Bao nhiêu lãnh đạo cũng không đủ!

28/08/2017 06:58 GMT+7

Lâu nay, các lãnh đạo bộ ngành, địa phương thường than phiền rằng, dẫu có tăng đến bao nhiêu đi nữa số thứ trưởng, phó chủ tịch, phó giám đốc sở cũng không phân đủ người đi dự các cuộc họp của trung ương, bộ ngành, địa phương triệu tập, mà xem ra cuộc họp nào cũng quan trọng không thể thiếu được!
Thực tế cách làm việc hiện nay, khi mà chế độ trách nhiệm không rõ ràng, thì lãnh đạo các cấp dù có tăng thêm bao nhiêu người cũng không đáp ứng được áp lực công việc. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cần nhiều cấp phó để đáp ứng nhu cầu đi họp.
Theo thống kê, một quan chức đầu tỉnh mỗi năm được mời dự hàng trăm cuộc họp ở trung ương, địa phương. Các vị giám đốc, phó giám đốc sở ngành có số cuộc họp cũng nhiều không kém. Xem ra cuộc họp nào, lãnh đạo cũng cần phải có mặt.
Đi tìm nguyên nhân lý giải cho chế độ họp lu bù, có thể thấy như sau:
Thứ nhất, việc phân công, phân cấp không rõ ràng. Nhiều cuộc họp sẽ được giảm thiểu nếu có sự giao quyền tự chủ cho các sở ngành, phân cấp cho các quận huyện, nâng cao trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này.
Thứ hai, việc phân định chức năng giữa các cơ quan chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Một việc không có người chịu trách nhiệm chính, có quá nhiều cơ quan, tổ chức cùng tham gia, cho nên phải họp bàn để thống nhất từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, đòi hỏi có mặt đủ thành phần.
Thứ ba, cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ chưa được làm rõ, chưa được thể chế hóa.
Có những việc phải tiến hành 5 - 6 cuộc họp như: họp thường vụ, họp ban cán sự, họp thường trực ủy ban, họp ủy ban... Nhiều việc còn phải đưa ra HĐND, họp triển khai ra sở ngành, quận huyện... Chủ tịch UBND tất nhiên phải dự đủ các cuộc họp này!
Thứ tư, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ.
Thứ năm, chưa xóa bỏ được tư duy bao cấp trong quản lý, cái gì nhà nước cũng ôm, cái gì cũng đòi xin - cho, báo bẩm... Muốn giảm họp phải nhận diện cho rõ, cái gì nhà nước cần quản lý, cái gì giao cho các thành phần khác, các tổ chức xã hội... Tóm lại, muốn giảm họp phải mạnh dạn giảm nội dung quản lý (theo xu thế cải cách hành chính).
Thứ sáu, cần xem xét lại vấn đề năng lực cán bộ ở đây, do thiếu tính quyết đoán, hoặc không dám chịu trách nhiệm... nên kéo tập thể vào sinh ra họp hành.
Có ý kiến cho rằng, sử dụng triệt để giải pháp công nghệ thông tin để giảm họp. Thiết nghĩ, đưa công nghệ thông tin vào quản lý là rất cần thiết, nhưng công nghệ thông tin chỉ là phương tiện, công cụ, nên chỉ giải quyết được cái ngọn, không thể giải quyết được cái gốc là cơ chế. Phải tích cực cải cách cơ chế. Việc giảm số thứ trưởng, cấp phó chủ tịch và phó giám đốc sở ngành của địa phương, kèm theo quyết tâm cải tiến lề lối làm việc, cải cách cơ chế, làm đúng theo câu châm ngôn “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, công việc sẽ chạy hơn lại đỡ tốn kém.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.