Bạo lực trên mạng xã hội: Những cuộc chiến dữ dội từ bàn phím

Thúy Hằng
Thúy Hằng
17/10/2018 08:09 GMT+7

Từ chuyện Tuấn Hưng bị hủy show, có nên xây nhà hát 1.500 tỉ , đến việc Đàm Vĩnh Hưng ký tên vào tranh… điều gì cũng có thể trở thành cuộc chiến trên mạng xã hội. Các chuyên gia cho biết đó là một kiểu bạo lực.

Nếu như trước đây, cụm từ bạo lực học đường, bạo lực gia đình đã quá quen với mọi người thì bây giờ, bạo lực trên mạng xã hội cũng nóng không kém. Nó xảy ra hằng ngày, hằng giờ, trên mỗi ứng dụng như Facebook, Zalo, Instagram và hậu quả nguy hại không kém gì bạo lực ở thế giới thật.
Chia ‘phe’ trên mạng xã hội để chửi bới, miệt thị nhau
Khi một tài khoản ABC đăng một vài dòng trạng thái (Status) về chuyện Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên bằng bút lông lên thẳng bề mặt trước một bức tranh của một họa sĩ có tên tuổi, lập tức ngay phía dưới các bình luận liên tiếp hiện ra. Nhiều người còn dùng các từ ngữ xấu xí để nói về Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên. Mạng xã hội lập tức chia thành hai “phe”. Một nhóm người bảo vệ quan điểm là các nghệ sĩ thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa. Một nhóm người bênh vực các ngôi sao, cho rằng đây là điều đáng tiếc, không đáng để họ bị chửi bới như vậy. Bên cạnh những bình luận thiện chí, ngôn từ nhẹ nhàng, không ít bình luận khiếm nhã, họ tranh luận với nhau và Status của người ABC kia trở thành cái sân để hai bên lời qua tiếng lại.
Cách đây ít ngày, vụ có nên xây nhà hát 1.500 tỉ đồng cũng khiến các cư dân mạng tốn khá nhiều thời gian gõ phím và tranh cãi. Một loạt tài khoản viết các trạng thái phản đối dự án, một số người ủng hộ dự án và thế là, cuộc chiến nổ ra. Những người ủng hộ dự án xây nhà hát 1.500 tỉ, dù với lập luận khá chặt chẽ và là những nghệ sĩ, kiến trúc sư… họ vẫn bị cộng đồng mạng “ném đá” dữ dội.
Trước đó, dư luận cũng không quên vụ tiếng Việt công nghệ giáo dục, những người sử dụng các tài khoản trên mạng xã hội chia thành các ‘phe’, người ủng hộ giáo sư Hồ Ngọc Đại bằng những bài viết thấu tình đạt lý và nhân văn, người chưa hiểu hết về tiếng Việt công nghệ giáo dục lên án dữ dội và nói về giáo sư này bằng những từ ngữ quá thô tục.
Người viết bài này cũng nhớ sự kiện đội tuyển Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018, huấn luyện viên Park Hang-seo là nạn nhân của bạo lực trên mạng xã hội. Dù ông tuyên bố không sử dụng tài khoản nào trên mạng, nhưng người ta vẫn lập ra các nick ảo và miệt thị ông…
Mới đây, theo trào lưu Rich-kids (con nhà giàu) nhiều bạn trẻ khoe hình mặc đồ hiệu trên mạng, không ít những "gạch đá" mà cư dân mạng đã dành cho các bạn vì cho rằng người đăng hình đang ăn chơi xa xỉ, kiêu căng, khoe khoang...
Tranh luận cũng phải… theo trend
“Không thể liệt kê chính xác có bao nhiêu vụ việc là minh chứng cho sự manh động, dễ nổi nóng, dễ bức xúc của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, trên thế giới ảo, bất kể vụ việc gì cũng có thể châm ngòi cho những cuộc chiến bằng bàn phím không đi đến hồi kết. Thường các vụ nóng trên mạng sẽ bám sát tình hình thời sự, ví dụ vừa thi hoa hậu xong, thể nào sáng hôm sau các cuộc tranh luận trên mạng cũng liên quan người vừa giành vương miện”, Nguyễn Đức Anh, 22 tuổi, sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhìn nhận.
Sau những gì viết trên Facebook về nhà hát ở Thủ Thiêm bị cư dân mạng ném đá dữ dội, ca sĩ Mỹ Linh phải trần tình với báo chí NVCC - Ngọc Dương
“Một lần, giữa lúc mọi người trên mạng đang bàn luận sôi nổi về người đẹp, hoa khôi của các cuộc thi đi bán dâm với giá hàng ngàn đô la, tôi lại đăng Status về chuyện tôi sắp đi du lịch, có ai đi cùng không. Bạn tôi nhảy vào bình luận và nói “không theo trend (xu hướng) à, bây giờ phải nói về gái đẹp mại dâm cho nó thời sự”. Nhiều người dùng mạng xã hội không đơn thuần như tôi là giải trí, họ muốn phải câu like, câu bình luận, nên viết gì cũng phải theo xu hướng. Càng vấn đề đang được dư luận quan tâm, càng phải viết những câu thật sốc”, T.K.C, 21 tuổi, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đưa ra ví dụ cụ thể của bản thân.
C. cho rằng việc người sử dụng mạng xã hội viết gì hay tranh luận với nhau là quyền tự do của mỗi người, nhưng cái quan trọng là không xúc phạm danh dự, làm tổn hại đến người khác. “Cần tranh luận văn minh, vì Facebook phản ánh con người bạn. Đồng nghiệp, người thân hoặc sếp của bạn có thể nhìn thấy những gì bạn nói trên thế giới ảo và đánh giá bạn ngoài đời thật”, C. nói.
Khủng hoảng, sợ hãi vì bị đánh hội đồng trên Facebook
Bạo lực trên mạng xã hội gây ra những hậu quả không chỉ riêng ai. Mới đây, nữ ca sĩ Mỹ Linh đã phải trần tình với báo chí rằng những gì cô viết trên mạng xã hội về dự án nhà hát ở Thủ Thiêm bị cắt dán, làm sai lệch thông tin khiến nhiều người hiểu lầm. Cô đã quá mệt mỏi và xóa bài viết.

Nhiều người trẻ từng tranh luận trên mạng xã hội cũng chỉ ra những ảnh hưởng tới cá nhân mình. “Tôi thấy tốn thời gian và mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc của mình. Tôi từng lên tiếng về việc đi vào trung tâm thương mại, bất ngờ chuông cửa kêu, nhân viên an ninh yêu cầu kiểm tra đồ của tôi. Tôi thấy đó là việc rất là bình thường và hợp tác. Thế nhưng tôi nhận được rất nhiều bình luận khiếm nhã của nhiều người tôi không hề quen biết, không hề nói chuyện trước đó. Riêng việc thấy điện thoại rung vì có thông báo mới, đọc và nghĩ về những gì họ viết về mình cũng mất thời gian, gây áp lực, mệt mỏi”, tài khoản V.T.T, sống ở TP.HCM chia sẻ.
Tr.T.N, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Bà Rịa - Vũng Tàu, nói: “Tôi từng buông một lời nhận xét về một nam ca sĩ rằng anh này nhìn không đàn ông lắm và sau đó bị rất nhiều người hâm mộ của anh ta chửi bới, thậm chí họ nhắn tin riêng để chửi khiến tôi phải sợ hãi đóng Facebook một thời gian”.
Trong khi đó, vì viết một câu bình luận ở dưới dòng trạng thái của một đồng nghiệp, ngỏ ý ủng hộ xây nhà hát ở Thủ Thiêm, anh P.V.T (trú Q.2, TP.HCM) bị nhận không ít chỉ trích từ những người xa lạ. Có nhiều người lạ nhắn tin riêng vào Facebook anh này chửi bới anh, nói anh không có trái tim, không biết nghĩ đến người dân không có trường học, bệnh viện chỉ thích hưởng thụ… khiến anh phải xóa đi bình luận mình đã viết…
Mới đây, tại TP.HCM, trong khuôn khổ Ngày văn hóa hòa bình TP.HCM 2018 với chủ đề Vì một xã hội không bạo lực, nhiều cuộc tọa đàm đã diễn ra. Tại đây, các chuyên gia nhận định, bạo lực trên mạng xã hội phát triển cùng với sự bùng nổ thông tin và việc tiếp cận, chia sẻ, bình luận thông tin quá dễ dàng với tất cả mọi người.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nhìn nhận cần phải coi bạo lực trên mạng xã hội là điều không bình thường, cần có những giải pháp cho vấn đề rất nóng này... (Còn tiếp)
Đón đọc Bạo lực trên mạng xã hội: Lối thoát nào cho những cuộc chiến?
Cách nào để xóa bỏ bạo lực trên mạng xã hội, để không ai trở thành nạn nhân của những vụ tranh cãi, miệt thị nhau trên thế giới ảo?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.