Bão số 10 áp sát miền Trung: Cây ngã đổ, nhà tốc mái...

30/09/2013 13:35 GMT+7

(TNO) Từ khoảng 12 giờ ngày 30.9, bão số 10 bắt đầu gây ảnh hưởng đến các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... Sóng biển dâng cao, mưa to gió lớn đã khiến hàng trăm căn nhà ở Thừa Thiên-Huế bị tốc mái.

 
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đi thị sát ở xã Hải Dương - Ảnh Minh Ngọc

 
Người già, phụ nữ và trẻ em ở các vùng xung yếu của xã Quảng Lợi (H.Quảng Điền) đã được di dời đến trường mần non Ngư Mỹ Thạnh để tránh bão -  Ảnh: Bùi Ngọc Long

>> Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo ứng phó bão số 10
>> Bão số 10: Quảng Trị khẩn trương phòng chống bão
>> Miền Trung đương đầu bão số 10
>> Chiều tối nay bão số 10 giật cấp 15-16 vào miền Trung
>> Bão số 10: Lũ mới trên các sông sẽ lên nhanh
>> Bão số 10: Hà Tĩnh di dời gần 22.500 người khỏi khu vực nguy hiểm
>> Trắng đêm di dân tránh bão số 10
>> Khắp nơi chuẩn bị đối phó bão số 10

Thừa Thiên-Huế: Sóng biển dâng cao hơn 2 m, hàng trăm cây xanh ngã đổ

Tại Hải Dương (TX. Hương Trà), sóng biển dâng cao đang uy hiếp bờ kè đá được giá cố trước đó. Đến khoảng 8 giờ sáng, tại đây gió đã mạnh dần lên cấp 7, cấp 8.

Đến 12 giờ 30, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết hiện tại đã có gió mạnh trên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, sóng biển cao hơn 2m.

Triều cường làm nước biển dâng cao và gió mạnh đã làm tốc mái và sập đổ nhiều hàng quán ở Xóm Chợ, xóm Cồn Đâu. Toàn xã Hải Dương đã di dời 134 hộ, 412 khẩu đến nơi an toàn.

Tại thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc,Thừa Thiên-Huế), bão số 10 đã ảnh hưởng kể từ khoảng 3 giờ sáng nay (30.9), và từ 8 giờ sáng, cơn bão đã mạnh lên và tràn vào thị trấn này.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, kể từ 10 giờ sáng nay, từng đợt gió mạnh khoảng cấp 8 - 9 đã quần thảo thị trấn Lăng Cô. Trên khắp địa bàn thị trấn, hàng trăm cây xanh, cổ thụ bị ngã đổ.

Thống kê sơ bộ của UBND thị trấn Lăng Cô lúc 11 giờ cùng ngày cho hay, ít nhất 45 căn nhà bị tốc mái, 2 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn; Nhà nghỉ Trung ương Đảng, Trường tiểu học thị trấn Lăng Cô và một số khách sạn cũng bị tốc mái.

Ngay trong đêm và sáng 30.9, các lực lượng chức trách thị trấn Lăng Cô đã hỗ trợ di dời 75 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở các vùng xung yếu, ven sườn núi đến nơi trú ẩn an toàn.

Đến 12 giờ cùng ngày, bão số 10 càng tàn phá Lăng Cô mạnh hơn. Tại ven đường QL1A qua thị trấn hàng trăm quán xá bị tốc mái. Một số hộ dân có phần chủ quan nên mãi đến sáng 30.9 mới gia cố chằng chống nhà cửa, quán xá.

Các lực lượng chức trách cũng phải liên tục di chuyển để hỗ trợ cho người dân và tổ chức giải tỏa cây xanh ngã đổ, gây cản trở lưu thông trên QL1A.

Đích thân bí thư Huyện ủy Phú Lộc, ông Hoàng Văn Giải cũng có mặt tại thị trấn Lăng Cô để chỉ đạo các lực lượng ứng phó, chống đỡ bão.

Do gió mạnh kết hợp với mưa lớn nên công tác phòng chống lụt bão ở thị trấn này gặp rất nhiều khó khăn.

Tại xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc - vùng đất nằm ven biển như Lăng Cô - bão số 10 cũng đã tàn phá vùng đất này. Đến 10 giờ trưa nay, toàn xã phải di dời khẩn cấp 180 hộ dân (khoảng 400 người).

Lãnh đạo xã cho biết, tình trạng xâm thực nặng tiếp tục xảy ra ở khu vực sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh). Cụ thể, sạt lở bờ sông vào sâu trong đất liền khoảng 4m, trên chiều dài 250 m.

Tại TP.Huế, mưa lớn kết hợp với gió mạnh cấp 6 cấp 7 tại TP.Huế đã làm hàng loạt cây xanh đường phố bị gãy đổ, nhiều khu vực đã bị mất điện do cây đổ đã làm đứt đường dây.

Ngay trong sáng 30.9, Công an TP.Huế cũng đã giúp người dân sống ở các vùng nguy hiểm của Phường Kim Long, Phú hậu, Phú Bình… đến nơi an toàn.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online tại xã Quảng Lợi (H. Quảng Điền), địa bàn xung yếu có nhiều tuyến dân cư sống ven đầm phá Tam Giang, UBND xã Quảng Lợi đã vận động di dời hơn 232 hộ với 825 khẩu đến nơi an toàn, trong đó có 28 hộ gồm những người già, trẻ em và phụ nữ đã được di dời đến Trường mầm non Ngư Mỹ Thạnh.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa-Thiên Huế, cho biết đến 9 giờ sáng, toàn tỉnh có một số thiệt hại ban đầu với hàng trăm cây xanh bị gãy đổ; nhiều đê điều, hồ nuôi thủy sản của người dân bị hư hại.

Quảng Bình: Gió đã giật rất mạnh kèm mưa lớn

 

 
Người dân thôn Tân Hòa, xã Ngư Thủy Bắc (Quảng Bình) sơ tán đến trú tại trường tiểu học

Lúc 12 giờ trưa nay 30.9, tại H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, gió đã giật rất mạnh kèm mưa lớn. Trước đó, lúc 11 giờ cùng ngày, gió giật mạnh, theo thông tin từ máy đo tại những hồ nuôi tôm ven biển ở xã Ngư Thủy Trung thì gió đã giật cấp 8, trên cấp 8.

Lúc này, trên đường không một bóng người, hầu hết người dân đều ở trong nhà. Người dân đã sơ tán đến các vị trí an toàn như trường học, nhà kiên cố.

Tại Trường tiểu học xã Ngư Thủy Bắc, giáo viên và người dân thôn Tân Hòa đã trú ngụ nơi đây để tránh mưa bão. Chị Dương Thị Phiên cho biết: “Hầu hết nhà các bà con ở đây đều ở cách mép bờ biển chừng 50-100 m, bình thường thì thôi chứ bão đến nước biển sẽ quét sạch, nên bà con phải sơ tán. Bà con lên đây từ sáng sớm, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ con; đàn ông, thanh niên khỏe mạnh thì ở lại chằng chống nhà cửa và tàu thuyền. Ăn uống thì được người nhà nấu rồi mang đến”.

Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn để bàn biện pháp ứng phó với bão. Sau đó, các đoàn lãnh đạo chia nhau về các địa bàn kiểm tra tình hình, chỉ đạo chống bão.

 
Gió bắt đầu thổi mạnh


Một cây cổ thụ bị gió quật bật gốc chắn ngang đường vào thị trấn Kiến Giang 

 
Cây gãy đổ chắn ngang QL1

 
Càng về trưa, gió quật càng mạnh

Đến 12 giờ, ghi nhận của PV Thanh Niên Online, nước đã tràn trên đường chạy dọc ven biển 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam và chảy rất xiết, gió ngày càng giật mạnh, nhiều cây đã bị gãy đổ.

Ngay sau sự cố xảy ra, lãnh đạo UBND các xã, lực lượng công an huyện Lệ Thủy đã ra chỉ đạo lực lượng tại chỗ cưa cây giải phóng hiện trường. Từ sáng sớm nay, tại huyện Lệ Thủy đã bị cúp điện, các hoạt động khác đã đóng cửa hoàn toàn.

Quảng Trị: Đã hoàn tất công tác di dời

12 giờ 58: PV Thanh Niên Online có mặt tại hiện trường cho biết, tại thị trấn Cửa Tùng, gió bắt đầu thổi mạnh. Những hàng quán ven đường ngày thường tấp nập nay đã đóng kín cửa, đường sá vắng bóng người. Trước đó, người dân tại thị trấn đã chằng chống nhà cửa đề phòng ảnh hưởng của những cơn gió lớn gây tốc mái, sập nhà. Khu vực gần biển, những hàng dương đổ rạp khiến giao thông tại một số tuyến đường bị chia cắt.

Tại xã Vĩnh Tân, nhiều tấm pa nô, áp phích bị gió đánh tơi tả; hệ thống cáp điện thoại sà xuống đường.

Ông Nguyễn Đình Tế, Chủ tịch UBDN thị trấn Cửa Tùng, cho biết toàn bộ công tác di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm đã hoàn tất. Hiện nay, UBND thị trấn Cửa Tùng đã cắt cử 15 cán bộ để cập nhật thông tin về cơn bão.

 
Cây đổ ở trên đường Huế đi thị trấn Sịa, H.Quảng Điền - Ảnh: Bùi Ngọc Long

 

 
Sóng biển đánh vào nhà dân ở vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế)


Một người dân đi tránh bão qua cầu Lăng Cô 

 
Lực lượng dân quân giúp đỡ một hộ dân bị sập nhà

 
Nhiều cây cối bị bật gốc

 
 Một ngôi nhà ven đường QL1A bị sập vào 7 giờ sáng 30.9


Một chiến sĩ CSGT Công an H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đứng điều tiết giao thông trong mưa bão
 

Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.