'Bão quét' trên thị trường vàng

13/10/2022 10:05 GMT+7

Cơn bão giá “quét” khắp thế giới khiến giá hàng hóa tăng cao, lạm phát bao trùm nhiều quốc gia. Nhưng điều ít ai ngờ là cơn bão giá chưa từng có trên lịch sử này lại "quét" luôn cả kim loại quý. Vàng đã có một năm căng thẳng với rất nhiều cơn địa chấn khiến các nhà đầu tư đau tim.

Người Việt mua vàng đắt nhất thế giới

Thị trường vàng trong nước từ đầu năm đến nay đã đón nhiều cơn bão đổ bộ, trong đó có 2 đợt “gió giật” mạnh.

Giá vàng trong nước có thời điểm tăng lên kỷ lục hơn 74 triệu đồng/lượng

Ngọc Thắng

Kim loại quý thương hiệu SJC liên tục phá các mức kỷ lục và lên cao nhất 72,5 - 74,1 triệu đồng (giá mua vào - bán ra) vào đầu tháng 3, tăng sốc gần 7 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 tuần và 12,4 triệu đồng so với đầu năm. Nhưng “bạo phát bạo tàn”, vàng miếng SJC quay đầu giảm mạnh 6,5 triệu đồng/lượng, về mức 66 - 67,8 triệu đồng/lượng (giá mua vào - bán ra) sau đó khiến nhà đầu tư chao đảo. Những người chưa kịp chốt lời thì tiếc hùi hụi. Những người mạnh tay mua vào thì nuốt không nổi cục lỗ.

Nếu coi vàng là đầu tư, chỉ nên tham gia vào khoảng 20 - 30% vốn thay vì

bỏ tất cả trứng vào một giỏ như cách tất tay của nhiều nhà đầu tư trong nước.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam

Thường trước những cơn bão lớn, mặt biển sẽ phẳng lặng. Suốt 4 tháng sau đó, sóng vàng êm ả. Thế nhưng đến giữa tháng 7, thị trường vàng trong nước lại hứng đợt “sóng thần” khi giá đột ngột giảm mạnh từ mức 67,5 - 68,25 triệu đồng/lượng xuống 60 - 62,5 triệu đồng/lượng. Vàng bị thổi bay hơn 7 triệu đồng/lượng sau những nỗ lực tăng giá trong 7 tháng đầu năm. Lực bán vàng trên thị trường đột ngột xuất hiện trong khi mua vào không có, dẫn đến tình trạng giá lao thẳng xuống. Nhưng cũng nhanh như khi ào đến, giá vàng hồi phục lại từ mức 64 - 65 triệu đồng/lượng đi lên 67 - 68 triệu đồng/lượng cho đến tháng 8. Những nhà đầu tư tháo chạy sớm lại ôm đầu máu, túi thủng đáy.

Bão giá vàng khiến những quy luật liên quan đến thị trường này đều bị đảo lộn. Thông thường khi khủng hoảng kinh tế, vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn với các nền kinh tế và nhà đầu tư. Các nước tăng dự trữ kim loại quý, giới kinh doanh gom vàng. Thế nhưng năm nay, điều này đã không xảy ra. Trong nước, giá vàng miếng SJC đắt đỏ không tưởng khi cao hơn vàng thế giới từ 17 - 20 triệu đồng/lượng. Nghĩa là người Việt phải mua vàng đắt gấp 35% so với các nước. Khoảng cách vô lý này tạo ra những rủi ro lớn, đẩy cả giới đầu tư cũng như những người thích tích trữ vàng như một thói quen, truyền thống giữ vàng... rời bỏ kim loại quý. Chuyện lạ lùng hơn là bán đắt hơn vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng nhưng Công ty SJC - đơn vị độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia lại có một kết quả kinh doanh bết bát. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC, doanh thu thuần đạt 17.689 tỉ đồng, sụt giảm 25% so với năm 2020. Doanh số năm vừa qua của SJC rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2015. Lợi nhuận gộp của SJC năm 2021 đạt 131 tỉ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ 0,7%, cũng suy giảm so với mức 1,1% của cùng kỳ 2020.

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), số lượng vàng miếng SJC lưu thông trên thị trường trong chục năm nay duy trì ở mức 20 triệu lượng. Lý giải về mức giá chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC và vàng thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng, do nguồn cung vàng miếng không đổi trong suốt mấy chục năm trong khi nhu cầu giao dịch vẫn có, vì thế giá vàng miếng SJC ngày càng lên cao. Thế nhưng nếu nhìn nhu cầu vàng trên thị trường thì lý giải này có vẻ không hợp lý. Vàng từ lâu đã thất sủng và đó là thành công của công cuộc chống vàng hóa nền kinh tế mà chúng ta triển khai thực hiện suốt thời gian qua.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thị trường thế giới, số phận của kim loại quý giữa cơn “bão” giá cũng không khá khẩm hơn. Ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất, dòng tiền rẻ trên thị trường rời khỏi nơi trú ẩn truyền thống là vàng để tìm kiếm USD. Điều này khiến vàng bị bán tháo và quay đầu giảm về dưới 1.700 USD/ounce bất chấp các dự báo lạc quan. Theo báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 2 đã giảm 8% trong đó riêng vàng thỏi và vàng đồng xu đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 526 tấn trong nửa đầu năm.

Kim loại quý bị... cấm vận

Nga là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Vàng của Nga xuất khẩu chỉ riêng sang thị trường London được chính phủ Anh ước tính trị giá 12,6 tỉ bảng Anh (15,5 tỉ USD) trong năm 2021. Cũng trong năm này, Nga đã khai thác 314 tấn vàng, chiếm gần 10% lượng vàng được khai thác trên toàn cầu, Reuters dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga. Là mặt hàng xuất khẩu sinh lợi thứ hai mà Nga có sau năng lượng, và phần lớn lượng xuất khẩu này đến các nước G7. Chính vì thế, 4 nước trong nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Canada và Nhật từ cuối tháng 6 đã thông báo cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Ngay sau động thái này, đã có rất nhiều lo ngại thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi trước đó, lệnh cấm vận dầu mỏ Nga đã khiến thị trường chao đảo. Thế nhưng, điều này đã không xảy ra. Vàng thực tế đã trải qua một thời gian ảm đạm. Giá kim loại quý giảm 3,9% kể từ khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine. Theo Bloomberg, ngay cả khi Moscow là nhà khai thác vàng lớn thứ 3 thế giới, các lệnh cấm vận của G7 sẽ không thể đảo ngược tình hình. Trước đây, Nga chiếm khoảng 12% xuất khẩu dầu thô của thế giới. Sau khi khai thác, gần như mọi thùng dầu thô đều được sử dụng trong vòng một năm. Nhưng vàng dễ tích trữ hơn nhiều. Vì thế, lượng dự trữ vàng rất lớn, lên tới 205.000 tấn, trong khi lượng vàng được khai thác mỗi năm chỉ khoảng 3.500 tấn. Khoảng 25% lượng vàng tiêu thụ mỗi năm đến từ việc bán, chế tác thành đồ trang sức, tiền xu, vàng thỏi và các kim loại công nghiệp. Vàng có xu hướng được tái chế nhiều hơn khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung gây áp lực lên giá. Chưa kể trước khi lệnh cấm vận chính thức, vàng Nga đã bị cấm vận ngầm.

Thị trường vàng trong nước từ đầu năm đến nay đã đón nhiều “cơn bão” đổ bộ

NGỌC THẮNG

Thị trường thế giới không chao đảo nhưng việc kim loại quý bị cấm vận cũng khiến kẻ cười người khóc. Câu hỏi ai được lợi khi vàng Nga bị cấm vận đã được đặt ra ngay sau khi G7 tuyên bố và Ấn Độ được gọi tên. “Chúng tôi tin rằng tác động đối với thị trường quốc tế sẽ không quá lớn, bởi dòng chảy vốn đã bị hạn chế bởi các lệnh cấm trước đó”, ông Sriram Iyer - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Reliance Securities - bình luận. Ông chỉ ra động thái hồi tháng 3 của LBMA.

Tuy nhiên, Ấn Độ là nước mua vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. "Lệnh cấm có thể tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giá"- ông Sriram Iyer nhận định và cho rằng, nếu điều này xảy ra, Ấn Độ có khả năng mua vàng Nga với giá rẻ. Ông Megh Mody - chuyên gia nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại công ty môi giới Prabhudas Lilladher (có trụ sở tại Mumbai) - cho rằng đây là cơ hội để Ấn Độ mua vàng Nga với giá rẻ hơn. “Để xem liệu vàng có thể được mua bán bằng đồng RUB như dầu thô không”, ông Iyer nói thêm. Lý do dẫn tới bình luận này là Ấn Độ đã mua dầu thô từ Nga với mức giá rẻ kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Nếu như lệnh cấm vận bỏ ngỏ khả năng Ấn Độ mua vàng rẻ thì như nói trên, vàng SJC trong nước năm 2022 đánh dấu mức đắt đỏ kỷ lục khi luôn cao hơn thế giới từ 17 - 20 triệu đồng mà không có bất cứ lý do chính đáng nào. Giá vàng trong nước quá đắt đỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu vàng nữ trang, đã mang lại hơn 2 tỉ USD vào năm 2021 mà các doanh nghiệp đang kỳ vọng sẽ đẩy mạnh trong năm nay.

Chuyện lạ giá vàng

Lỗ nặng khi trú ẩn vào vàng là nghịch lý khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cho tới thời điểm này vẫn không thể nuốt trôi. Trong khủng hoảng, vàng được coi là bến đỗ an toàn nhất, chắc chắn nhất, bền vững nhất tự cổ chí kim. Thế nhưng bến đỗ này đã chính thức bị sóng đánh sập bờ. Thị trường vàng Việt Nam vốn yên ắng nhưng trở nên sôi động những ngày tháng 3 khi vàng đột ngột tăng dựng đứng và đạt mức giá kỷ lục 74,1 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng/lượng, tương ứng 16%. Điều bất ngờ hơn là bất chấp giá cao chót vót, những người mê vàng, đặt niềm tin vào vàng đổ xô vào mua vì sợ vàng còn lên nữa. Nhưng hành động liều lĩnh này ngay lập tức bị trả giá. Vàng lao dốc ngay sau đó khiến họ lỗ nặng từ 3 - 5 triệu đồng khi vàng “thủng” 70 triệu đồng xuống quanh vùng giá 67 - 68 triệu đồng/lượng. Có nhiều người hoảng loạn, bán vàng cắt lỗ khi giá giảm sâu xuống 62 triệu đồng/lượng. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, một số công ty kinh doanh vàng cũng chịu cảnh âm vốn khi lượng vàng mua vào chưa thoát kịp. Những công ty có lượng vàng tồn kho càng lớn thì mức lỗ càng cao. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả ngay những tổ chức quốc tế cũng rơi vào cảnh lỗ. Công ty sản xuất vàng Cerrado Gold lỗ ròng trong quý 2 lên 1,5 triệu USD so với thu nhập ròng 3,4 triệu USD trong quý 1. Cú quay xe chóng vánh của vàng khiến các nhà đầu tư choáng váng. Kim loại quý lao dốc ngay khi lạm phát toàn cầu tăng vọt. Lạm phát Mỹ đứng ở mức cao nhất trong vòng 40 năm nhưng vàng vẫn liên tục đi xuống từ mức kỷ lục 2.054 USD/ounce về mức thấp nhất 1.696 USD/ounce, mất gần 360 USD/ounce, tương ứng giảm 17,4%, mức giảm mạnh nhất trong những năm gần đây.

Thế nhưng chẳng có mâu thuẫn nào cả nếu nhìn lại lịch sử thị trường vàng. Thực tế, kể từ khi hệ thống Bretton Woods (quy định một ounce vàng có giá 35 USD) sụp đổ vào năm 1971, vàng và lạm phát đã không còn mối liên hệ. Giá vàng đã tăng từ 105 USD/ounce năm 1976 lên tới 850 USD/ounce năm 1980 trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này chỉ đi lên 28%. Sau đó, vàng tụt dốc xuống còn 256 USD/ounce vào năm 2001 thì chỉ số giá lại vẫn tăng lên khoảng gấp đôi trong giai đoạn này. Từ 2001 đến tháng 3.2008, vàng tăng gần 4 lần, lên 1.011 USD/ounce, nhưng chỉ số tiêu dùng tăng tích lũy cũng chỉ khoảng 20%. Những con số trên cho thấy, giá vàng biến động không theo biến động của lạm phát.

Tại Việt Nam, quan hệ giá vàng và lạm phát cũng biến động không theo quy luật nào. Minh chứng là vào đầu tháng 12.2005, giá vàng đạt mức kỷ lục 10 triệu đồng/lượng, tăng gấp đôi so với cuối năm 2000, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tích lũy tăng khoảng 30%. Đến tháng 12.2007, vàng tăng giá gần gấp đôi khi lên 19 triệu đồng/lượng, chỉ số lạm phát cũng chỉ tăng 16%. Tháng 4.2008, lạm phát có xu hướng tăng cao trên 11%, vàng lại quay đầu giảm từ 19,5 triệu đồng/lượng xuống 17 triệu đồng/lượng vào tháng 5.2008

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng vàng không phải biện pháp chống lạm phát mà là phòng ngừa lạm phát cao. Dòng tiền chỉ trú ẩn vào vàng trong thời gian ngắn. Trong bối cảnh lạm phát cao kéo dài, dòng tiền sẽ thoát khỏi vàng mà chuyển qua USD khi lãi suất lên cao. Khi kinh tế suy thoái, các nhà đầu tư có động thái bán vàng để giữ tiền mặt nhiều hơn. Đó là lý do, vàng xuống giá và USD lên cao. Đây là nguyên nhân khiến lạm phát dù cao nhưng giá vàng vẫn suy giảm.

Nhưng bất luận thế nào, vàng vẫn là kim loại quý và luôn nhận được sự quan tâm của các nền kinh tế, các nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức dù bão giá có thể quét cả kim loại quý và nguy cơ sập hầm vẫn rất cao.

Vàng sẽ lên 1,4 tỉ đồng/lượng?

Một đánh giá khá sốc về vàng được ông John Butler, Giám đốc Ngân quỹ tại Công ty dịch vụ tài chính TallyMoney (Anh), đề cập tại cuốn The Golden Revolution, Revisited rằng vàng sẽ tăng vọt lên 50.000 USD/ounce (quy đổi theo giá USD ngân hàng hiện nay tương đương 1,4 tỉ đồng/lượng) khi thế giới chuyển đổi sang hệ thống tiền tệ tiêu chuẩn vàng.

Trước đó, ông Charlie Morris, Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Bytetree Asset Management, dự báo giá vàng sẽ tăng vọt lên 7.000 USD/ounce (tương đương 200 triệu đồng/lượng) vào năm 2030.

Ngược lại, cũng có những đơn vị dự báo giá vàng giảm sốc. Theo ông Bart Melek, Giám đốc hàng hóa Ngân hàng TD Securities, thông điệp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã rất rõ ràng ưu tiên chống lạm phát và sẽ giữ lãi suất cao trong dài hạn. Do đó, vàng được dự báo giảm xuống 1.600 USD/ounce, tương đương 45,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức dự báo thấp nhất của kim loại quý trong vòng xoáy giá.

“Trong nửa đầu năm 2022, các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát tràn lan và bất ổn địa chính trị đã thúc đẩy thị trường vàng toàn cầu, nhưng đồng thời thị trường này cũng phải đối mặt với những trở ngại do lãi suất dâng cao cùng đồng đô la Mỹ tăng vọt chưa từng có. Trong tương lai, thị trường vàng sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn có lẽ sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng, nhưng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa và sự lớn mạnh liên tục được gia tăng của đồng đô la có thể gây ra nhiều khó khăn cho thị trường vàng”.

______Ông Louise Street, Nhà phân tích cấp cao EMEA tại WGC

“Tại Việt Nam, vàng là thị trường đóng, không liên thông với giá thế giới và người dân nghĩ vàng là công cụ đầu tư thay vì là nơi trú ẩn như bản chất của nó. Thế nên nếu kinh tế còn nhiều bấp bênh, xung đột Nga - Ukraine vẫn còn kéo dài và căng thẳng, giá dầu cao, khủng hoảng lương thực, tình trạng lạm phát toàn cầu còn cao, dịch bệnh bùng phát… thì dòng vốn có thể vẫn trú ẩn vào vàng. Vì thế, nếu coi vàng là đầu tư, chỉ nên tham gia vào khoảng 20 - 30% vốn thay vì bỏ tất cả trứng vào một giỏ như cách tất tay của nhiều nhà đầu tư trong nước”.

______Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.