Sáng 29.8, ảnh hưởng bởi
bão số 4, thời tiết ở Quảng Bình bắt đầu chuyển mưa khá lớn kèm sấm sét. Công nhân, người dân, nhất là ngư dân ven biển khẩn trương triển khai các biện pháp chống bão.
Thuê cẩu thuyền lên bờ
Thuê cần cẩu đưa thuyền lên bờ chống bão số 4
|
Theo ghi nhận của PV
Thanh Niên tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), từ sáng sớm cùng ngày, rất đông công nhân của Trung tâm Công viên cây xanh Đồng Hới tỏa đi các tuyến phố để cắt tỉa cành cây, cắm cọc chằng néo cây xanh. Các công trình ngoài trời có nguy cơ đổ gãy như cổng chào trang trí cũng được chằng bằng dây cáp. Các hàng quán, nhà dân ở khu vực ven biển được gia cố.
Bão số 4 dự kiến đổ bộ Thanh Hóa đến Quảng Bình nguy hiểm đến mức nào?
|
Đặc biệt, trên sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới), ngư dân hối hả
đưa tàu thuyền vào các khu trú ẩn; chằng néo tàu thuyền tránh va đập và che bạt phủ. Với những loại tàu thuyền có công suất nhỏ, ngư dân thuê xe cần cẩu để cẩu lên bờ. Được biết, mỗi thuyền phải mất chi phí cẩu khoảng 250.000 đồng.
Chằng néo cây xanh tránh ngã đổ
|
Cuối giờ sáng 29.8, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, đốc thúc công tác phòng chống
bão số 4 tại một số địa bàn.
Đầu giờ sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình có công điện gửi các cấp, ngành. Trong đó yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND các địa phương ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản,
cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12 giờ 00 ngày 29.8 cho đến khi bão tan.
Sẵn sàng sơ tán khẩn cấp người dân
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các lực lượng tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài. Tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu.
Ngư dân Quảng Bình khẩn trương chống bão số 4
|
Theo công điện, bão số 4 (tên quốc tế là Podul) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11 đang tiếp tục di chuyển nhanh về vùng ven biển, đất liền và còn có khả năng mạnh thêm. Dự báo, trưa chiều 30.8, bão sẽ đổ bộ vào khu vực đất liền các tỉnh từ Nghệ An - Quảng Bình.
Bình luận (0)