Bảo hiểm y tế chi trả hơn 4.000 tỉ đồng/năm cho chạy thận nhân tạo

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/09/2024 16:58 GMT+7

Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.

Ngày 21.9, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, AstraZeneca Việt Nam và Sở Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ TP.Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng triển khai chương trình "Careme - Yêu lấy mình, tầm soát bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa" với sự tham gia của hơn 1.000 người dân trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Theo báo cáo của ban tổ chức, ngoài bệnh tim mạch, nguyên nhân gây tử vong chính trên thế giới, bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Bảo hiểm y tế chi trả hơn 4.000 tỉ đồng/năm cho chạy thận nhân tạo- Ảnh 1.

Người dân được bác sĩ thăm khám trong chương trình

ẢNH: HOÀNG SƠN

Tử vong do bệnh thận mạn đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.

Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỉ đồng. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, giúp giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Bảo hiểm y tế chi trả hơn 4.000 tỉ đồng/năm cho chạy thận nhân tạo- Ảnh 2.

Đại diện T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng quà cho bệnh nhân nghèo

ẢNH: HOÀNG SƠN

Tại chương trình, hơn 1.000 người dân đã được khám và xét nghiệm tầm soát miễn phí. Các bác sĩ đã kiểm tra sức khỏe, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến bệnh tim mạch và thận mạn cũng như tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống… cho người dân.

Ban tổ chức cũng trao tặng 10 phần quà cho các bệnh nhân, bệnh nhi nghèo; thăm hỏi và trao quà Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn. Dịp này, Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao tặng thiết bị khám chữa bệnh công nghệ cao cho Bệnh viện Đà Nẵng, gồm 1 màn hình telehealth di động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi.

Bảo hiểm y tế chi trả hơn 4.000 tỉ đồng/năm cho chạy thận nhân tạo- Ảnh 3.

Lãnh đạo T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng lãnh đạo ngành y tế Đà Nẵng thăm hỏi người dân đến khám sức khỏe

ẢNH: HOÀNG SƠN

TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình đổi mới sáng tạo như chương trình chuyển đổi số vì sức khỏe phổi và Careme - Yêu lấy mình, lấy nền tảng là công nghệ ứng dụng trong sàng lọc bệnh, tầm soát bệnh và hỗ trợ điều trị.

"Sau cơn bão số 3 với nhiều hậu quả nặng nề, các chương trình khám cộng đồng thời gian tới sẽ đi sâu vào phục hồi sau thiên tai, chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao năng lực y tế cơ sở với ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số", ông Hà Anh Đức chia sẻ.

Chương trình "Careme - Yêu lấy mình, tầm soát bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa" là sáng kiến do T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và AstraZeneca xây dựng, nhằm giới thiệu và nhân rộng các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ phát hiện chẩn đoán sớm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.