Mưa lũ, sạt lở đất miền Trung: Do thiên tai hay nhân tai ?

07/11/2020 06:05 GMT+7

Đại biểu (ĐB) Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà về phát biểu của ông Hà (ngày 5.11) cho rằng thủy điện nhỏ không phải là nguyên nhân gây ra sạt lở, lũ lụt.

Ngày 6.11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại Quốc hội đã diễn ra rất sôi động xung quanh vấn đề môi trường, tin giả, quản lý mạng xã hội, tư pháp... Đại biểu (ĐB) Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà về phát biểu của ông Hà (ngày 5.11) cho rằng thủy điện nhỏ không phải là nguyên nhân gây ra sạt lở, lũ lụt.

ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

Nguyên nhân là do con người

“Bộ trưởng nói thủy điện nhỏ không có lỗi trong bão lũ, sạt lở ở miền Trung, mà do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường ở VN? Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?”, ĐB chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ông không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không phải nguyên nhân, mà ông nói con người chính là nguyên nhân quyết định. Ông dẫn chứng Na Uy rất nhiều thủy điện, nhưng khai thác dựa trên thế năng tự nhiên, còn VN khai thác thủy điện mà chấp nhận đổi rừng, thì nguyên nhân là do con người.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của ĐBQH Ksor H'Bơ Khăp

“ĐB nói với tôi rừng quan trọng như thế nào. Rừng là trời. Tôi nghĩ, rừng còn quan trọng hơn cả trời, bởi vì tôi thở không khí từ việc lọc COcủa rừng”, Bộ trưởng Hà nói và cho rằng mất rừng có rất nhiều lý do, do “con người có tư duy sai trái” và “chúng ta phải hiểu nguyên nhân mất rừng”.
Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng “rà soát từng mét vuông đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị chuyển mục đích sử dụng”, và mong ĐB Ksor H’Bơ Khăp nghe lại băng ghi âm câu trả lời của Bộ trưởng tại phiên họp hôm 5.11, để “có sự hiểu nhau hơn”.
Sau đó, ĐB H’Bơ Khăp đã tranh luận với Bộ trưởng, cho biết các câu hỏi của mình chưa được Bộ trưởng trả lời. “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì”, ĐB H’Bơ Khăp trao đổi lại. Do vấn đề thời gian, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chưa phản hồi được ý kiến này.

ĐBQH Ksor HBơ Khăp (Gia Lai) lần thứ hai chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

Google, Facebook... kiếm hàng tỉ USD nhưng chưa nộp thuế

Trong ngày chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng là người nhận được rất nhiều câu hỏi của các ĐB. ĐB Vũ Thị Thủy (Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng về tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt về cá nhân, đưa thông tin giả mạo làm hoang mang trong nhân dân.
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tin giả ở VN chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu nữa, là Facebook và YouTube. Bộ trưởng cho hay thời gian qua, Bộ TT-TT xác định làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt.
Về công cụ quản lý, theo Bộ trưởng, đã xây dựng và hoàn thành Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có năng lực xử lý mỗi ngày 300 triệu tin. Về thực thi pháp luật, Bộ TT-TT đã “làm việc cứng rắn” với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và YouTube. Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95%, và của YouTube tăng từ 50% lên 90%. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng lên 30 lần so với năm 2017, số lượng gỡ bỏ video xấu độc trên YouTube năm 2020 tăng 8 lần so với 2017. Số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần so với 2017.

Bộ trường TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nói về việc định danh cá nhân tham gia mạng xã hội

Về giải pháp thời gian tới, đặc biệt năm 2021, ông Hùng cho hay Bộ TT-TT sẽ tập trung vào 6 việc. Thứ nhất là tiếp tục sửa các quy định của pháp luật có liên quan về mạng xã hội và tin giả. Hai là ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm nay. Ba là yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội. Thứ tư là tiếp tục phát triển các công cụ rà quét, vì quản lý không gian mạng phải bằng công nghệ. Thứ năm, các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật VN.
Bộ TT-TT sẽ cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán vì “hiện 4 công ty lớn là GAFA (Google, Amazon, Facebook và Apple) phát sinh doanh thu tại VN hàng tỉ USD, nhưng chưa đóng thuế”. Thứ sáu, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội thay đổi quy định về xử phạt có tính răn đe, vì chúng ta mới xử phạt bằng con số tuyệt đối mà chưa sử dụng mức phạt dựa trên doanh thu.
“Nếu chúng ta phạt 100 triệu đồng, khoảng 5.000 USD đối với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ thì là lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỉ USD thì quá nhỏ”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Xây dựng hồ đập thủy điện cũng tác động tiêu cực đến môi trường

Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng mấy ngày qua, ngay tại nghị trường này có cách nhìn khác nhau về nguyên nhân của lũ lụt và sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung gần đây. Từ đó, ông Vân đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết thực chất nguyên nhân của sạt lở, lũ lụt ở miền Trung vừa qua là “thiên tai hay là do nhân tai”, và giải pháp của Chính phủ thế nào để bảo đảm sự an toàn cho nhân dân.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói về những nhân tai gây ra sạt lở, lũ lụt miền Trung

Trả lời các chất vấn vào cuối giờ chiều, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ông “quan tâm nhiều hơn đến nguyên nhân chủ quan do con người”. Nguyên nhân đầu tiên, theo ông Dũng, là mất rừng và chất lượng rừng thấp. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, đặc biệt là tình trạng phá rừng lấy gỗ, xây nhà. Việc trồng rừng thay thế tại các dự án lấy đất rừng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. “Từ đó ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.
Khẳng định công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, song Phó thủ tướng thừa nhận “xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường”.
“Các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời, việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.