Trong bất cứ xã hội nào, trẻ em luôn là nhóm cư dân cần sự chăm sóc đặc biệt. Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Tuy vậy, cái “thế giới ngày mai” đó có thể bị hủy hoại ngay từ hôm nay bởi nạn bạo hành.
Trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Linh Xuân sau khi xảy ra vụ việc - Ảnh: Ngọc Lê
|
Vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM) mới đây khiến người ta thêm lo lắng và bi quan nhiều hơn. Bạo hành trẻ em vẫn âm thầm tiếp diễn ở nhiều môi trường và nhiều đối tượng trẻ khác nhau. Điều đáng nói là nó diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang có những cam kết mạnh mẽ với Liên Hiệp Quốc về việc thực thi quyền trẻ em
Tôi cho rằng trong xã hội hiện đại, việc sử dụng bạo lực đối với người khác là một cách thức giải quyết vấn đề yếu kém. Và sẽ càng tệ hại hơn nữa nếu như người ta sử dụng nó đối với trẻ em, những công dân ngây thơ và hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Và sẽ là khủng khiếp nếu như người ta sử dụng nó đối với những trẻ em có H (tôi xin phép không sử dụng cụm từ “nhiễm HIV” vì không muốn khắc sâu thêm nỗi đau mà các em đang phải gánh lấy).
Về mặt đặc điểm, tôi nhận thấy vụ việc xảy ra tại trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Linh Xuân lần này nhắc nhở chúng ta đến một vụ bạo hành trẻ em khác cũng diễn ra tại quận Thủ Đức cách đây hơn một năm. Đó là vụ bạo hành trẻ em diễn ra tại Trường mầm non tư thục Phương Anh. Mặt dù có một khoảng cách về mặt thời gian, hai vụ bạo hành trẻ em trên có nhiều điểm giống nhau đến lạ.
Thứ nhất, cả hai vụ bạo hành này đều do các cô bảo mẫu gây ra. Họ là những người được giao chức năng nuôi dưỡng trẻ chứ không phải đánh trẻ.
Thứ hai, các bảo mẫu trong cả hai vụ việc trên điều sử dụng tất cả những công cụ “gây án” từ tay, chân, cây, gậy, lu nước… và điểm đến là thân thể trẻ để chứng tỏ “uy quyền” của mình.
Thứ ba, cả hai vụ việc trên đều do truyền thông đại chúng phát hiện.
Chỉ có một điểm khác biệt là những cô giáo bạo hành trẻ em trong vụ việc tại Linh Xuân có tuổi đời lớn hơn so với những cô giáo tại Trường mầm non Phương Anh. Nó cho thấy rằng bạo hành trẻ em có thể diễn ra ở bất cứ môi trường nào và người thực hiện hành vi bạo hành nằm ở nhiều nhóm tuổi khác nhau.
Đối với trẻ em bình thường, gia đình sẽ là thành trì vững chắc nhất trong việc bảo vệ và chữa trị những sang chấn tâm lý khi trẻ bị bạo hành. Vậy với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em có H, trẻ mồ côi, hoặc bị mắc các chứng bệnh về não như trong trường hợp này thì ai sẽ là người bảo vệ cho các em?
Điều 20 trong Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 đã quy định trách nhiệm này thuộc về nhà nước. Tất nhiên, những người trực tiếp có hành vi bạo hành với trẻ em rồi sẽ bị pháp luật trừng trị. Rồi đây, sẽ có những giọt nước mắt ăn năn, kể cả những lời xin lỗi. Nhưng cái mà người dân mong đợi không chỉ dừng lại ở đó. Đằng sau các bản án được tuyên là những giải pháp nào sẽ được các cơ quan thực thi luật pháp triển khai và hiệu quả ra sao? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những vụ việc này?
Còn đối với những người đang trực tiếp nuôi dạy trẻ, điều tôi muốn nói lúc này là: trẻ em là những cá nhân có toàn quyền độc lập về mặt thân thể. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Do đó, chúng ta không được phép nhân danh bất cứ một điều gì để gây tổn thương về mặt thể xác và tinh thần cho các em.
Mặt khác, cũng cần thấy rằng chăm sóc trẻ em là một công việc cực nhọc và không hề đơn giản. Nó đòi hỏi những người chăm sóc ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có cái tâm và tinh thần trách nhiệm. Điều này càng cần thiết hơn nữa trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cuộc đời của các em vốn đã chịu nhiều thiệt thòi khi sinh ra, vì thế, chúng ta đừng nên cứa sâu thêm những vết hằn tâm lý trong tâm trí non nớt của các em.
Bởi đơn giản, mọi trẻ em điều là những thiên thần!
Bình luận (0)