị ảnh hưởng quy hoạch trên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT có công văn gửi Sở QH-KT, UBND Q.5 tiếp tục có ý kiến về việc đường Cao Đạt dự phóng qua khuôn viên BV Bệnh nhiệt đới.
Theo đó, Sở GTVT cho rằng đề xuất điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Cao Đạt dự phóng của UBND Q.5 nhằm phù hợp với mục tiêu điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực y tế là có thể xem xét. Sở GTVT một lần nữa đề nghị Q.5 trong quá trình rà soát lập đồ án điều chỉnh quy hoạch, cần nghiên cứu hạn chế ảnh hưởng đến mục tiêu kết nối giao thông do việc điều chỉnh quy hoạch, như: xây dựng kế hoạch ưu tiên mở rộng hoàn chỉnh lộ giới các tuyến Cao Đạt (từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Biểu) và tuyến Nghĩa Thục (từ Huỳnh Mẫn Đạt đến Nhiêu Tâm); đánh giá tổng thể năng lực thông hành hệ thống giao thông khu vực, mức độ đáp ứng của hạ tầng giao thông, để cơ quan có thẩm quyền đủ cơ sở xem xét, quyết định.
Như vậy, kể từ khi có quyết định quy hoạch đến nay đã 15 năm trôi qua, dự án xây mới khoa Khám bệnh của BV Bệnh nhiệt đới vẫn còn “treo”. Đáng lo hơn, theo lãnh đạo BV này, việc xây dựng khu khám bệnh BV Bệnh nhiệt đới khó có thể xong trong ngày một, ngày hai.
Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2 mới chỉ san lấp mặt bằng |
CTV |
“Tôi chỉ còn 2 năm nữa về hưu rồi, mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giúp đẩy nhanh tiến độ để bệnh nhân có chỗ khám bệnh, cấp cứu tốt cho bệnh nhân”, TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, chia sẻ.
Bao giờ xong bệnh viện Chợ Rẫy 2 ?
Tương tự, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết dự án BV Chợ Rẫy 2 tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh (TP.HCM) được Bộ Y tế phê duyệt năm 2015. Tên dự án là “Xây dựng BV Chợ Rẫy Hữu nghị Việt - Nhật (Cơ sở II - BV Chợ Rẫy)” do BV Chợ Rẫy làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 6.900 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản khoảng hơn 6.057 tỉ đồng; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 886 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2015 - 2025.
Đến nay, dự án đã hoàn thành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, cùng các thủ tục liên quan tới quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, vị trí bãi cất hạ cánh trực thăng, hạ tầng, xây tường rào, kè chắn đất, san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn đang trong giai đoạn thực hiện thiết kế chi tiết cho dự án.
Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, dự án chậm tiến độ do trong quá trình triển khai có nhiều thay đổi các nội dung dự án như: thay đổi dây chuyền công năng của dự án, thay đổi thiết kế cơ sở, thay đổi quy hoạch chi tiết 1/500, thay đổi nhà thầu thiết kế, điều chỉnh chủ trương đầu tư… Dự án còn gặp khó khăn do chính sách về đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi, ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, còn do liên danh nhà thầu nước ngoài cập nhật thay đổi về chính sách, chủ trương của Nhà nước chậm.
Do đó, BV Chợ Rẫy đề xuất tăng cường thúc đẩy, phối hợp nhà thầu tư vấn thiết kế mới (phía Nhật Bản) để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế chi tiết. Dự kiến cuối năm 2023 mới khởi công xây dựng BV Chợ Rẫy, thời gian xây dựng 2 năm.
“BV mong muốn sớm xây dựng, đưa vào sử dụng để góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và chiến lược phát triển ngành y tế. Điều này góp phần thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện trong nội thành, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn”, TS-BS Nguyễn Tri Thức nói.
Bình luận (0)