“Bảo lưu” quy định thu hồi đất thực hiện dự án kinh tế xã hội

17/04/2013 10:53 GMT+7

(TNO) Thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật Đất đai sửa đổi tại phiên họp sáng nay 17.4, đa số Ủy viên Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất của cơ quan thẩm tra về việc giữ quy định thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội.

>> Cân nhắc kiến nghị không hiến định thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội
>> Khắc phục thu hồi đất tràn lan
>> Luật Đất đai phải giải quyết được những vướng mắc về thu hồi đất
>> Chỉ thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia
>> Quá nhiều kẽ hở trong thu hồi đất

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, sáng nay, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang đã báo cáo TVQH việc tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý về dự luật Đất đai (sửa đổi).

Với nội dung được nhiều người quan tâm là thu hồi đất, Bộ trưởng cho hay có gần 133 nghìn lượt ý kiến góp ý đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án và cũng tương đương chừng đó lượt ý kiến đề nghị không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Về đề nghị không thực hiện thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển KTXH, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường mặc dù ở phần tiếp thu giải trình cho biết cơ quan soạn thảo “xin tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo Luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển KTXH mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”, song vẫn đưa ra 2 phương án để xin ý kiến của Ủy ban TVQH.
 
Theo đó, phương án thứ nhất là giữ như quy định dự thảo hiện hành và phương án thứ 2 là chỉnh lý theo hướng “Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với trường hợp dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng có tính chất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì đưa vào các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị “bảo lưu” quy định của dự thảo về trường hợp thu hồi đất phục vụ các dự án KTXH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc thu hồi đất để thực hiện Chiến lược phát triển KTXH như: các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới… thì Nhà nước phải thực hiện.

“Khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư. Việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KTXH là thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 19 của BCH T.Ư”, ông Giàu lý giải.

Liên quan đến quy định sở hữu toàn dân về đất đai vốn còn nhiều ý kiến khác nhau, cả ban soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra đều đề nghị giữ lại như quy định của dự thảo Luật sửa đổi.

Theo ông Giàu, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được quy định tại Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp 1992. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội.

Dẫn thêm các quy định trong văn kiện ĐH XI của Đảng, Kết luận Hội nghị T.Ư 5 và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Giàu cho hay “thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Sáng nay, Ủy ban TVQH cũng thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự Luật này để trình ra QH tại kỳ họp tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.