Năm 2021, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (viết tắt Công ty Nhựa Tiền Phong - PV) có trụ sở chính tại số 2 An Đà, P.Lạch Tray, Q.Ngô Quyền (Hải Phòng) bị UBND Q.Dương Kinh (Hải Phòng) ra quyết định xử phạt 80 triệu đồng, buộc tháo dỡ đối với 2 công trình xây dựng không phép có quy mô gần 9.000 m2 tại thửa đất số 01 có diện tích 40.924,2 m2, tờ bản đồ số 05-2014, P.Hưng Đạo; nếu sau 60 ngày tính từ ngày ra quyết định xử phạt, doanh nghiệp không hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, đến nay, Công ty Nhựa Tiền Phong không bổ sung được giấy phép xây dựng và không tự giác tháo dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm nói trên; còn UBND P.Hưng Đạo chỉ ban hành nhiều văn bản kêu gọi, đôn đốc đơn vị vi phạm chấp hành nội dung trong quyết định xử phạt và... than khó.
Để làm rõ nội dung trên, phóng viên Báo Thanh Niên đã nhiều lần làm việc với UBND Q.Dương Kinh và UBND P.Hưng Đạo nhưng chưa nhận được câu trả lời cho câu hỏi vì sao đến thời điểm này nhà chức trách chưa tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng không phép của Công ty Nhựa Tiền Phong theo như Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1636 ngày 16.11.2021 của chính UBND Q.Dương Kinh ban hành.
Quận "đổ" cho phường, phường "đổ" cho... doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên ngày 21.3, ông Vũ Văn Phương, Chủ tịch UBND Q.Dương Kinh, cho biết cơ quan này đã nhiều lần ra văn bản đề nghị UBND P.Hưng Đạo đôn đốc Công ty Nhựa Tiền Phong tự tháo dỡ công trình vi phạm; đồng thời yêu cầu UBND P.Hưng Đạo lên phương án cưỡng chế nếu doanh nghiệp không chấp hành. Ông Phương cũng xác nhận chưa thấy P.Hưng Đạo báo cáo phương án và đề nghị phóng viên liên hệ với phường để tìm hiểu rõ thông tin.
Ngày 3.4, UBND P.Hưng Đạo đã gửi văn bản số 128 mời đại diện lãnh đạo Công ty Nhựa Tiền Phong có mặt tại trụ sở phường vào 15 giờ ngày 5.4 để làm việc về nội dung báo chí quan tâm. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND P.Hưng Đạo Vũ Kim Quang cho biết, doanh nghiệp này không đến làm việc theo lịch hẹn, đổi lại họ cáo bận và hẹn sẽ cử người ra làm việc với chính quyền vào ngày 9.4.
Ngày 9.4, Công ty Nhựa Tiền Phong cử một cán bộ là Trưởng phòng Xây dựng của công ty đến làm việc với UBND P.Hưng Đạo nhưng không đạt kết quả, công trình vi phạm vẫn tồn tại.
Ngày 10.4, trở lại UBND P.Hưng Đạo làm việc, phóng viên đã đề cập đến trách nhiệm, vai trò của chính quyền phường trong việc thực hiện nội dung văn bản chỉ đạo của UBND Q.Dương Kinh đối với công trình xây dựng không phép của Công ty Nhựa Tiền Phong. Phó chủ tịch UBND P.Hưng Đạo Hoàng Văn Thái cho biết, sau khi hết thời gian cho phép theo quyết định xử phạt của UBND Q.Dương Kinh, địa phương đôn đốc doanh nghiệp tự giác tháo dỡ không thành, đã xây dựng phương án cưỡng chế nhưng... chưa gửi phương án lên quận để báo cáo.
"Không phải chúng tôi thiếu trách nhiệm hay buông lỏng quản lý. Khi phát hiện họ xây dựng sai, địa phương đã thiết lập biên bản vi phạm. Nhưng với sự việc của doanh nghiệp Nhựa Tiền Phong, chúng tôi là cấp phường, thực tình khó xử lý. Họ xây dựng nhà máy theo quy hoạch chi tiết đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đất được Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2020. Vị trí xây nhà xưởng đúng theo quy hoạch. Họ xây dựng khi chưa có giấy phép là sai và họ đã chấp hành nộp phạt và hoàn thiện hồ sơ để xin cấp giấy phép nhưng vì quy hoạch chồng chéo nên hồ sơ không được giải quyết", ông Thái chia sẻ.
Theo UBND P.Hưng Đạo, trước đó, từ ngày 4.11.2021, phường này đã lập 2 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng mang số 15, 16 đối với Công ty Nhựa Tiền Phong. Trong đó, một biên bản vi phạm cho công trình nhà chứa rác rộng khoảng 200 m2 và một biên bản vi phạm cho công trình nhà xưởng sản xuất có diện tích hơn 8.500 m2. Cả 2 công trình xây dựng không phép đều là nhà cấp 4, nằm ở khu đất rộng hơn 4 ha, được Sở TN-MT Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CX 578307 cho Công ty Nhựa Tiền Phong, có thời gian sử dụng 37 năm (từ 2020 đến 2057).
Ngày 16.11.2021, UBND Q.Dương Kinh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1636/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Nhựa Tiền Phong. Theo đó, Công ty Nhựa Tiền Phong bị áp dụng hình thức xử phạt tổng cộng 80 triệu đồng cho 2 công trình xây dựng không phép.
Ngoài phạt tiền, quyết định còn nêu rõ: "Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật cho Công ty Nhựa Tiền Phong phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, ông Dũng không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng thì bị áp dụng các biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định".
Theo đó, nếu quá thời hạn mà Công ty Nhựa Tiền Phong không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp đề xuất cho tồn tại công trình vi phạm
Sau gần 1 năm trôi qua kể từ ngày UBND Q.Dương Kinh ra quyết định xử phạt cũng như tiếp nhận nhiều văn bản đôn đốc từ UBND P.Hưng Đạo, đến ngày 8.7.2022, ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong, mới chính thức có văn bản gửi cơ quan chức năng.
Theo nội dung văn bản ông Phương trình bày, do các điều kiện chủ quan và khách quan đã dẫn tới việc Công ty Nhựa Tiền Phong đầu tư xây dựng nhà xưởng khi chưa được cấp phép xây dựng và hoàn thành công trình vào giữa tháng 11.2021.
Sau khi chấp hành nộp phạt theo quyết định xử phạt của UBND Q.Dương Kinh, doanh nghiệp đã tích cực chuẩn bị tài liệu theo hướng dẫn của UBND quận, phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước nhằm hoàn thiện hồ sơ đáp ứng thủ tục xin cấp phép xây dựng theo yêu cầu trong thời gian sớm nhất…, nhưng đã gặp nhiều khó khăn nên một số thủ tục còn thiếu.
Một trong những vướng mắc chính khiến hồ sơ xin bổ sung cấp giấy phép xây dựng không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, theo ông Chu Văn Phương là theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/Qđ-TTg ngày 16.9.2009, đã xác định khu đất mà doanh nghiệp này được thành phố cho thuê để xây dựng nhà xưởng được quy hoạch là "đất ở mới".
Trong văn bản, ông Phương đề xuất thành phố cho tồn tại, giữ nguyên hiện trạng các công trình đã xây dựng; đồng thời doanh nghiệp không có yêu cầu đền bù giải phóng mặt bằng phần vật kiến trúc xây dựng trên đất khi thành phố sử dụng đất theo quy hoạch mới và có chủ trương thu hồi đất... Nhưng đề xuất này của ông Phương đã không được cơ quan có thẩm quyền của TP.Hải Phòng đồng ý bằng văn bản.
Doanh nghiệp không tháo dỡ, chính quyền chỉ ra văn bản đốc thúc
Được biết, trong thời gian từ ngày 10.2 - 9.9.2022, UBND P.Hưng Đạo ban hành tổng cộng 5 văn bản đốc thúc Công ty Nhựa Tiền Phong nghiêm túc thực hiện và báo cáo giải trình làm rõ nội dung vì sao chưa khắc phục hậu quả.
Cạnh đó, UBND Q.Dương Kinh cũng ban hành nhiều văn bản gửi UBND P.Hưng Đạo đôn đốc doanh nghiệp khắc phục hậu quả công trình vi phạm; đồng thời yêu cầu UBND P.Hưng Đạo xây dựng phương án cưỡng chế phá dỡ và tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm nói trên.
Thậm chí, sau văn bản của Công ty Nhựa Tiền Phong xin đề xuất cho tồn tại công trình vi phạm, ngày 12.7.2022, UBND Q.Dương Kinh đã ra văn bản số 124 thông báo yêu cầu Công ty Nhựa Tiền Phong phải thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo. Nếu hết thời hạn này, Công ty Nhựa Tiền Phong không thực hiện thì bị cưỡng chế thi hành…
Ngày 31.12.2023, UBND Q.Dương Kinh tiếp tục ra văn bản số 3334/UBND-QTĐT yêu cầu UBND P.Hưng Đạo thực hiện nội dung các văn bản đã chỉ đạo của UBND quận, xây dựng phương án cưỡng chế phá dỡ và tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm theo quy định, báo cáo kết quả xử lý công trình vi phạm về UBND quận...
Tuy nhiên, các chỉ đạo đều rơi vào im lặng. Phía chính quyền sở tại cũng chưa có phương án xử lý dứt điểm, ngoài việc ra văn bản đôn đốc doanh nghiệp tự khắc phục. Công ty Nhựa Tiền Phong vẫn không thực hiện, ngoài việc nộp số tiền phạt, 2 công trình xây dựng vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại...
Bình luận (0)