Bão không ảnh hưởng trực tiếp, vì sao Nam bộ mưa lớn?

Chí Nhân
Chí Nhân
05/09/2024 05:47 GMT+7

Chiều qua 4.9, TP.HCM và nhiều tỉnh phía nam hứng mưa lớn, có lúc rất lớn. Sau tháng 8 thời tiết khô hạn thì vừa bước sang tháng 9, mưa to xuất hiện trên khắp cả nước và dự báo kéo dài cả tháng, lượng mưa phổ biến nhiều nơi cao hơn trung bình nhiều năm đến 20 - 30%.

Tác động của bão số 3

Chiều 4.9, tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành Nam bộ xuất hiện mưa to kéo dài. Dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 nhưng đây được xem là tác động của cơn bão này đối với khu vực Nam bộ. Chuyên gia khí tượng - thủy văn, Th.S Lê Thị Xuân Lan giải thích: Đặc trưng của mùa mưa ở Nam bộ phụ thuộc vào cường độ của gió mùa tây nam. Cơn bão số 3 ở phía bắc Biển Đông góp phần hút gió, khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh hơn và gây mưa trên diện rộng ở Nam bộ.

Chính vì vậy, thường mỗi khi xuất hiện bão trên Biển Đông là Nam bộ xuất hiện mưa diện rộng và mưa to nhiều nơi. Sau những ngày nắng nóng, mưa xuất hiện thường kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan nên bà con cần hết sức chú ý phòng tránh các hiện tượng giông, sét, gió giật mạnh. Khoảng tháng 9 - 10 cũng là cao điểm mùa mưa bão. Giai đoạn đầu bão sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc và sau đó là khu vực miền Trung. Giai đoạn cuối năm vào tháng 11 - 12, khả năng bão sẽ vào khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ.

Bão không ảnh hưởng trực tiếp, vì sao Nam bộ mưa lớn?- Ảnh 1.

Tháng 9 mưa xuất hiện thường xuyên, tổng lượng mưa lớn hơn cùng kỳ nhiều năm

ẢNH: Cao An Biên

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính và có khả năng chuyển sang La Nina (pha lạnh, mưa nhiều) trong khoảng cuối tháng 9 với xác suất từ 60 - 70%. Trong tháng 9, có khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông gây thời tiết nguy hiểm và sóng to, gió lớn. Trên đất liền cần đề phòng những đợt mưa diện rộng, mưa to kéo dài 5 - 7 ngày liên tiếp. Cần đề phòng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, sét… gây nguy hiểm cho người và tài sản.

Các mô hình dự báo đều cho kết quả lượng mưa trung bình trong tháng 9 xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, trong 10 ngày đầu tháng 9, khu vực Nam bộ chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua miền Trung và bão trên khu vực bắc Biển Đông nên hầu hết các ngày trong giai đoạn này đều có mưa, có nơi mưa to đến rất to và giông. Mưa giông tập trung chủ yếu vào chiều tối và đêm, buổi sáng có nắng. Tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu phổ biến từ 70 - 200 mm. Trong 20 ngày giữa tháng 9, gió mùa tây nam tiếp tục hoạt động mạnh nên thời tiết khu vực phổ biến có mưa, có nơi mưa to đến rất to từ trưa đến chiều tối. Tổng lượng mưa trong 10 ngày giữa tháng 9 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 70 - 180 mm.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự báo trong tháng 9, tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 20 - 30%.

Bão số 3 (bão YAGI) mạnh cấp 15, mắt bão đã rõ rệt

Tháng 8 nắng nóng lịch sử, mưa giảm mạnh

Tháng 8 vừa qua là giữa mùa mưa ở Nam bộ song khác với những năm trước, năm nay khu vực này ghi nhận mưa ít, nắng nóng bất thường. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,8 - 1,6 độ C. Nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C xuất hiện diện rộng và kéo dài nhiều ngày ở một số nơi; cụ thể tại Biên Hòa (Đồng Nai) có đến 16 ngày, Tân Sơn Hòa (TP.HCM) có 14 ngày và Đồng Xoài (Bình Phước) 10 ngày. Đáng chú ý nhất là tại Biên Hòa vào ngày 10.8, nắng nóng gay gắt đến 36,1 độ C. Cùng với nắng nóng lịch sử, trong tháng 8 cũng ghi nhận lượng mưa ít kỷ lục khi có đến 21 - 22 ngày đầu tháng trên khu vực hầu như không có mưa diện rộng, chỉ có mưa vừa và nhỏ trên một số khu vực, cục bộ có mưa to.

Bão không ảnh hưởng trực tiếp, vì sao Nam bộ mưa lớn?- Ảnh 2.

Nam bộ nhiều nơi nắng nóng vượt lịch sử trong tháng 8

NGUỒN: Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ

Trên phạm vi cả nước, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong tháng 8, miền Bắc xuất hiện 3 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng từ ngày 4 - 10.8, từ 16 - 20.8 và từ 27 đến hết tháng 8. Trong đó, đợt nắng nóng đầu tháng 8 tại đồng bằng Bắc bộ xuất hiện nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 38 - 39 độ C. Tại miền Trung, nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng kéo dài nhiều ngày. Cụ thể, khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Bình đã xuất hiện 4 đợt, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên, nắng nóng diện rộng kéo dài hết tháng 8. Trên cả nước có hơn 30 trạm ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử.

Nắng nóng cũng là điều kiện khiến mưa ít, khô hạn tăng. Tổng lượng mưa phổ biến trên khắp cả nước phổ biến thiếu hụt 20 - 40%, có nơi đến 60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Cá biệt khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị lượng mưa thiếu hụt từ 80 - 100%. Chỉ có khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ ghi nhận lượng mưa xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%.

Bão số 3 trở thành siêu bão, ảnh hưởng toàn miền Bắc

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết khoảng 16 giờ ngày 4.9, bão số 3 ở vị trí trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 680 km về phía đông. Bão mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149 km/giờ), giật cấp 16, di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km.

Đến 16 giờ ngày 5.9, bão ở vị trí 19,5 độ vĩ bắc; 114,7 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 400 km về phía đông. Bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, mỗi giờ đi được 15 km. Khoảng 16 giờ ngày 6.9, bão ở vị trí 20 độ vĩ bắc; 111,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam. Bão mạnh cấp 15 - 16 (cấp siêu bão) và di chuyển vào vịnh Bắc bộ.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 16 khi tiến gần đến đảo Hải Nam, sau đó cường độ bão sẽ giảm. Khi vào vịnh Bắc bộ, bão sẽ tăng cấp trở lại nhưng không đạt cấp siêu bão. Khả năng bão vào vịnh Bắc bộ khoảng 70 - 80%, còn lại là khả năng bão đi vào lục địa Trung Quốc.

Dự báo thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng từ tối và đêm 6.9 bão có thể vào vịnh Bắc bộ, từ thời gian này khu vực ven biển và đất liền có gió mạnh, mưa to. Từ chiều và đêm 7 - 8.9 có mưa to. Từ chiều 8.9, gió ở ven biển giảm hẳn, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.

"Cơn bão này có khả năng ảnh hưởng toàn Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Gió mạnh nhất, mưa to nhất là các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình. Do cơn bão di chuyển rất nhanh nên mưa, gió cũng kết thúc nhanh. Lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao, bắt đầu từ tối 6.9", ông Lâm nói.

Trong cuộc họp triển khai ứng phó bão số 3 vào hôm qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Tôi đề nghị các địa phương ngay từ bây giờ chủ động đưa ra các tình huống, kịch bản để hạn chế rủi ro tính mạng, tài sản của người dân, hạ tầng đô thị, nông nghiệp, viễn thông, đê biển, đê sông. Những doanh trại, đồn biên phòng có thể dùng để di dời người dân. Cần cấm biển, cấm hoạt động đông người".

Đinh Huy


Vì sao La Nina xuất hiện muộn hơn dự báo ?

Các dự báo mới nhất cho rằng La Nina sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 với xác suất 60 - 70%. Nếu dự báo này là đúng thì La Nina xuất hiện muộn hơn khoảng 2 tháng so với những dự báo hồi giữa năm cho rằng nó sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 8. Giải thích về hiện tượng này, Th.S Lê Thị Xuân Lan nói: Quá trình hình thành El Nino hoặc La Nina dựa vào hoàn lưu khí quyển trên Thái Bình Dương và nhiệt độ lớp nước bề mặt biển ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương nóng hơn hay lạnh đi bất thường. Sự xuất hiện sớm hay muộn hơn của La Nina so với các dự báo là do tác động của nhiều yếu tố. Trong đó nhiệt độ trái đất tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong tháng 7 và 8 cũng là biểu hiện bất thường của quá trình biến đổi khí hậu. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến quá trình chuyển pha kéo dài và La Nina xuất hiện muộn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.