Quyết định mang đầy tính nhân văn của em Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi), ở huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) - hiến nội tạng cho y học khi biết mẹ của mình không qua khỏi sau vụ tai nạn đã được Chủ tịch nước trao thư khen.
Sáng 7.4, chúng tôi tìm đến nhà cậu ruột của em Nguyễn Thị Sáng là anh Nguyễn Tiến Đường (44 tuổi) tại thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) - nơi đang cưu mang 3 đứa con của người phụ nữ xấu số Nguyễn Thị Liễu (41 tuổi) vừa qua đời sau vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 17.3 tại tỉnh Bình Dương.
VIDEO: Xúc động câu chuyện con gái hiến tạng mẹ mong cứu được nhiều người
Trong căn nhà cấp 4 chẳng có gì đáng giá, di ảnh chị Liễu được đặt ở gian phòng ngủ nghi ngút khói hương. 3 chị em Sáng, em Nguyễn Thị Lương (17 tuổi) và em Nguyễn Ngọc Thùy (17 tháng tuổi), con của chị Liễu trên đầu chít khăn tang trắng xóa, ngồi buồn bã, ngác ngơ ở gian nhà chính, bởi các em vẫn chưa thể nguôi ngoai được nỗi đau mất mẹ.
Nỗi đau mất mẹ vẫn còn đó Ảnh Phạm Đức
Sáng ôm em gái 17 tháng tuổi vào lòng, ứa nước mắt khi kể lại ngày nhận được hung tin mẹ gặp nạn. Sáng cho biết, khuya ngày 17.3, em nhận được điện thoại từ một người bạn của mẹ báo tin mẹ mình vừa bị tai nạn và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nên cùng em gái tức tốc bắt xe từ Đắk Nông xuống bệnh viện.
Sau 3 ngày được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, chị Liễu đã trút hơi thở cuối cùng để lại 3 đứa con thơ dại. Được các bác sĩ thông báo mẹ mình không cầm cự được lâu, trong lúc đau buồn, người chị cả đã đưa ra một quyết định đầy tính nhân văn đó là: hiến nội tạng của mẹ cho y học.
Dù nỗi đau mất mẹ vẫn còn đó, nén nỗi đau vào lòng, Sáng kể cho chúng tôi về quyết định hiến tạng của mẹ cho y học. Sáng tâm sự, trước khi mẹ chưa gặp nạn, trong một lần ngồi em tivi, em vô tình xem chương trình “Mảnh ghép cuộc sống” phỏng vấn các chuyên gia nổi tiếng nói về hiến tạng của người chết sẽ cứu được nhiều người.
“Mỗi ngày ở bệnh viện, em vẫn hình dung mẹ sẽ được cứu sống và sẽ sống lại như người bình thường, mẹ vẫn vui cười và sống với bọn em, chăm sóc em út. Nhưng khi được các bác sĩ cho biết tình trạng của mẹ sẽ không qua khỏi, dù rất đau đớn, nhưng em nghĩ rằng sẽ hiến tạng của mẹ để nhiều người được cứu sống. Em cũng nghĩ mẹ em cũng đồng ý với quyết định của em”, Sáng nói.
Sau thủ tục hiến nội tạng, thi hài chị Liễu được người người anh ruột đưa về nhà xã Cẩm Nhượng, xã Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chôn cất. 3 chị em Sáng cũng được cậu đưa về quê cưu mang vì cách đây 5 năm bố của chị em Sáng đã bỏ đi và lấy một người vợ khác.
Ba chị em đứng trước di ảnh của mẹ Ảnh Phạm Đức
Ngày 6.4, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, động viên, gửi thư khen và quà của Chủ tịch nước cho em Sáng.
Trong thư khen, Chủ tịch nước viết: “Tôi hết sức xúc động… trân trọng và đánh giá cao cháu, tuy còn trẻ nhưng đã vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn, mất mát của gia đình để làm được việc đầy tình người... Mong các cấp chính quyền, đoàn thể, bà con hãy quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình cháu vượt qua thời khắc khó khăn này”. Chủ tịch nước đã tặng 20 triệu đồng, đồng thời tỉnh Hà Tĩnh cũng trao 10 triệu đồng chia sẻ khó khăn với 3 chị em Sáng.
Người mẹ khốn khổ
“Mẹ em có lẽ là người khổ nhất vì bị bố em bỏ đi lấy vợ khác. Sau khi mẹ em đến với một người đàn ông thứ 2 thì thường xuyên bị đánh đập, bạo hành nên mới bồng em gái út là con của ông này xuống tỉnh Bình Dương để trốn…và gặp nạn”, em Nguyễn Thị Lương (17 tuổi, con gái thứ 2 của chị Liễu) bỏ lửng câu nói rồi òa khóc khi mở đầu câu chuyện kể về cuộc sống của mẹ mình.
Lương cho biết mẹ mình và bố là ông Nguyễn Viết Hùng trú cùng xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) về chung sống với nhau nhưng không kết hôn. Sau đó cả hai vợ chồng vào thôn 7, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) lập nghiệp rồi sinh ra chị em Sáng và Lương. Năm 2012, ông Hùng đến với một người phụ nữ khác, bỏ lại 3 mẹ con bơ vơ giữa đất khách quê người.
Vì cuộc sống khó khăn nên em Sáng sau khi học xong lớp 12 phải nghỉ học đi làm thuê với mẹ để lo cho Lương ăn học. Năm 2015, chị Liễu đi thêm bước nữa lấy một người đàn ông ở huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) với mong muốn có người đàn ông đỡ đần. Tuy nhiên, sau khi chị Liễu có bầu và sinh ra cháu Nguyễn Ngọc Thùy thì người đàn ông này thường xuyên rượu chè, đánh đập chị Liễu. Thương mẹ, sau khi học xong lớp 10 thì Lương phải bỏ học để ở nhà trông em.
Ngôi nhà của người cậu ruột cưu mang chị em Sáng Ảnh Phạm Đức
“Rất nhiều lần ông này uống rượu vào và dùng dao đe dọa mẹ em và đòi đưa em Thùy đi. Do chịu không được các trận đòn roi nên mẹ em mới bồng em Thùy xuống tỉnh Bình Dương để trốn và xin làm việc dưới đó”, Lương nói trong nước mắt.
“Em nghe người dân kể lại mẹ em gặp nạn vào tối ngày 17.3, khi đó mẹ em bồng em gái ra tiệm mua cục pin, khi qua đường thì bị một xe máy tông phải. Mẹ đã lấy thân mình che cho em gái nên em Thùy may mắn thoát nạn”, Lương nói thêm.
Nói về dự định của mình, Lương mong muốn được trở lại đi học nhưng sợ em gái không có ai chăm. Lương còn lo người cha dượng sẽ tìm đến nhà nơi chị em đang ở, cướp em gái đi.
Tương lai của ba chị em Sáng sẽ đi về đâu Ảnh Phạm Đức
Anh Nguyễn Tiến Đường (anh trai chị Liễu) cho hay, chị Liễu là con út trong gia đình có 3 anh em. Vợ chồng anh Đường sinh được hai người con trai, quanh năm cũng chỉ làm thuê nên hoàn cảnh khó khăn. Khi con trai thứ 2 được 7 tháng thì vợ anh phải đi xuất khẩu lao động tại Malaysia và theo một người đàn ông khác, bỏ lại hai con nhỏ cho anh chăm sóc.
“Dù gia đình của tôi khó khăn nhưng thương cho 3 đứa con của em gái nên mình cũng phải cưu mang chúng. Bây giờ gánh nặng của tôi thêm chồng chất, rất mong chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ để giúp 3 cháu tôi có được một tương lai tươi sáng hơn”, anh Đường nói.
Năm 2015, Hồ Thị Mai Thảo, sinh năm 1992 (quê ở H.Tuy Phước, Bình Định) tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Rời giảng đường đại học, Thảo nhanh chóng có việc làm, thu nhập tốt.
Bình luận (0)