Bạo lực trên mạng xã hội: Lối thoát nào cho những cuộc chiến?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/10/2018 13:30 GMT+7

Bạo lực trên mạng xã hội xảy ra hằng ngày, hằng giờ, gây ra nhiều hệ luỵ. Giải pháp nào cho vấn đề này?

Nhiều bạn trẻ cho biết họ chọn cách đứng ngoài cuộc những vụ tranh luận nảy lửa trên mạng xã hội, vì biết rằng nó sẽ chẳng đi đến đâu và gây mất thời gian cho mình.
Là người sử dụng mạng xã hội thông minh
“Không có sự an toàn, riêng tư trên Facebook hay các ứng dụng mạng xã hội khác. Tôi chọn cách cũng có tài khoản, nhưng để làm nơi đăng hình trồng hoa, chăm sóc hoa, nói chuyện về trồng hoa, không bao giờ đăng ảnh gia đình, bàn chuyện nhạy cảm, đang bàn tán trên mạng xã hội”, anh Hoàng Văn Hồ, 32 tuổi, trú đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Nguyễn Ngọc Trang, 21 tuổi, sinh viên Trường đại học sư phạm TP.HCM, nói cô chấp nhận bị bạn bè nói rằng trang cá nhân nhạt nhẽo, “mốc meo”, cả năm không cập nhật trạng thái, hình ảnh gì: “Tôi thấy nhiều bài viết phân tích sự mất an toàn khi đăng ảnh và nhiều thông tin cá nhân lên Facebook. Tôi vẫn dùng Facebook để liên lạc với bạn bè, tìm kiếm thông tin nhưng hiếm khi bày tỏ quan điểm gì. Tôi thấy điều đó không cần thiết”.
Trong khi đó, Hoàng Quỳnh Hương, 22 tuổi, sinh viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM, cho biết cô dùng Facebook để đăng những trạng thái mang tính chất vui vẻ, giải trí cho mọi người. Cô cũng dùng tài khoản này để liên lạc với các bạn, lập Fanpage cho nhu cầu viết lách giải trí của mình, không bao giờ tham gia "ném đá" hội đồng, miệt thị một cá nhân nào đó dù đó đang là vấn đề nóng, được mọi người quan tâm.
“Tôi không chấp nhận tranh luận bằng cách miệt thị người khác. Nếu anh lập luận có lý, có tình tôi sẽ nể phục. Tôi cũng sẵn sàng hủy kết bạn, chặn (block) ai đó nếu thấy anh ta mất lịch sự, ăn nói vô văn hóa trên mạng xã hội”, Nguyễn Văn Tài, 28 tuổi, thuyết minh phim tự do tại TP.HCM.
Chuyên gia lên tiếng
Tại buổi toạ đàm chủ đề Vì một xã hội không bạo lực diễn ra mới đây tại TP.HCM, các chuyên gia nhận định, bạo lực trên mạng xã hội phát triển cùng với sự bùng nổ thông tin và việc tiếp cận, chia sẻ, bình luận thông tin quá dễ dàng với tất cả mọi người.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng, cho hay trước tiên cần phải xác định: Không coi vấn đề bạo lực trên mạng xã hội là điều bình thường. Không ai có quyền làm nhục người khác, dù ở trên mạng xã hội hay bất cứ đâu. Khi tất cả mọi người đều bài trừ và nói 'không', bạo lực trên mạng xã hội cũng sẽ dần rút lui giống như cách chúng ta bài trừ bạo lực học đường, bạo lực gia đình.
 
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (bìa trái) tại tọa đàm Thúy Hằng
“Chúng ta cần đoàn kết với nạn nhân. Tuy nhiên, không phải đoàn kết theo kiểu cùng đi lăng nhục người đã lăng nhục người khác, như vậy là tất cả đều kéo nhau xuống bùn, khi đó tất cả mọi người đều đã bẩn”, ông Giang nói.
Bà Karen Lanyon, Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, cho biết mới đây tại Úc đã hình sự hóa vấn đề bạo lực trên mạng xã hội sau vụ việc một cô bé 14 tuổi đã tự sát khi bị tấn công, "ném đá" dữ dội trên mạng. Theo đó, việc tấn công người khác trên mạng xã hội ở Úc gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử ít nhất từ 5 năm tù giam.
Bà Marianne Oehlers, Trưởng văn phòng hợp tác chương trình, UNICEF Việt Nam, nhìn nhận ở Việt Nam việc bạo lực trên mạng xã hội xảy ra quá nhiều vì nó được thực hiện quá dễ dàng. Bất cứ ai với một cái điện thoại thông minh, ngồi quán cafe có wifi, đều có thể lên mạng và có thể làm tổn thương người khác. Mỗi người tạo ra một tài khoản ảo, vì thế mà người ta không biết nạn nhân là ai, người đi bắt nạt người khác là ai.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban văn hóa, UNESCO Việt Nam, cho rằng các vấn đề bạo lực có môi trường phát triển khi mà pháp lý còn lỏng lẻo, do đó đặt ra câu chuyện, quyền cần được giới hạn bằng quyền. Bạn có quyền tự do sử dụng mạng xã hội nhưng người khác cũng có quyền được bảo vệ danh dự. Không ai có quyền xúc phạm, làm tổn thương người khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.