Bao giờ vàng giảm giá?

12/01/2024 04:23 GMT+7

Sau khi tăng phi mã lên mức đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC đã giảm liên tục trước chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, chỉ được vài ngày, hiện vẫn treo cao, đắt hơn thế giới lên đến 14 triệu đồng/lượng.

Người dân trong nước phải mua vàng đắt hơn thế giới 22,6%

Giá vàng miếng SJC ngày 11.1 biến động ngược chiều so với giá thế giới, đột ngột tăng 800.000 đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào lên 72,8 triệu đồng/lượng, bán ra 75,3 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào với giá 72,75 triệu đồng, bán ra 75,25 triệu đồng. Eximbank mua vào 72,5 triệu đồng/lượng, bán ra 75 triệu đồng/lượng… Vàng nhẫn 4 số 9 cũng tăng giá thêm 150.000 đồng mỗi lượng, Công ty SJC mua vào 62 triệu đồng/lượng, bán ra 63,2 triệu đồng/lượng…

Biến động vàng ngày 12.1: Giá vàng miếng SJC đột ngột tăng, chênh lệch mua-bán đang bất thường

Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC của các đơn vị kinh doanh vẫn cao, tới 2,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn ở mức hơn 1 triệu đồng/lượng. Có thể thấy, cả vàng nhẫn và vàng miếng SJC vẫn đang neo ở mức rất cao. Trái hẳn với động thái lao dốc cuối tháng 12.2023 sau khi Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1.2024. Chỉ đạo được đưa ra khi vàng miếng SJC leo tới đỉnh hơn 80 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng.

Bao giờ vàng giảm giá?- Ảnh 1.

Giá vàng SJC cao hơn thế giới 14 triệu đồng/lượng

Đào Ngọc Thạch

Ngay sau đó, giá vàng miếng SJC đã lao dốc liên tục. Chỉ trong vài này, đã giảm cả chục triệu đồng/lượng. Thế nhưng, đà rơi duy trì vài ngày rồi dừng hẳn, kim loại quý trong nước dần phục hồi và như nói trên, vàng miếng SJC vẫn hết sức đắt đỏ khi cao hơn quốc tế 14 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, người dân trong nước đang phải bỏ tiền mua vàng miếng SJC với giá cao hơn lên đến 460 USD, tương ứng cao hơn 22,6%. Càng vô lý hơn khi cùng chất lượng vàng 4 số 9, cùng thương hiệu, nhưng vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn từ 11 - 12 triệu đồng/lượng.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, ở thị trường các nước, giá vàng cao khoảng 1 - 2 USD/ounce, nước nào cao lắm cũng 4 USD. Nhưng tại VN, giá vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới 14 triệu đồng, còn các loại trang sức khác như vàng nhẫn cao khoảng 2 - 3 triệu đồng/lượng.

"VN là nước nhập khẩu vàng, mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tấn. Thế nhưng, trong 12 năm trở lại đây, vàng miếng SJC không được sản xuất thêm đưa ra thị trường, trong khi nhu cầu lúc nào cũng có. Cung cầu vàng chênh lệch dẫn đến giá trên thị trường lên cao. Hiệp hội cũng đã có báo cáo Chính phủ về việc không có hiện tượng làm giá trên thị trường, doanh nghiệp mua cao thì bán cao chứ không sẽ lỗ. 

Đa số các công ty kinh doanh vàng hiện nay là tư nhân nên họ phải bảo toàn vốn. Điều này cũng dẫn đến tình trạng giá mua và bán tăng lên 1 - 3 triệu đồng/lượng, có lúc lên 5 triệu đồng/lượng nhằm hạn chế rủi ro. Cũng chính vì cung cầu trên thị trường không cân đối nên có ngày cao điểm, có công ty bán ra thị trường 2.200 lượng vàng nhưng số lượng vàng mua vào chỉ 600 lượng thì sao mà cân đối được nguồn hàng", ông Bảng thông tin.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng giá vàng trong nước không liên thông với quốc tế, một mình một chợ từ nhiều năm nay nên dẫn đến những biến động hết sức bất ngờ và khó dự báo.

"Hiện nay chỉ có NHNN là đơn vị nhập khẩu vàng duy nhất trên thị trường, thông qua SJC cũng độc quyền sản xuất vàng miếng. Nguồn cung không dồi dào để đáp ứng sức cầu trong nước, dẫn đến giá vàng bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá thế giới. Điều này cũng lý giải vì sao chỉ có vàng miếng SJC mới hình thành nên những cơn sốt bất ổn như vậy, còn vàng nhẫn thì nguồn cung dồi dào do nhiều nhà cung cấp hơn nên giá cũng cạnh tranh hơn và tiệm cận theo giá thế giới. Không như chứng khoán - nhà đầu tư có thể mua bán trực tiếp, thị trường vàng có các đơn vị kinh doanh, tiệm vàng ở khâu trung gian mua bán. Chính vì vậy, các đơn vị kinh doanh vàng để khoảng cách giá mua - giá bán lên cao nhằm tránh rủi ro khi thị trường biến động cũng như kiếm lợi. Chưa kể, vàng miếng nhập khẩu còn phải cộng thêm thuế, các loại phí …", ông Huân nói thêm.

Vàng trong nước cao hơn 1 - 2 triệu đồng/lượng là phù hợp

Vậy vàng trong nước cao hơn thế giới bao nhiêu là phù hợp? PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng giá vàng trong nước nên bằng với giá vàng thế giới quy đổi (đã cộng thêm thuế, phí) hoặc chỉ hơn khoảng 1 - 2 triệu đồng/lượng. Còn để chênh lệch quá mức này sẽ tạo ra những bất cập và thất bại thị trường. Bởi về nguyên tắc, nơi nào có chênh lệch giá sẽ dẫn đến đầu cơ…

"Nguồn cung càng hiếm, mọi người càng khao khát có được vàng, dùng mọi nguồn lực để tìm kiếm vàng, thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Người dân đổ xô tích trữ, mua bán vàng sẽ khiến nền kinh tế đóng băng, không có hoạt động kinh doanh sản xuất", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cảnh báo.

Biến động vàng ngày 12.1: Giá vàng miếng SJC đột ngột tăng, chênh lệch mua-bán đang bất thường

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, cũng cho rằng khoảng cách giá trong nước cao hơn thế giới từ 1 - 2 triệu đồng/lượng (sau khi trừ đi thuế, phí) là có thể chấp nhận được. Thế nhưng, ông Trọng lại lo ngại nếu giá vàng được kéo xuống thấp sẽ kích thích nhu cầu mua trong dân, việc nhập vàng ảnh hưởng tỷ giá.

Theo ông, để không xuất ngoại tệ nhập vàng về, nhà điều hành có thể mua nguồn nguyên liệu vàng trong nước để sản xuất vàng miếng cung ứng ra thị trường. Quy mô thị trường hiện nay nhỏ hơn trước đây rất nhiều nên chỉ cần lượng nhỏ, giá trong nước có thể sẽ giảm mạnh, rút ngắn khoảng cách so với giá thế giới. Khi có sự can thiệp nguồn cung từ nhà nước dẫn đến giá xuống, nhiều người mua trước đây chốt lời, nguồn cung cũng vì thế tăng lên. Việc bán can thiệp thị trường cần diễn ra đầy đặn mới kéo giá xuống sát thế giới, nếu không cũng sẽ xảy ra tình trạng "vênh" ở mức cao.

Đồng tình, PGS-TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, cũng nhấn mạnh: Giá vàng trong nước cần lấy giá vàng thế giới làm chuẩn để điều chỉnh. Hiện nay VN đã thông thương với thế giới, thị trường mở đến mức có tới 16 hiệp định thương mại tự do. Hàng hóa tự do lưu thông, trong khi vàng cũng chỉ là một loại hàng hóa nên không có lý do gì lại không thể ngang với giá vàng thế giới. Thẳng thắn nhận định VN hiện nay thực chất chưa có thị trường vàng, ông Võ Đại Lược khẳng định nếu để tự do mua bán thì sẽ không có sự chênh lệch lớn như vậy giữa giá vàng trong nước và thế giới.

"Giá vàng bất ổn như vậy, nguyên nhân lớn nhất là độc quyền. Độc quyền thì đương nhiên dẫn đến giá cả độc quyền. Điều chỉnh giá vàng đều nhằm lợi ích cho 1 công ty quyết định, không theo diễn biến của thị trường. Thị trường là phải có nhiều người mua, nhiều người bán. Trên thế giới không có nước nào thi hành chính sách có 1 đơn vị nhập và sản xuất vàng miếng như VN", vị này nêu quan điểm.

Đã đến lúc xóa bỏ độc quyền vàng miếng

Ông Đinh Nho Bảng nhận định: Hơn 10 năm qua, NHNN không nhập vàng và người dân cũng không sử dụng vàng vào mục đích thanh toán như trước. Vì thế, biến động giá vàng không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá. Do đó, có quan điểm cho rằng nếu nhập vàng để tăng cung, can thiệp thị trường, bình ổn giá nhưng chi ngoại tệ, lượng vàng trong dân tăng lên, không thể biến vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

"Các vấn đề trên cần được cơ quan chức năng cân nhắc khi đánh giá lại Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Nhưng NHNN là đơn vị sản xuất vàng miếng, công ty SJC chỉ được phép gia công khi có sự đồng ý từ NHNN. Quan điểm của tôi là nên bỏ độc quyền vàng miếng, xem vàng như hàng hóa. Đồng thời phải để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới mới giúp khoảng cách chênh lệch được rút ngắn. Giá vàng miếng hay nữ trang cao hơn 2 - 3 triệu đồng/lượng so với thế giới là hợp lý", ông Bảng nêu quan điểm.

Chỉ cần thêm vài đơn vị tham gia thì rõ ràng tính cạnh tranh của thị trường sẽ tăng lên và nguồn cung cũng tăng. Khi đó, giá vàng sẽ được đưa về với giá trị thực của nó. Bình ổn thị trường vàng là cần thiết theo cách cho nhiều người chơi. Đó mới là thị trường mang tính bền vững, lâu dài.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân

Theo dữ liệu của trang CEIC, dự trữ vàng của VN vào khoảng 649,45 triệu USD tính đến tháng 10.2023, tăng 42,08 triệu USD so với tháng 9. Trung bình từ tháng 1.1995 - 10.2023, dự trữ vàng VN đạt 348,215 triệu USD. Mức cao nhất mọi thời đại là 649,450 triệu USD vào tháng 10.2023 và mức thấp kỷ lục là 34,79 triệu USD vào tháng 1.1995. Như vậy, với mức gần 650 triệu USD, lượng vàng dự trữ vào khoảng 9 - 11 tấn.

Bao giờ vàng giảm giá?- Ảnh 2.

Để đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới, PGS-TSKH Võ Đại Lược đề xuất xây dựng cơ chế mua/bán vàng "mở" với nhiều người bán, nhiều nguồn cung. Cho phép nhiều đơn vị tham gia nhập khẩu, sản xuất vàng miếng và có thể xây dựng sàn giao dịch vàng để người dân được tự do mua/bán vàng một cách minh bạch, cạnh tranh. Sàn giao dịch vàng cũng tương tự như sàn giao dịch bất động sản hay chứng khoán, phải hoạt động theo cơ chế, chính sách quản lý rõ ràng, minh bạch và theo thông lệ quốc tế, được xây dựng dựa trên kinh nghiệm mà các nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc… đang quản lý thị trường vàng.

"Quan hệ thị trường thật sự mới điều tiết được nguồn cung cũng như giá cả của hàng hóa. Vàng quan trọng nhưng bản chất cũng chỉ là một loại hàng hóa, lại không phải hàng hóa thiết yếu. Cần cơ chế để xây dựng một thị trường vàng thực sự, xóa bỏ độc quyền, cho cạnh tranh, minh bạch để bình ổn mặt hàng này", ông Võ Đại Lược nói.

Ghi nhận sự kịp thời và nỗ lực "hạ nhiệt" thị trường vàng VN giai đoạn vừa qua của Chính phủ và NHNN, song, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng quyết tâm phải được cụ thể hóa bằng những chính sách rõ ràng. Động thái cụ thể ở đây, đầu tiên phải là tăng nguồn cung. Về lý thuyết, NHNN sẽ phải nhập khẩu vàng về để dập thêm vàng SJC. Tuy nhiên, việc nhập khẩu vàng sẽ dẫn đến nguy cơ giảm ngoại tệ, hao tổn ngoại tệ. 

Trong khi đó, vàng trong nước vẫn còn dồi dào, hoàn toàn có thể "gom" vàng nhẫn, vàng trang sức và thêm nguyên liệu để dập thành vàng SJC. Nhưng NHNN lại không có chức năng thu mua vàng trôi nổi trong người dân. Do đó, Chính phủ có thể cho cơ chế để NHNN có thể mua vàng nguyên liệu từ các đơn vị sản xuất kinh doanh vàng khác, tận dụng lượng cung của vàng nhẫn rất lớn trong nội địa để dập thành vàng miếng. Khi đó, giá vàng miếng sẽ giảm, vừa giải quyết được phần nào khan hiếm nguồn cung của vàng SJC, vừa không lo ngại việc vàng hóa cũng như ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Về lâu dài, TS Nguyễn Hữu Huân kiến nghị nhanh chóng phá thế độc quyền nhập vàng, sản xuất vàng miếng của SJC bằng cách cho phép các đơn vị khác tham gia vào thị trường vàng miếng. Bối cảnh kinh tế VN hiện nay đã đủ điều kiện "mở cuộc chơi" với vàng. Vàng không phải sản phẩm thiết yếu nên cần trả lại tính kinh tế thị trường cho vàng. Độc quyền không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế cũng như cho Chính phủ.

"Quan trọng là khâu quản lý. Mở sân chơi cho nhiều "anh" nhưng không phải "anh" nào cũng được phép chơi. Chỉ những đơn vị lớn, tổ chức lớn mới được tham gia vào thị trường vàng miếng. Các tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ chỉ giữ chức năng phân phối, không được sản xuất", ông Huân nhấn mạnh.

Thị trường đang chờ đợi Nghị định 24 được sửa đổi để kéo giá vàng xuống tiệm cận với giá vàng thế giới như chỉ đạo của Chính phủ và cũng như quan điểm của lãnh đạo NHNN "không chấp nhận giá vàng quá cao".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.