Bão số 9 chưa đổ bộ, Bình Định đã có nhiều điểm sạt lở

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
27/10/2020 16:08 GMT+7

Tỉnh Bình Định đang huy động lực lượng sơ tán hàng ngàn hộ dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở núi trước khi bão số 9 đổ bộ.

Sáng 27.10, các huyện miền núi của tỉnh Bình Định như An Lão, Hoài Ân… đã tập trung lực lượng để di dời, sơ tán các hộ dân nằm dưới chân núi có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ.

Dự báo, miền Trung, Tây Nguyên sẽ có mưa cực lớn vì bão số 9

Khẩn trương di dời dân

Theo ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện miền núi An Lão, do ảnh hưởng của bão số 8 kèm mưa lớn khiến một số tuyến đường liên xã trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, ách tắc.

Cận cảnh các điểm sạt lở nghiêm trọng ở Bình Định dù bão số 9 chưa vào

Tuyến đường độc đạo từ TT.An Lão đi xã An Toàn (H.An Lão) bị sạt lở. Đặc biệt, điểm sạt lở nghiêm trọng tại xã An Quang mở hàm ếch ăn sâu vào tâm đường, tiềm ẩn tai nạn cho người dân khi qua lại, đặc biệt là phương tiện xe tải.

Sạt lở tạo thành hàm ếch tại tuyến đường TT.An Lão đi xã An Toàn (H.An Lão)

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định dẫn đầu đi kiểm tra sạt lở tại H.An Lão

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Nghiêm trọng hơn, tuyến đường độc đạo từ TT.An Lão đi xã An Vinh (H.An Lão) cũng có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, điểm sạt lở tại khu vực hồ Đồng Mít ở thôn 1 (xã An Vinh) khiến đất đá chắn cả đường đi của người dân. Trong ngày 27.10, các cơ quan chức năng đã huy động máy ủi giải phóng số đất đá chắn đường để người dân đi lại.
“Chúng tôi xác định trên địa bàn huyện có 850 hộ dân ở các xã An Hòa, An Nghĩa, An Quang và An Vinh nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lỡ, lũ quét, ngập lụt khi bão số 9 ập tới. H.An Lão sẽ di dời hộ dân nói trên đến nơi an toàn trước khi bão số 9 ập đến”, ông Trương Tứ nói.

Các cơ quan chức năng H.An Lão đang tiến hành giải phóng đất đá bị sạt lở trên tuyến đường từ TT.An Lão đi xã An Vinh

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND H.Hoài Ân, cho biết trên địa bàn có 32 điểm có nguy cơ sạt lở trong cơn bão số 9. Chính quyền H.Hoài Ân đã lập danh sách 92 hộ dân bị ảnh hưởng để triển khai phương án di dời đến nơi an toàn.
Tại khu vực núi Gành (thuộc thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, H.Phù Cát) có 36 hộ dân vẫn sinh sống dọc theo triền núi, đang bị uy hiếp nghiêm trọng bởi nguy cơ sạt lở. Sau những đợt mưa vừa qua, khu vực núi Gành đã xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở, sụt lún và ngày càng khoét sâu vào chân núi, cũng như nhà dân. Ông Giáp Văn Cường (sống tại khu vực núi Gành) cho biết những hộ dân tại khu vực này rất lo lắng nếu bão số 9 đổ bộ.

Bão số 9 là một trong những cơn bão mạnh nhất ở Việt Nam trong 20 năm qua

Các hộ dân sống dưới chân núi Gành lo ngại sạt lở nếu bão số 9 đổ bộ

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

“Sáng 27.10, tổ công tác UBND H.Phù Cát phối hợp UBND xã Cát Minh đến vận động di dời 36 hộ dân sát chân núi Gành và 50 hộ dân sống lân cận có thể bị ảnh hưởng nếu xảy ra sạt lở núi Gành. Chúng tôi làm rất cương quyết, đến 17 giờ ngày 27.10 phải đưa tất cả các hộ dân này đến nơi ở an toàn”, ông Trần Văn Hương, Phó chủ tịch UBND H.Phù Cát, nói.

Cưỡng chế nếu các hộ dân không chịu di dời

Sáng 27.10, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cùng lãnh đạo các sở ban ngành, chính quyền các địa phương đã kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với bão số 9 tại H.An Lão và TX.Hoài Nhơn.
Sau khi kiểm tra hiện trường tại các điểm sạt lở ở H.An Lão, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải gia cố, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm sạt lở trước khi bão số 9 đổ bộ.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, mới vào đầu mùa mưa nhưng H.An Lão đã có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND H.An Lão cũng như các địa phương khác trong tỉnh rà soát lại những điểm xung yếu, phải có kế hoạch di dời, đảm bảo an toàn cho người dân ngay.

Ông Hồ Quốc Dũng trò chuyện với 1 người dân huyện miền núi An Lão

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ông Hồ Quốc Dũng cho rằng tình hình sạt lở núi tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… trong đợt bão số 8 là bài học kinh nghiệm. Vì vậy, trọng tâm của các huyện miền núi là đề phòng sạt lở. “Trước mắt, những vùng có dân sống dưới chân núi có nguy cơ sạt lở phải di dời bằng mọi cách, thậm chí cưỡng chế di dời trước khi bão số 9 vào. Sau bão sẽ có mưa rất lớn, nguy cơ sạt lở dự kiến xảy ra rất nghiêm trọng nên phải cương quyết để bảo đảm an toàn cho người dân”, ông Hồ Quốc Dũng nói.

Đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ kéo nhau đi giúp đẩy thuyền lên bờ tránh bão

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.