The National Interest (Mỹ) ngày 12.7 đăng bài viết của ông Bill Hayton, học giả và nhà báo chuyên viết về vấn đề Biển Đông. Học giả này bình luận rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra ngày 12.7 về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc thực sự là thắng lợi của chứng cứ trước cảm xúc.
Học giả này cho biết ông đã dành 5 năm qua để xem xét các chứng cứ lịch sử tại Biển Đông và nhận thấy rằng các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông thường mang tính cảm xúc hơn là tính lịch sử. Các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra bắt nguồn từ tâm lý từng bị xâm phạm lãnh thổ trong trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, bên cạnh đó là những sự hiểu sai lẫn lộn về lịch sử, dịch sai bản đồ của nước ngoài và thái độ lúc nào cũng cho mình là đúng.
Ông Hayton cho rằng những hiểu sai và tuyên bố mang tính cảm xúc của Trung Quốc sẽ không dễ gì mất đi dù phán quyết tòa đưa ra đã rất rõ ràng. Chuyên gia này tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng cách nhồi nhét vào thế hệ trẻ những quan điểm sai lệch như cũ, đồng thời truyền thông nhà nước sẽ vẫn tuyên truyền những thông điệp muôn thuở của Bắc Kinh cho người dân nước mình.
Trong văn bản phán quyết dài gần 500 trang của Tòa trọng tài quốc tế, có đoạn viết rằng: "Tòa không nhận thấy bất kỳ chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử quy định hay kiểm soát việc đánh bắt cá ở Biển Đông, ngoại trừ giới hạn lãnh hải". Học giả Hayton đánh giá rằng chính phán quyết rõ ràng trên của Tòa đã đập tan luận điểm sai trái của Trung Quốc.
Ông Hayton nói rằng không ai phủ nhận thương nhân và ngư dân Trung Quốc có hoạt động trên Biển Đông, nhưng các nước trong khu vực cũng có những hoạt động như vậy trong lịch sử. Theo học giả này, chủ nghĩa sô vanh nước lớn và yêu sách độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi mới chỉ xuất hiện đầu thế kỷ 20 và kéo theo những vấn đề trên Biển Đông hiện nay. Mối nguy hại với khu vực là Trung Quốc luôn tự cho mình là đúng và duy nhất mình có quyền, nên đã và đang ra sức bảo vệ yêu sách của mình.
|
Tân Hoa xã ngày 12.7 đăng tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về yêu sách chủ quyền cùng với quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuyên bố này gồm 5 điểm, trong đó có nhắc tới yêu sách "đường chín đoạn", "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đưa ra.
Theo phân tích của học giả Hayton, khi nói về "đường chín đoạn", Trung Quốc chỉ nói về tấm bản đồ năm 1947 và công bố năm 1948 liên quan đến vấn đề quản lý hành chính các đảo chứ không nói gì tới vùng biển bên trong đó. Liên quan đến "quyền lịch sử", yếu tố mà Tòa trọng tài quốc tế đã hoàn toàn bác bỏ đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đã không làm rõ được quyền này là gì và có thể được thực thi như thế nào.
Về những bước đi tiếp theo, ông Hayton cho rằng tất cả các bên nên tránh những hành động khiêu khích liên quan đến quân sự trên Biển Đông sau phán quyết này.
Bình luận (0)