Nghiên cứu nói trên, do những nhà nghiên cứu từ các viện y tế châu Âu tiến hành, ước tính rằng hơn 61.600 người đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng trên 35 quốc gia châu Âu từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9.2022, trong mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận ở châu lục này, theo trang AsiaOne.
Nghiên cứu mới, được công bố trên chuyên san Nature Medicine ngày 10.7, cho thấy các quốc gia Địa Trung Hải, gồm Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, có tỷ lệ tử vong cao nhất theo quy mô dân số.
61.000 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu
Cũng theo nghiên cứu, Ý, Tây Ban Nha và Đức có nhiều người thiệt mạng nhất do nắng nóng, chứng kiến lần lượt 18.010, 11.324 và 8.173 người chết.
Bồ Đào Nha đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 47 độ C vào tháng 7.2022, chỉ thấp hơn nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở nước này là 47,3 độ C vào năm 2003.
Khi biến đổi khí hậu do con người gây ra khiến nhiệt độ tăng cao hơn, các đợt nắng nóng đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ quá cao có thể cướp đi sinh mạng của con người bằng cách gây say nắng, hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh về tim mạch và hô hấp.
Nhiều nước, trong đó có Pháp, đã đưa ra các kế hoạch quốc gia đối phó nhiệt độ khắc nghiệt sau đợt nắng nóng chết người ở châu Âu vào năm 2003, với các hệ thống cảnh báo sớm và nhiều không gian xanh làm mát hơn ở các thành phố.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng số người chết cao trong năm ngoái cho thấy chiến lược này đã không đáp ứng được kỳ vọng và cần được củng cố khẩn cấp.
Ngày nóng nhất thế giới ảnh hưởng cả ngôi làng lạnh nhất thế giới
Trong tháng trước, Bộ Y tế Đức đã phát động một chiến dịch hướng dẫn chính quyền địa phương xây dựng các kế hoạch hành động đối phó nắng nóng, chẳng hạn như tăng cường bảo vệ người vô gia cư hoặc cung cấp thêm nước uống ở những nơi công cộng.
"Số người chết đang tăng lên hằng năm... Việc cứu họ tương đối dễ dàng nếu chúng ta có kế hoạch", Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach nhấn mạnh.
Bình luận (0)