Ngày 22.7, trước thông tin dự báo thời tiết về diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, các tỉnh Nam Định và Thái Bình đã có nhiều công điện chỉ đạo nhằm phòng, tránh để giảm thiểu tối đa thiệt hại do cơn bão gây ra.
Tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 9 giờ ngày 22.7. Bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.
Trong khi đó, tỉnh Nam Định ra công điện cấm biển từ 10 giờ ngày 22.7 đến khi có tin cuối cùng về cơn bão. Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 17 giờ…
Bão số 2 gây mưa lớn ở miền Bắc; TP.HCM và Nam bộ mưa giông đến cuối tháng 7
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Ngoài ra, công điện của hai tỉnh đều yêu cầu các cơ quan liên quan thông tin về cơn bão để nhanh chóng di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm tại các vùng bãi thấp, cửa sông, ven biển, ngư dân trên các phương tiện vào nơi an toàn; chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên sông, ven biển đảm bảo an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 22.7.
Các phương tiện tàu cá, các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản khác sẽ chịu rủi ro rất lớn của gió mạnh, sóng lớn, nước dâng. Mưa lớn gây ngập úng một số diện tích lúa mới cấy và gieo sạ tại một số địa phương. Nước dâng, sóng lớn gây ngập lụt các vùng trũng thấp ngoài đê chính khu vực ven biển, vùng cửa sông; gây sạt lở đê, kè nơi xung yếu vùng cửa sông ven biển.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.
Bình luận (0)