Bão số 13: Diễn biến khó lường nên phải ứng phó theo tình huống đặc biệt

12/11/2020 14:21 GMT+7

Cơn bão số 13 được nhận định “rất khó lường” trong bối cảnh miền Trung 1,5 tháng qua đón 8 cơn bão, 2 áp thấp và áp thấp nhiệt đới, mưa lớn dài ngày, nên phải ứng phó thống nhất theo một tình huống đặc biệt.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, tại cuộc họp với thành viên các bộ, ngành diễn ra sáng nay, 12.11, tại Hà Nội, để triển khai công tác ứng phó bão số 13 (cơn bão Vamco).

Bão số 13: Lực lượng 250 ngàn người, 10 máy bay sẵn sàng đối phó cơn bão mạnh

Tăng cường bắn pháo hiệu cảnh báo bão

Cập nhật tình hình tàu, thuyền trên Biển Đông, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, đến 6 giờ sáng nay, trong vùng nguy hiểm bão số 13 vẫn còn 3 tàu cá của tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh. Nhưng đây chỉ là khu vực rìa ngoài, nằm sát với phạm vi vùng biển nguy hiểm cảnh báo Biển Đông, nên các tàu này đang được yêu cầu di chuyển thoát nhanh ra bên ngoài.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết các đơn vị quân đội đã có hiệp đồng với các bộ, ngành và địa phương sẵn sàng ứng phó bão số 13 trên địa bàn quân khu 4, 5.
Để ứng phó bão, quân đội và các địa phương đã sẵn sàng lực lượng với 251.523 người và trên 19.000 phương tiện, trang thiết bị các loại tham gia ứng trực. Mục tiêu trong ứng phó bão là sẵn sàng xử lý kịp thời mọi tình huống để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân.

Nguy cơ lũ lớn, sạt lở đất khắp miền Trung trước khi bão số 13 đổ bộ

Cũng theo thiếu tướng Doãn Thái Đức, quân đội đã sẵn sàng 10 máy bay, 53 tàu trực tham gia ứng phó bão và xử lý các tình huống tìm kiếm cứu nạn.
bao-so-13

Bão số 13 được dự báo đang hướng vào các tỉnh Trung bộ

Ảnh Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó trưởng ban Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai,  cũng lưu ý ngoài nội dung kiểm đếm, kiểm soát tàu, thuyền và đôn đốc di chuyển tránh xa vùng biển nguy hiểm bão số 13, lực lượng bộ đội biên phòng ở các địa phương cần tăng cường bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho các phương tiện hoạt động hoặc đi qua vùng biển ảnh hưởng của bão số 13.

Thoát hiểm trong gang tấc trong vụ sạt lở núi kinh hoàng ở Quảng Nam sáng 12.11.2020

Ứng phó bão tuyệt đối không lơ là, chủ quan

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, bão số 13 đang là cơn bão rất mạnh trên Biển Đông. Các đài quốc tế cũng như Việt Nam đều cho rằng, đây là cơn bão rất “khó đoán định".
Phần lớn các nhận định hướng đi hiện nay đều cho rằng, bão số 13 sẽ hướng vào Trung bộ - khu vực vốn chịu tổn thương nhiều nhất, nặng nề nhất từ đầu mùa đến nay. Trong 1,5 tháng vừa qua, miền Trung đã hứng chịu liên tiếp 8 cơn bão, 2 áp thấp và áp thấp nhiệt đới, mưa lớn liên tục trong nhiều ngày.
“Nếu bão số 13 ảnh hưởng trực tiếp vào miền Trung thì diễn biến thiên tai sẽ rất phức tạp. Vì thế, ngay khi bão vào Biển Đông, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tổ chức họp ngay, để bàn và thống nhất các biện pháp triển khai ứng phó bão trong tình huống đặc biệt này”, ông Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu công tác ứng phó bão số 13 quan tâm đặc biệt đến các khu vực.
Cụ thể, ở tuyến biển, vùng biển có gió mạnh do ảnh hưởng của bão số 13 rất rộng, phạm vi các tỉnh Thanh Hoá đến Bình Thuận, Phú Yên; tác động đến toàn bộ tàu, thuyền, từ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, các hoạt động kinh tế biển. Ở các vùng biển ảnh hưởng trực tiếp bão theo cảnh báo, đảm bảo không để tàu, thuyền hoạt động, tất cả phải di chuyển tránh trú.
“Miền Trung hơn 1,5 tháng qua đã có bão, tàu cá nằm bờ dài này không ra khơi, bà con có tâm lý nôn nóng ra biển, nhưng nếu kỳ này cố ra khơi thì nguy cơ rủi ro rất lớn”, ông Cường cảnh báo.
Bên cạnh đó, trước và sau khi bão vào thì gây mưa to rất lớn ở các tỉnh miền Trung. Trong khi đó, các tỉnh sườn tây miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên đã có mưa lớn dài này, liên tục trong hơn một tháng vừa qua. Đồi núi, đất đá đã trương nước nên mưa lớn đến 100 - 200 mm sẽ gây ra sạt lở đất. Dọc tuyến này, sạt lở đất vừa qua đã là thảm hoạ, cần phải sẵn sàng ứng phó các tình huống, đặc biệt là sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt nhấn mạnh, công tác ứng phó bão số 13 cần đặc biệt cảnh giá với rủi ro từ các hồ, đập ở khu vực miền Trung. Trong hơn 1 tháng vừa qua, gần như tất cả các hồ thủy lợi, hồ thủy điện dù ở quy mô lớn, nhỏ đều đã đầy nước. Nếu tiếp tục hứng chịu một đợt mưa lớn nữa thì nhiều hồ đập, đặc biệt là những công trình xung yếu, xuống cấp, đã có những hư hỏng hoặc đang thi công rất dễ xảy ra sự cố và phải có biện pháp đảm bảo an toàn ở nhưng công trình này.

Kinh hoàng khoảnh khắc sạt lở khủng khiếp ở Bắc Trà My, Quảng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.