Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 22 giờ ngày 12.11, tâm bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520 km về phía đông đông nam. Vùng gần tâm bão, gió mạnh nhất ở cấp 12, tương đương sức gió từ 115 - 135 km/giờ, giật cấp 15.
Theo đó, vùng biển gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên có bán kính khoảng 250 km tính từ tâm bão. Vùng biển gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 trở lên có bán kính khoảng 100 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15 - 20 km. Đến 22 giờ tối nay (13.11), vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ vĩ bắc và 112,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam của quần đảo Hoàng Sa. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất vẫn ở cấp 12, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa Biển Đông có mưa, gió mạnh cấp 8 - cấp 10, sóng biển cao 4 - 6 m; vùng gần tâm bão cấp 11 - cấp 12, giật cấp 15, sóng biển cao 8 - 10 m, biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng biển nguy hiểm trên Biển Đông với gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên là từ vĩ tuyến 13,0 - 18,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 111,0 - 119,0 độ kinh đông.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết nếu di chuyển theo quỹ đạo dự báo hiện nay thì nhiều khả năng bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh bắc Trung bộ. Nhưng hoàn lưu cơn bão rất rộng nên gió bão “quét” dọc ven biển các tỉnh bắc và trung Trung bộ gây mưa diện rộng cho khu vực này.
|
Cảnh giác với sạt lở đất, sự cố hồ đập
Chiều 12.11, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ngành T.Ư và các địa phương yêu cầu tập trung ứng phó bão số 13. Công điện nhấn mạnh, bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Dự báo từ đêm 14 và ngày 15.11, bão ảnh hưởng trực tiếp đến ven bờ các tỉnh bắc và trung Trung bộ. Diễn biến bão còn rất phức tạp, di chuyển không ổn định. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên (khu vực dự kiến ảnh hưởng trực tiếp của bão) rà soát, kêu gọi tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; sơ tán dân trên các lồng bè, chòi canh ven biển trước khi bão đổ bộ; triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động kinh tế, khai thác dầu khí trên biển. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, chủ động kiểm soát chặt chẽ phương tiện trên biển, đặc biệt khu vực ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão để kêu gọi tránh trú, thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm trong cơn bão số 13.
Các bộ, ngành địa phương căn cứ vào diễn biến bão chủ động sơ tán dân khỏi các nhà không an toàn; khu vực nguy hiểm có khả năng ngập lụt, sạt lở đất; vùng ven biển, cửa sông có gió mạnh, sóng lớn; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực vật tư ứng cứu sự cố đê điều; tổ chức vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình. Đối với các hồ, đập xung yếu cần chủ động hạ thấp để đảm bảo an toàn.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai với thành viên các bộ, ngành T.Ư diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh bão số 13 vào thẳng khu vực miền Trung, là nơi trong 1 tháng rưỡi qua liên tiếp đón 8 cơn bão, 2 áp thấp và áp thấp nhiệt đới, chịu tổn thương nhất từ đầu năm nay nên công tác ứng phó phải sẵn sàng cho tình huống rất đặc biệt này.
Bên cạnh yêu cầu kiểm soát triệt để, không để các phương tiện trong vùng nguy hiểm, ông Cường lưu ý sạt lở đất trên diện rộng ở miền Trung đã là thảm họa. Sau nhiều trận mưa, sườn tây từ Quảng Bình đến Phú Yên đất đá đã trương nước, bão hòa, chỉ cần một trận mưa lớn từ 100 - 200 mm tác động sẽ làm sạt lở đất ở nhiều nơi. “Ngay trước, trong và sau cơn bão đều có mưa lớn nên cần đặc biệt cảnh báo các tỉnh chủ động phòng ngừa sạt lở đất, chủ động sơ tán dân khi có mưa lớn. Bên cạnh đó, thành viên các bộ, ngành đặc biệt lưu ý địa phương về các tình huống rủi ro, sự cố hồ đập trong bão số 13”, ông Cường nói
Dự trữ lương thực ở những nơi có thể bị cô lập
Hôm qua (12.11), UBND tỉnh Quảng Nam có công điện khẩn phòng chống bão số 13, trong đó đặt vấn đề dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại trụ sở UBND xã, trường học, trung tâm y tế, các công trình kiên cố... Các địa bàn, khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập phải đảm bảo lương thực, thực phẩm đủ dùng từ 15 ngày trở lên. Quảng Nam cũng yêu cầu kiểm tra, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Chiều 12.11, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi, cho biết đơn vị đã yêu cầu tàu vận tải Gia Bảo 268, trọng tải 2.800 tấn, chuyển toàn bộ 10 tấn dầu DO (dùng để vận hành máy tàu) lên bờ trước khi bão số 13 ập đến, nhằm tránh nguy cơ dầu tràn ra biển. Ngày 7.11, tàu Gia Bảo 268 (trên tàu có 9 thủy thủ, thuộc Công ty CP xây dựng và vận tải Gia Bảo, do ông Nguyễn Văn Tuấn, 31 tuổi làm thuyền trưởng) vận chuyển 2.700 tấn đá vôi từ Nam Định đến cảng Dung Quất, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Bốc dỡ hàng xong, tàu neo đậu lại cảng biển Dung Quất. Khoảng 23 giờ ngày 9.11, tàu Gia Bảo 268 bị sóng lớn giật đứt neo, trôi dạt rồi va vào gành đá thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, H.Bình Sơn, bị thủng hầm hàng của tàu. Hiện trên tàu có 10 tấn dầu DO dự trữ để vận hành máy, nhưng trong điều kiện biển động nên có nguy cơ dầu tràn ra biển, nhất là khi bão số 13 đang chuẩn bị đổ bộ. Vì vậy, lực lượng biên phòng Quảng Ngãi cùng Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi đã yêu cầu thuyền trưởng xử lý đưa 10 tấn dầu DO ra khỏi tàu, mang vào bờ. Tuy nhiên, đến chiều tối 12.11 vẫn chưa thể vận chuyển số dầu nói trên vào bờ vì sóng biển lớn, thuyền trưởng và thủy thủ tàu Gia Bảo 268 chưa có biện pháp tiếp cận tàu.
|
Tại Đà Nẵng, chiều 12.11, Chủ tịch UBND TP có công điện gửi các sở, ngành, địa phương về việc ứng phó với bão số 13, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn... UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ, hoàn thành trước 15 giờ ngày 13.11. Bên cạnh đó, khẩn trương phối hợp di dời tất cả tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, chuyển đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ...
Trong khi đó, tại Quảng Trị, trận lụt diễn ra hôm 11 và 12.11 là trận lũ lụt thứ 6 diễn ra trên diện rộng chỉ trong 30 ngày (tính từ ngày 11.10). Mưa lớn, nước sông dâng cao đã gây lũ lụt tại nhiều xã, phường của H.Hải Lăng, H.Triệu Phong, TX.Quảng Trị; TP.Đông Hà cũng bị ngập lụt cục bộ. Tại miền núi, tuyến đường 15D đi Cửa khẩu quốc tế La Lay, đoạn đập tràn ngã ba La Lay (xã A Ngo, H.Đakrông) bị ngập; nhiều đập tràn tại xã A Vao (H.Đakrông) bị nước dâng cao, chia cắt cục bộ một số thôn. Toàn bộ 124 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn trên toàn Quảng Trị đạt gần 100% dung tích trữ; riêng hồ thủy điện Quảng Trị đang xả qua đập tràn 40 m3/giây. Để ứng phó với cơn bão số 13, toàn bộ 2.312 chiếc với 7.163 thuyền viên của Quảng Trị đã vào bờ neo đậu an toàn...
Bình luận (0)