Ba thế hệ chăm sóc xác hiến
Đến trước thi hài đang được truyền một thùng hóa chất to, anh Nguyễn Thái Bình (tổ trưởng tổ tiếp nhận, bảo quản thi hài bộ môn giải phẫu học, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nói khẽ: “Bác ấy mất lúc 1 giờ sáng nay tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Khi người nhà báo tin, anh em chúng tôi lên đường ngay trong đêm để đưa bác về đây”. Gần đấy, trên tấm vải phủ lên chiếc băng ca, nổi rõ dòng chữ màu vàng trang trọng: Cái chết phục vụ sự sống.
tin liên quan
'Em muốn hiến nội tạng của mẹ để nhiều người được cứu sống'Quyết định mang đầy tính nhân văn của em Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi), ở huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) - hiến nội tạng cho y học khi biết mẹ của mình không qua khỏi sau vụ tai nạn đã được Chủ tịch nước trao thư khen.
Anh Bình cho hay tổ của anh hiện chỉ có 3 thành viên. Trong đó, bản thân anh đến với nghề này theo kiểu cha truyền con nối. Anh tâm sự: “Ngày trước, ba vợ tôi cũng làm ở đây. Chẳng may ba tôi mắc bệnh ung thư và trong những ngày điều trị, ông bảo tôi vô trợ giúp. Tôi rất trân trọng nghề của ba tôi nên đã nối nghiệp luôn”.
Đặc biệt, tất cả 8 thành viên trong tổ tiếp nhận, bảo quản thi hài ở bộ môn giải phẫu học, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đều có quan hệ họ hàng. Đã 20 năm làm công việc này, tổ trưởng Đỗ Thành Nhân cởi mở: “Tôi rất tự hào vì gia đình tôi có ít nhất ba đời làm công việc thầm lặng này: từ ba tôi đến anh em tôi, rồi đến con tôi”. Theo anh Nhân, do nghề này suốt ngày làm việc với xác nên ai cũng ngại. Có thời gian nhà trường tuyển bên ngoài nhưng chỉ được vài hôm, họ sợ và bỏ cuộc. Khi đó, cậu của anh Nhân làm ở đây thấy quá thiếu người nên kêu anh vào phụ. Dần dần, anh em dòng họ giới thiệu vô làm và dạy nghề cho nhau. Đến nay hầu như ai cũng biết ướp xác, xử lý và làm sạch xương...
“Mới đầu vô nói không sợ là không đúng”
Đây là năm thứ 8, chú Hàng Văn Bảo (quê Bạc Liêu) làm công việc này tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chú Bảo thật thà: “Mới đầu vô làm nói không sợ là không đúng, vì trước đó mình đâu có tiếp xúc với xác chết. Phải mất khoảng hai năm tôi mới quen việc. Tôi nhớ lúc đó là những ngày hè, tổ trưởng mở hồ ngâm xác và bảo tôi leo vô trong đó súc rửa bã cặn. Tôi thấy vừa ngại vừa sợ, vừa hôi vừa độc hại nhưng cũng phải ráng làm”.
Theo tổ trưởng Nguyễn Thái Bình, khi nhận xác về, các anh làm vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho người chết. Một số xác tươi xử lý xong được đưa vào tủ đông bảo quản, phục vụ cho những nghiên cứu chuyên sâu. Còn các xác khác sẽ được bơm hóa chất, sau đó tiếp tục được ngâm khoảng 3 năm trong bồn bảo quản. Đến năm thứ tư, xác ướp được đưa lên học và năm thứ năm đem đi hỏa táng, trao trả tro cốt cho thân nhân...
Chúng tôi thắc mắc: “Việc bảo quản thi hài trong trường y và nhà xác bệnh viện khác nhau ra sao?”. Tổ trưởng Đỗ Thành Nhân phân biệt: “Trong nhà xác bệnh viện, thường chỉ có 1 - 2 xác được gửi tạm trong một thời gian ngắn. Còn ở đây có đến hàng trăm thi hài và được lưu giữ trong nhiều năm”.
tin liên quan
Mối nguy từ nấm mồThói quen chôn cất người chết có thể gây tác động về dài hạn đối với môi trường tự nhiên, thay đổi đến tận cốt lõi của kết cấu đất đai theo hướng chẳng mấy tích cực.
Anh Nhân chia sẻ thêm: “Tôi nói với mấy anh em hoài rằng đây là những người thầy thầm lặng. Họ đã cống hiến cho khoa học nên mình làm cái gì cũng phải nhẹ nhàng, ân cần với họ. Tụi tôi thường xuyên tắm xác, ít nhất mỗi năm 2 lần vào giữa và cuối năm học. Đó là chưa kể những khi thấy nước đục là tụi tôi thay ngay. Dịp lễ tri ân vừa rồi, cả nhóm tắm, gội đầu và chải tóc cho gần 200 thi hài. Xong rồi lau chùi sạch sẽ cái thùng nơi họ nằm... Do đó, làm nghề này đòi hỏi phải có cái tâm”.
Anh Phạm Văn Sang, 31 tuổi, 10 năm trong nghề, nhìn nhận tuần lễ đầu mới vào làm là anh sợ suốt cả tuần. Nhưng sau đó anh có cảm giác họ giống như những người thân quen, như gia đình thứ hai của mình vậy. Anh Sang kể những lúc anh nói thật về công việc của mình, hầu như ai cũng “giật mình”. Thậm chí, có những cô gái mới quen anh cũng vội... cao chạy xa bay. “May mắn năm rồi có cô bạn không sợ, nên tụi tôi đã cưới nhau”, anh Sang khoe.
Không chỉ bảo quản xác và phục vụ các lớp thực tập giải phẫu, những người này còn đảm trách một công việc quan trọng khác: trực tiếp đi nhận xác hiến ở các nơi. Theo những kỹ thuật viên, phần việc này không có giờ giấc ổn định bởi người chết đâu hẹn trước ngày giờ mình "ra đi". Cho nên, bất kể tết nhất, ngày lễ, đêm hôm khuya khoắt hay mưa bão, hễ khi nào thân nhân người hiến xác điện báo thì phải lên đường ngay.
Tuy vất vả, độc hại nhưng thu nhập của những người làm công việc này còn thấp, bình quân chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
tin liên quan
Chàng trai hào hiệp hoãn chở con nhập viện để giúp sản phụ 'đẻ rơi' giữa đườngĐang vội về chở con gái nhập viện thì anh Nguyễn Thành Nam (31 tuổi) gặp một sản phụ vừa sinh bên đường. Ngay lập tức, anh đã dừng xe đỡ mẹ con sản phụ lên băng ghế sau để đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Mắc bệnh ung thư, vẫn lạc quan
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Quang Tuyền, Phó chủ nhiệm bộ môn giải phẫu học Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhận xét: Chức danh của những người làm công việc trên ở trường ĐH rất đặc biệt. Họ không phải là kỹ thuật viên hay chuyên viên về ngành y lẫn về ngành giáo dục. Họ chỉ được đào tạo để xử lý những cái xác và bảo quản thi hài, nên được gọi là kỹ thuật viên xử lý xác hiến. Chính vì vậy, một số quyền lợi của họ bị hạn chế. Mặt khác, do quanh năm làm với xác nên có rất ít người tham gia công việc này. Cụ thể, bộ môn này có một kỹ thuật viên qua đời nhưng lâu nay tìm người bổ sung vẫn chưa ra.
Bác sĩ Tuyền tâm tư: “Các anh này phải thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại thông qua việc bơm hóa chất, bảo quản thi hài. Trước đây, một số kỹ thuật viên trong bộ môn khi lớn tuổi đã mất vì bệnh lý phổi và nhất là vì ung thư. Chưa rõ có sự liên quan nào giữa việc tiếp xúc hóa chất với những bệnh này hay không, nhưng điều đó chứng tỏ môi trường làm việc ở đây cũng bị xem là độc hại. Vì vậy, cần có chế độ phụ cấp độc hại thỏa đáng”.
Tổ trưởng Đỗ Thành Nhân không giấu giếm rằng anh phát hiện mình bị ung thư đại tràng vào năm 2014. Sau khi phẫu thuật, anh trải qua 8 đợt hóa trị. Lúc đó, nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh vẫn đi làm bình thường: “Sao ung thư mà lạc quan quá vậy?”. Anh Nhân đáp: “Tôi nghĩ nhiều chuyện khó khăn mình đã vượt qua được. Còn bệnh thì cũng bệnh rồi, nếu có sinh nghề tử nghiệp cũng là điều bình thường, nên phải lạc quan để sống”.
Anh Nhân cho hay bệnh tình anh hiện đã có phần thuyên giảm. “Ngày nào tôi cũng thắp nhang cầu nguyện những người hiến xác phù hộ cho tụi tôi có sức khỏe để tiếp tục làm công việc này, để cùng phục vụ cho khoa học. Có lẽ, người ta đã chứng giám cho tôi...”, anh Nhân bình thản nói.
“Ý nguyện của những người hiến xác rất đáng trân trọng”
Tại TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch bắt đầu nhận xác hiến từ 1995. Từ đó đến đầu tháng 5.2017, tổng số hồ sơ đăng ký hiến xác là gần 7.000 và tổng số xác hiến trên thực tế là 195 xác. Hiện nay, trường chủ yếu nhận những xác hiến từ Bình Thuận trở vào và từ Đồng Tháp, Vĩnh Long trở lên.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ - Trưởng bộ môn giải phẫu học Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Từ năm 1993, trường đã phát động phong trào hiến xác. Đến năm 1996, trường nhận xác hiến đầu tiên là một thanh niên khiếm thị sống tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Đến nay, đã có 27.570 đơn tình nguyện hiến xác và 745 xác hiến đã nhận (trung bình mỗi năm nhận 40 - 50 xác). Số xác đang được lưu giữ và bảo quản tại bộ môn này là 188.
Ngoài những xác ướp, bộ môn luôn có khoảng 25 - 30 xác dự trữ dưới dạng không ướp hóa chất, để trong tủ đông âm 30 độ C, gọi là xác tươi. Xác tươi rất quý giá trong giảng dạy và nghiên cứu vì các cấu trúc giữ nguyên như thật. Theo bác sĩ Vũ, hiện nay, khả năng bảo quản xác ở trường đã vừa đủ nên ban giám hiệu chỉ đạo hạn chế lấy xác ở những miền xa mà chỉ lấy ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Điều này có thể giúp san sẻ với những trường khác ở Hà Nội, Huế, Cần Thơ, Tây nguyên đang thiếu xác phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Bác sĩ Vũ khẳng định: “Hiện giờ khoa học rất phát triển nhưng phải nói là không có phương tiện nào có thể so sánh được với xác người thật. Ý nguyện của những người hiến xác là rất trong sáng, vô tư và rất đáng trân trọng”.
|
Bình luận (0)