Bao la tình đất

Nguyễn Thị Mai Trâm
Bà Rịa – Vũng Tàu
21/12/2023 16:00 GMT+7

Trời trở gió, ông nội húng hắng ho, bà nội loay hoay lo cho ông từng viên thuốc, muỗng cháo. Ông luôn tự hào: "Bà nội bây hồi đó là bác sĩ ở quân y viện Lộc An".

Tôi biết, ông nội sắp nhắc lại bến Lộc An (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), một địa danh nổi tiếng, đồng thời cũng là nơi đã lưu giữ một phần thanh xuân của ông bà nội.

Tôi đến bến Lộc An đã nhiều lần, nhưng lần nào cũng đong đầy cảm xúc, điều này cũng thật dễ hiểu vì nơi đó thuộc về quê hương tôi - miền Đất Đỏ!

Bao la tình đất- Ảnh 1.

Cây lê ki ma xanh tốt trong vườn nhà tác giả

TGCC

"Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền Đất Đỏ...". Những câu hát nhẹ nhàng, sâu lắng của bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu bất chợt trào dâng niềm xúc động trong tôi khi trên đường về lại Lộc An, đi ngang quê hương nữ anh hùng Võ Thị Sáu, người đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng vì bình yên xứ sở.

Tháng 11, với chút se lạnh luồn trong tiết trời buổi sớm dường như báo hiệu mùa xuân trở về. Tôi đến bến Lộc An nằm bên cửa sông Ray khi trời còn mờ sương. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cửa biển Lộc An đã nằm trong tuyến giao thông nối liền miền Đông Nam bộ với miền Bắc. Tháng 9.1946, cách cửa Lộc An 5 km về phía bắc, chuyến hàng chở vũ khí của Trung ương chi viện cho tỉnh Bà Rịa đã cập bến an toàn. Từ năm 1952, vùng biển Lộc An là địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn 320 với nhiệm vụ vận chuyển hàng cho chiến trường miền Đông Nam bộ, đây là nơi được lựa chọn làm một trong những địa điểm cập bến của những chuyến tàu không số lừng lẫy một thời. Những chuyến tàu cập bến thành công đã kịp thời bổ sung trang bị cho quân và dân các tỉnh miền Đông Nam bộ, Khu 6 tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những chiến thắng lớn ở Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng.

Thắp nén nhang thành kính lên bia tưởng niệm để tưởng nhớ những chiến công vang dội, oai hùng của các chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa, tôi như có dịp sống lại cùng lịch sử những tháng năm khốc liệt, nghe lại câu chuyện về Đoàn tàu không số - niềm tự hào về vùng đất quê hương. Huyền thoại về con đường Hồ Chí Minh trên biển, trong đó có bến Lộc An mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một thiên anh hùng ca bất tử.

Phía xa xa là cảng cá Lộc An nhộn nhịp, mang sắc màu rực rỡ với nhiều tàu thuyền neo đậu. Vẻ đẹp của cảng cá còn nằm ở nét chân chất, thật thà của người dân miền biển, là không gian cất giữ hy vọng, ước mơ của người dân theo nghề biển.

Bên dòng Lộc An nước xanh lơ ngày ấy, có người lính trẻ nên duyên cùng cô gái giao liên, sau này cô gái ấy trở thành bác sĩ của quân y viện Lộc An. Cũng như bao mối tình thời chiến, họ phải xa nhau một thời gian dài vì mỗi người mang bên mình một nhiệm vụ thiêng liêng: anh lính trẻ lao vào cuộc chiến bảo vệ quê hương, người nữ bác sĩ đêm ngày cứu chữa thương binh và người dân bị bom rơi, đạn lạc.

Rồi ngày họ gặp lại nhau, cũng tại bến Lộc An này, một mái nhà tranh đơn sơ lợp vội, những đứa trẻ lần lượt chào đời - là ba tôi và các cô chú tôi bây giờ. Ông nội làm nghề chài lưới, bà nội vỡ vạc một mảnh đất trồng điều và lê ki ma. Sau này khi rời Lộc An, bà không quên mang theo hạt giống lê ki ma về trồng tại nơi ở mới.

Bao la tình đất- Ảnh 2.

Ngày nhỏ, khi mùa lê ki ma chín, mặt mũi, tay chân tôi lúc nào cũng tèm lem màu vàng của trái

TGCC

Tại nơi ở mới (huyện Long Điền, cũng là một huyện ven biển, "anh em song sinh" với huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), trong vườn nhà, nội thường dọn sạch cỏ để những cây lê ki ma có thể sinh trưởng tốt nhất. Ngày nhỏ, khi mùa lê ki ma chín, mặt mũi, tay chân tôi lúc nào cũng tèm lem màu vàng của trái. Hoa lê ki ma có vỏ cứng như lòng gan dạ, bất khuất của người con gái Đất Đỏ năm nào. Hoa thơm thoang thoảng rất dễ chịu và bay đi rất xa trong gió. Chắc cũng bởi vì cây mọc tự nhiên trên vùng đất đỏ màu mỡ, đón cái nắng gió và tích tụ vào cây để rồi đến đúng thời điểm, từng chùm hoa nở xanh như ngọc, tỏa hương lan mãi giữa bao la.

Ngôi nhà lợp lá trung quân - được nội mang về từ miệt Tây Ninh - nằm lọt thỏm giữa vườn lê ki ma xanh tốt. Mỗi lần nhóm lửa, chị tôi lén xé một ít lá từ vách bếp để làm mồi cho củi dễ cháy, lâu ngày vách bếp mòn vẹt, thủng lỗ chỗ. Ngôi nhà lá trung quân trở thành nơi tụ họp của người dân trong ấp khi bàn bạc công việc chung, giúp đỡ nhau lúc hữu sự. Tình làng nghĩa xóm cứ gắn kết keo sơn như thế. Một chiều giáp tết, nhà nội bị trộm bắt mất đàn gà hơn 20 con, nghe tin ấy, dân trong ấp đã mang đến kẻ con gà, người con vịt biếu nội ăn tết. Từ chối mãi không được, ông nội đành nhận và sai chú tôi mang gà, vịt đi biếu lại những hộ nghèo trong ấp, Nội chỉ giữ lại mỗi thứ một con. Năm đó trong ấp, ai cũng có gà vịt ăn tết.

Ngắm lại mảnh đất nơi mình sinh trưởng, để thấy hết họ hàng, làng xóm, thấy hết những con người chân tình, trượng nghĩa. Chính cái xứ sở "miền Đông gian lao mà anh dũng" đã ngấm sâu vào máu thịt, vào ký ức bao thế hệ về mảnh đất quật cường trong chiến tranh đã tạo nên một sức hút mãnh liệt, để bao con người đủ các vùng miền đã tề tựu về chọn nơi đây an cư lập nghiệp. Chính cái nắng, cái gió xứ biển và lòng người đầy nhiệt huyết rực lên như màu đất đỏ đã tôi luyện nên những con người cần cù, chăm chỉ. Có những đêm nằm mơ giữa chòng chành nhịp sóng, tôi vẫn còn nghe mùi cá, mùi rong rêu, cứ tạt ngang mùi gió biển mằn mặn, trôi qua năm tháng êm đềm. Tôi đã hít thở cái làn hương thân thuộc đó, thì dù đường đời đưa tôi đến chốn nào, cũng không bao giờ quên được. Tình đất, tình người cứ vương vấn trong tôi.

Bao la tình đất- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.