(TNO) Sáng 9.9, Tòa án nhân dân quận Long Biên (thành phố Hà Nội) mở lại phiên tòa xét xử vụ án mua bán trẻ em xảy ra ở chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) sau một lần tạm hoãn.
Nguyệt khóc nhận tội - Ảnh: Nam Anh
|
Trước đó, sáng ngày 27.8, Tòa án nhân dân quận Long Biên đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng do sự vắng mặt của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên Tòa tạm hoãn.
Hai bị cáo gồm Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, quê quán ở xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, ngụ ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội), hay còn gọi là bảo mẫu, làm quản lý tại nhà mở của chùa Bồ Đề, bị xét xử về tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
Trước vành móng ngựa, Trang khai nhận làm quản lý khu nhà mở, đã nhận cháu Cù Nguyên Công vào cuối tháng 10.2013. "Khi Nguyệt đặt vấn đề tìm bé trai khỏe mạnh, bị cáo đã nghĩ đến cháu Công. Bị cáo đã làm các thủ tục để chị Hà đưa bé Công ra khỏi chùa và giao cho Nguyệt", bị cáo này khai.
Cũng theo lời khai của Trang, ngày 2.1.2014, sau khi có kết quả xét nghiệm viêm gan B của cháu Công, Nguyệt đã giao 35 triệu đồng cho bị cáo ở ngay quán nước. Còn 5 triệu đồng Nguyệt nói đến Tết sẽ mừng tuổi cho cháu. Khoảng 4 - 5 hôm sau, bị cáo Trang gửi vào tài khoản cho mẹ cháu Công 10 triệu đồng.
Nguyệt (trái) và Trang (phải) trước Tòa
|
“Bị cáo không nghĩ thấu đáo, hơn 400 ngày ở trong trại giam, bị cáo biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật và rất ăn năn”, Trang khai trước Tòa.
Có mặt tại Tòa, chị Hà cho hay khi có bé Công ngoài ý muốn với người yêu đã giấu chuyện với gia đình và không dám thừa nhận là mang con tới gửi nuôi ở chùa Bồ Đề. “Do hoàn cảnh nên thời điểm đó tôi không nuôi được con. Ban đầu muốn gửi bé ở lại chùa một thời gian rồi sẽ đón sau”, chị Hà nói trước Hội đồng xét xử.
Tuy nhiên, sau này khi nghe Trang cho hay có người cần con nuôi, chị Hà đã đồng ý.
Sống cùng lúc với hai người tình để lợi dụng
Trong khi đó, bị cáo Nguyệt lại liên tục khóc, trình bày mục đích nhận nuôi bé Cù Nguyên Công là “từ cái tâm của bị cáo thương yêu trẻ con”. Chủ tọa yêu cầu: “Bị cáo phải khai rõ mục đích nuôi cháu Công”. Bị cáo Nguyệt khai: “Muốn có con trai khoẻ mạnh để nương tựa lúc về già”.
Trong nhiều giờ thẩm vấn, chủ tọa tập trung vào mục đích việc nhận tới 3 đứa trẻ về nuôi, khi bản thân bị cáo Nguyệt nghề nghiệp không ổn định, sinh hoạt trong căn phòng trọ nhỏ. “Bị cáo làm thêm nghề may quần áo cũng kiếm được khoảng từ 10 - 15 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, bị cáo cũng nhận được hỗ trợ từ hai người tình của mình”, Nguyệt khai.
Nguyệt nói dối cả hai người tình rằng ba đứa trẻ đều là con của họ. Hai người đàn ông từng sống chung với Nguyệt như vợ chồng nhiều năm cũng xác nhận, mỗi lần có trẻ con xuất hiện, họ đều được Nguyệt thông báo đó là con đẻ.
“Nguyệt không mang thai, không bụng to, tại sao các anh lại không biết các bé không phải con mình”, chủ tọa hỏi hai người đàn ông của bị cáo Nguyệt. Cả hai người tình của Nguyệt cho rằng, do tin tưởng lời Nguyệt nên đã bỏ tiền ra để chị ta mua sữa nuôi các bé.
“Anh có tin 3 đứa bé đó là con mình”, chủ tọa hỏi người sống chung với Nguyệt trong 16 năm. Anh này cho biết, thời điểm đó đã tin Nguyệt. “Tôi đã lơ đãng, công việc cũng bận đi sớm về khuya nên tin lời cô ấy”, anh này nói.
Khi vụ việc mua bán trẻ của người tình bị phát hiện, cả hai người đàn ông đều làm đơn đề nghị Nguyệt trả lại các khoản tiền vay, chu cấp tổng cộng gần 300 triệu đồng. Nói lời xin lỗi tới hai người tình, Nguyệt đồng tình trả một phần tiền cho họ.
Để làm rõ có hay không việc Nguyệt nhận nuôi các bé nhằm mục đích khác ngoài mang về chăm sóc, chủ tọa hỏi: “Bị cáo biết để nhận nuôi con nuôi phải làm thủ tục gì”, Nguyệt tiếp tục khóc, cho rằng thời gian tạm giam đã giúp bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình.
“Có đảm bảo mục đích nuôi con không?”, chủ tọa hỏi, Nguyệt khai: “Phải ăn xin, ăn mày vẫn nuôi các con”.
Bình luận (0)