Tràn đê ở huyện đảo Cát Hải Lúc 18 giờ 20 tối nay, cộng tác viên của Thanh Niên Online ở huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) cho biết, đoạn đê xung yếu ở khu vực Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải đã bị sóng đánh tràn qua. Chiều dài đoạn kè bị sạt khoảng 30 - 40m, nước biển xối vào nhà dân. Káp Long - Mộc Lan
>>
Cứu 71 ngư dân gặp nạn trên biển
/ Bão số 1 tiến sát bờ biển Hải Phòng / Di dời trên 150.000 dân tránh bão / Đồ Sơn trước cơn bão dữ
Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Phạm Xuân Hòe xác nhận: Hiện nay sóng, gió đều rất to, một số đoạn đê ở Tiến Lộc, Hải Lộc, thị trấn Cát Hải đã bị tràn. Công tác di dời, hàn khẩu đang được khẩn trương thực hiện, toàn huyện đảo mất điện. Hiện chưa có thương vong về người.
Toàn huyện Cát Hải có gần 19km đê thì có tới hơn 10km xung yếu và hơn 4km kém ổn định không đảm bảo an toàn.
* Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng TN-MT huyện, thành viên thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, từ 13 giờ trưa nay, mưa to, gió mạnh cấp 10, 11, giật trên cấp 11 đã tràn qua đây.
Ông Hà Văn Giang, Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, hiện nay TP Hạ Long bị mất điện, mưa rất to. Việc đi lại ra ngoài thời điểm này là cực khó.
“Ngoài trời mưa gió, sóng nước mù mịt, tôi không biết âu thuyền có bị sao không, mong bà con ở đất liền chuẩn bị kỹ càng, gió cực lớn đang tràn qua đảo vào bờ”, anh Hậu cho biết.
Lúc 17 giờ 45, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), gió cấp 10 - 11 khiến nước biển tung bọt trắng xóa khi đánh vào bờ kè bê tông, nhiều cột sóng cao hơn 3m. Cây đổ ngổn ngang khiến nhiều tuyến đường ách tắc.
Theo thông tin từ Ủy ban Phòng chống lụt bão TP Hải Phòng, đến 15 giờ chiều nay, TP đã tổ chức sơ tán 6.454 người đến khu vực an toàn. Hàng ngàn người đang chuẩn bị sẵn sàng sơ tán khi có lệnh.
Tại khu trung tâm thành phố, cây cối ngã đổ ngổn ngang, đường phố xác xơ. “Tôi chạy xe trên đường cứ như chạy trong thời chiến trận, đằng trước, đằng sau cây đổ cứ răng rắc, thậm chí cả khúc cây to như bắp đùi cũng bị gió vặn gãy ngang đường”, bác Lê Xuân Tiến ở phố Trần Hưng Đạo dừng xe ô tô trước cửa nhà cho biết.
Các con phố chính như Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Quang Trung đều ngổn ngang cây đổ. (Káp Thành Long)
|
|
|
Huyện đảo Cát Hải bị cô lập hoàn toàn
Thông tin mới nhất từ Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vào lúc 15 giờ 45 chiều nay (17.7), bão số 1 chuyển hướng, thẳng tiến vào Hải Phòng thay vì Thái Bình như những dự đoán trước đó vài giờ. Đây là cơn bão mạnh và diễn biến cực kỳ phức tạp.
Được biết, Bộ trưởng Cao Đức Phát đang tiến hành họp khẩn để xem xét khả năng đến Hải Phòng trực tiếp chỉ huy công tác đối phó với bão số 1 tại địa phương này.
Đến 16 giờ chiều nay, Hải Phòng bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ kèm gió mạnh trên nhiều điểm nội thành. Một số khu vực ở đây đã bị mất điện.
Gió thổi càng ngày càng mạnh ở trong nội thành - Ảnh M.L
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó chủ tịch thường trực UBND huyện đảo Cát Hải cho biết, đến thời điểm này (16 giờ) huyện đảo đã bị cô lập hoàn toàn, hiện đã có gió mạnh từ cấp 8 đến cấp 9. Sóng biển cũng khá mạnh nhưng mới chỉ đến lưng chừng kè, hoạch đê. Tuy nhiên với tình hình này khả năng nước biển tràn qua đê, kè là khó tránh khỏi.
Huyện đã tổ chức di dời gần xong những người dân trong tình huống 1, hiện do diễn biến của cơn bão khá phức tạp nên vẫn tiếp tục thực hiện việc di dời dân tại một số vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão.
Điện trên huyện đảo lúc này đã bị cắt hoàn toàn, do gió lớn, mưa to nên tại một số khu vực trên huyện đảo đã có nhiều cây to bị đổ nhưng đều được các đơn vị chức năng xử lý ngay.
Việc thực hiện di dời dân luôn được huyện xem là quan trọng nhất và năm nay công tác này được đánh giá là khá tốt so với mọi năm. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân tỏ ra quen với sóng nước nên không chịu di dời. Trước tình hình này, UBND huyện đã phải ra quyết định cưỡng chế, buộc các hộ dân này phải rời khỏi nơi ở nguy hiểm để đến nơi an toàn hơn.
Lúc 12 giờ trưa nay, tại vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng) gió đã mạnh lên làm oằn tán lá cây, biển đục ngầu nổi sóng cao, người dân ven đê đã phải sơ tán.
Dưới đây là một số hình ảnh người dân chuẩn bị đối phó với bão số 1 tại Đồ Sơn vào trưa nay: (Mộc Lan - P.H.Sâm - Káp Thành Long)
Từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, anh Nguyễn Văn Hùng cho biết bão số 1 đang tiếp tục hướng vào vịnh Bắc Bộ
Gió bắt đầu thổi mạnh, các tán cây bị bạt về một phía
Lúc 10 giờ sáng, biển Đồ Sơn sóng bắt đầu đập mạnh, gió bắt đầu nổi lên liên tục
Tàu thuyền đã về neo đậu tại bến
Người dân ven biển xúc cát chèn nhà cửa
Dưới bãi biển vắng hoe du khách, chỉ còn vài thanh niên địa phương chơi bóng
Cửa hàng, khách sạn dùng gỗ nẹp vào cửa kính để tránh thiệt hại khi bão đổ bộ
Người dân xóm 6, phường Bằng La, quận Đồ Sơn di chuyển từ nhà thấp tầng lên nhà cao tầng để tránh ngập lụt. Tại phường Bằng La, 1.400 người sẽ được sơ tán tại chỗ, người già, trẻ em, phụ nữ có thai được yêu cầu di dời sớm
Thái Bình: Bão số 1 gây mất điện tại Tiền Hải
Tại huyện Tiền Hải (Thái Bình), nơi được dự báo sẽ là tâm điểm của cơn bão số 1 trước đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo lập Ban chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ huy phòng chống bão.
Thời điểm này (16 giờ), trên địa bàn huyện Tiền Hải, đã bắt đầu xuất hiện kiểu hình thái thời tiết mưa trước bão với lượng mưa nhỏ, lúc mưa, lúc tạnh và xuất hiện rải rác.
Bão số 1 gây mưa lớn ở nhiều nơi |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 1, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 30 m/s (cấp 11); giật 40m/s (cấp 13); Cô Tô có gió mạnh 21 m/s (cấp 9), giật 33 m/s (cấp 12). |
Toàn huyện có 45km đê biển đều thuộc tuyến đê xung yếu hiện đã được gia cố để chuẩn bị đối phó với cơn bão số 1.
Các lực lượng dân quân địa phương đang tích cực vận chuyển vật tư thiết bị như: đất, đá, bao để sẵn sàng ứng cứu và hộ đê trong trường hợp khẩn cấp.
Huyện đã tiến hành di dời toàn bộ 1.509 người dân có nuôi trồng thủy sản ngoài đê biển vào trong đê.
Công tác di dời các hộ dân đang sinh sống trực tiếp ở ngoài đê cũng đang được khẩn trương tiến hành.
Nơi đây hiện có 127 hộ dân (gồm 481 khẩu) đang sinh sống. Huyện đã tổ chức đưa 95 cụ già sơ tán vào các nơi trú ẩn cao ở phía trong đất liền. Số còn lại, sẽ tổ chức di dời toàn bộ đến nơi an toàn trước 18 giờ chiều nay.
Toàn bộ 995 phương tiện thủy khai thác thủy hải sản đang hoạt động trên vùng biển Tiền Hải đã vào các khu neo đậu, tránh bão an toàn.
Vietnam Airlines hoãn, hủy 11 chuyến bay vì bão |
Do tình hình mưa bão diễn biến thất thường, chiều nay Vietnam Airlines đã ra thông báo hoãn, hủy 11 chuyến bay nội địa và quốc tế. |
Quảng Ninh: Tạm cấm người đi bộ, các loại xe mô tô và thô sơ qua cầu Bãi Cháy
Từ 14 giờ 40 ngày 17.7, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh bắt đầu thực hiện việc cấm người đi bộ, các loại xe mô tô và xe thô sơ qua cầu Bãi Cháy (hướng Bãi Cháy - Hạ Long); hướng ngược lại và xe ô tô vẫn lưu thông bình thường. Sở cũng bố trí đầy đủ phương tiện để chuyên chở người qua cầu, đảm bảo an toàn trong thời gian có bão.
Huyện đảo Cô Tô hiện đã có gió giật trên cấp 9 kèm theo mưa lớn, chưa có thiệt hại về người. Cô Tô đã huy động người và phương tiện sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 1. Các phương án chuẩn bị vật tư như bao tải, rọ sắt, đá... tập kết tại những tuyến đê, kè xung yếu để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra. Toàn bộ tàu, thuyền đang hoạt động gần khu vực Cô Tô đã được Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN), ngành Thủy sản kêu gọi di chuyển về nơi tránh bão an toàn.
11.500 tàu thuyền đánh cá của tỉnh đã về nơi trú ẩn. Gần 460 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long được di chuyển về địa điểm tránh bão theo quy định. Các địa phương kiên quyết di chuyển tất cả người dân đang nuôi trồng thủy sản ven biển vào vị trí an toàn ngay trong chiều 17.7. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng kế hoạch và xin ý kiến chỉ đạo phương án di dân đảm bảo an toàn cho 20.000 dân đảo Hà Nam (huyện Yên Hưng) trong trường hợp xảy ra bão lớn, triều cường. (TTXVN)
Ninh Bình: Sơ tán 1.200 dân
Đến 16 giờ chiều nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc sơ tán 1.200 người dân đang sinh sống trên các chòi canh nuôi trồng thủy sản vào sâu phía trong đê Bình Minh II (huyện Kim Sơn) để tránh bão.
Nhiều trường hợp người dân vẫn cố bám trụ để bảo vệ thủy sản, nên các lực lượng chức năng đã phải sử dụng biện pháp cưỡng chế, kiên quyết đưa vào sâu trong đất liền.
Đáng chú ý là trong sáng và trưa nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng Ninh Bình đã phải rất cố gắng mới ngăn chặn không cho một số tàu thuyền liều lĩnh ra biển khai thác thủy sản.
Hiện nay, hệ thống nhà cửa, kho tàng của nhà nước và nhân dân ở khu vực huyện ven biển Kim Sơn đang được chằng chống, bảo vệ..., các công trình đê biển đang được thi công cũng đã được phủ bạt, nhằm chống sạt lở khi có sóng lớn ập vào. (Ngọc Minh)
>> Tiếp tục cập nhật
Bình luận (0)