Quy định chống phá rừng châu Âu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

29/06/2023 21:14 GMT+7

Bộ NN-PTNT coi việc tuân thủ Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà xem đây là cơ hội đẩy nhanh thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), do Bộ NN-PTNT phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam và Tổ chức IDH tổ chức chiều 29.6, tại Hà Nội.

Quy định chống phá rừng châu Âu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởngxanh - Ảnh 1.

EUDR sẽ tác động đến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang xuất khẩu vào EU, trong đó có cà phê

Q.T

Theo Bộ NN-PTNT, ngày 16.5 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông EUDR. Theo quy định này, từ tháng 12.2024, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào EU đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. Bộ NN-PTNT nhận định, khi EUDR được thực thi, không chỉ có cà phê mà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, cao su từ Việt Nam vào EU cũng chịu tác động trực tiếp.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, tổ chức đã chia sẻ các thông tin tổng quan về yêu cầu quy định mới của EU về sản phẩm không gây mất rừng, cơ hội và thách thức có thể mang đến cho ngành cà phê Việt Nam, đưa ra các đề xuất về giải pháp hỗ trợ ngành đáp ứng các quy định mới trong thời hạn chuẩn bị 18 - 24 tháng do EU đặt ra.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khi EUDR có hiệu lực từ tháng 12.2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su và cà phê. Các chuỗi cung ứng này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt là vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.

"Bộ NN-PTNT coi việc tuân thủ EUDR không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà xem đây là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh", ông Hoan nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân, các tổ chức trong và ngoài nước để chuẩn bị sẵn sàng thông tin đáp ứng quy định mới của EU, duy trì dòng chảy thương mại nông sản bền vững, đảm bảo sinh kế cho nông dân.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á (Tổ chức IDH), cho rằng nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành cà phê nói riêng đã có nền tảng hợp tác đa bên để thúc đẩy phát triển bền vững trong nhiều năm qua.

Bà Chi nhìn nhận, sự ra đời của EUDR sẽ là một cú hích quan trọng để tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành hàng cà phê theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và nhà mua như không phá rừng, phát thải thấp và sinh kế nông hộ.

"IDH sẽ đồng hành cùng các đối tác T.Ư và địa phương để triển khai đồng bộ các hoạt động đáp ứng với quy định chống phá rừng của EU tại Việt Nam", bà Chi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.