Bảo hiểm xe máy: Thu hàng trăm tỉ, chi bồi thường vài chục tỉ

22/10/2024 20:02 GMT+7

Theo luật sư Nguyễn Thu Thảo (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), với bảo hiểm xe máy, cần thiết lập đường dây nóng để nắm bắt bất cập, có cơ chế xử lý nghiêm với doanh nghiệp từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Sẽ giám sát  chặt chẽ việc tuân thủ các quy định

Mới đây, Bộ Tài chính có thông tin phản hồi kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc mua bảo hiểm xe máy nên là hình thức tự nguyện, không nên bắt buộc người dân.

Cụ thể, cử tri TP.HCM cho rằng, bảo hiểm xe máy vẫn là giấy tờ bắt buộc người dân tham gia giao thông bằng xe máy cần có, nhưng hiện nay nhiều người mua chỉ để đối phó lực lượng cảnh sát giao thông thay vì quan tâm đến quyền lợi. Theo đó, cử tri TP.HCM kiến nghị điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm xe máy nên là hình thức tự nguyện, không nên bắt buộc người dân.

Bảo hiểm xe máy: Thu hàng trăm tỉ, chi bồi thường vài chục tỉ- Ảnh 1.

Tính đến ngày 30.6, tổng doanh thu từ phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431 tỉ đồng; số tiền bồi thường thực tế mà các đơn vị bảo hiểm đã chi là 41,9 tỉ đồng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Theo Bộ Tài chính, luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023 quy định bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc.

Ngày 6.9.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2023 về bảo hiểm bắt buộc, trong đó có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, trên giấy chứng nhận bảo hiểm phải bao gồm nội dung tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, quy định về trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm...

Bộ Tài chính khẳng định, thời gian tới sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định này để đảm bảo mục tiêu của chế độ bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách trong trường hợp cần thiết.

Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu tính từ đầu năm đến ngày 30.6, do các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy là 431,7 tỉ đồng. Các đơn vị đã chi bồi thường là 41,9 tỉ đồng.

Các khoản chi trên chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng... cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh trong tương lai.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 24.10: Điều kiện bán điện mặt trời dư | Bảo hiểm xe máy còn nhiều bất cập

Nên lập đường dây nóng nắm bất cập về bảo hiểm xe máy

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thu Thảo (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), phân tích bản chất bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là chủ xe cơ giới nộp một khoản tiền phí bảo hiểm để các doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ các rủi ro trong trường hợp có các tai nạn phát sinh.

"Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có thể tuân thủ đầy đủ các quy định, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực sự là một biện pháp bảo vệ cần thiết, hiệu quả, giảm thiểu những thiệt hại có thể phát sinh do sự cố, tai nạn mà chủ xe cơ giới có thể gặp phải trong quá trình lưu thông trên đường", bà Thảo đánh giá.

Dù vậy, vị luật sư chỉ ra, hiện nay có rất nhiều quan điểm rằng việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ mang tính hình thức, đối phó khi cơ quan công an kiểm tra.

Nguyên nhân của việc này có thể xuất phát từ nhiều phía. Ví dụ, với các doanh nghiệp bảo hiểm, do đây là bảo hiểm bắt buộc, tất cả các chủ xe cơ giới đều có trách nhiệm phải mua nên chất lượng phục vụ khách hàng của các công ty bảo hiểm cũng không ảnh hưởng đến doanh số của doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến loại bảo hiểm này.

Cạnh đó, chủ xe cơ giới có thể mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới tại các tiệm tạp hóa, quán nhỏ ven đường nên bản thân người bán cũng không có đủ chuyên môn để tư vấn cho người mua bảo hiểm về quyền và các lợi ích hợp pháp của mình khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

"Ngoài ra, bản thân chủ xe cơ giới cũng không thực sự tin tưởng vào việc mình có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trong trường hợp có sự kiện bảo hiểm xảy ra, từ đó có thể không để ý về giới hạn thời gian cần thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về sự kiện bảo hiểm và yêu cầu bồi thường", bà Thảo nói.

Để tạo niềm tin của người dân vào bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và tiếp tục duy trì loại bảo hiểm này như một bảo hiểm bắt buộc, theo bà Thảo, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có cơ chế sát sao, kịp thời, khẩn trương hỗ trợ, giải quyết quyền lợi cho chủ xe cơ giới khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần lập đường dây nóng để các chủ xe cơ giới có thể kịp thời phản ánh về việc các doanh nghiệp bảo hiểm từ chối hoặc trì hoãn giải quyết quyền lợi bảo hiểm; có cơ chế xử lý nghiêm khắc, rõ ràng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm bị phản ánh.

"Có như vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mới thực sự phát huy tác dụng, góp phần tạo sự yên tâm nhất định cho chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông", bà Thảo nhấn mạnh.

Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới là sản phẩm rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phải có quy trình rõ ràng, giải pháp, cơ chế giám sát việc xử lý bồi thường một cách rốt ráo, nhanh gọn, giúp người dân tin tưởng…

Nghị định số 67/2023 nêu quy định rõ ràng về trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cụ thể, khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ phải hướng dẫn chủ xe hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường; trong vòng 24 giờ tổ chức giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của chủ xe về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, kể cả trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.